Tuesday, September 6, 2016

Tổng hợp cách làm 16 loại bánh ngon bằng nồi cơm điện

Bạn muốn làm những món bánh ngon nhưng lại không có lò nướng bánh chuyên dụng? Đừng lo! Chỉ cần một chiếc nồi cơm điện chống dính đơn giản là bạn đã có thể thoải mái sáng tạo với 15 mẫu bánh dưới đây! 
Đừng quên biến tấu thoả thích để tạo nên những món bánh tuyệt vời nhé!
1. Bánh Phú Sĩ
2. Bánh bông lan chanh 


Nguyên liệu:
Khẩu phần: 6 người ăn 
Thời gian thực hiện: 30 phút
- 2/3 chén đường kính
- 2 lòng đỏ trứng
- 2 lòng trắng trứng
- 150ml sữa chua
- 2 muỗng canh nước chanh tươi
- Vỏ chanh xắt nhuyễn - 1 quả
- ¼ chén bột làm bánh Cake Flour (bột bánh bông lan)
- Một chút bơ, muối
- Mứt mâm xôi (nếu có) và kem tươi

Cách làm: 
- Cho lòng đỏ trứng, sữa chua, nước chanh và vỏ chanh vào bát, đánh tan. Thêm từ từ bột bánh, muối, đường và tiếp tục đánh cho đến khi hỗn hợp bột mượt hẳn.
- Dùng 1 cái bát khác, cho lòng trắng trứng vào và đánh cho đến khi có hình chóp nhọn. Đổ phần lòng trắng này vào hỗn hợp bột một cách cẩn thận.
- Dùng 6 khuôn bánh đã lót bơ dưới đáy, cho hỗn hợp bột vào khuôn, để vào khay hấp và cho vào nồi cơm điện.
- Châm khoảng 500ml nước vào nồi và để ở chế độ COOK trong khoảng 20 phút hoặc cho đến khi bánh chín. Bạn có thể dùng que tăm xiên vào bánh để kiểm tra xem bánh đã chín hay chưa, nếu rút ra que tăm vẫn sạch tức là bánh đã chín. 
- Úp ngược khuôn bánh để cho bánh ra dĩa.

Thành phẩm: Bánh sẽ ngon hơn nếu dùng lạnh

3. Bánh bông lan trà xanh 


Nguyên liệu:
- 300g bột bánh bông lan pha sẵn (có thể tìm mua ở các siêu thị)
- 200ml sữa tươi (nếu thích ăn ngọt có thể chọn loại có đường)
- 2 quả trứng gà
- 20g bột trà xanh (loại dùng làm bánh)

Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên, bạn đổ bột bánh pha sẵn và bột trà xanh vào nồi cơm điện rồi trộn đều.
Bước 2: Trong một thố nhỏ, bạn dùng phới đánh tan trứng và cho thêm sữa tươi vào khuấy đều.
Bước 3: Bây giờ, bạn đổ hỗn hợp trứng sữa vào hỗn hợp bột, trộn thật đều và nhẹ tay.
Bước 4: Tiếp đó, mình nấu hỗn hợp đã trộn ở chế độ "Cook" của nồi cơm điện trong khoảng 45 phút.
Bước 5: Sau khoảng 40-45 phút, nồi cơm điện của bạn có thể đã bật lại chế độ "Warm". Lúc này, bạn mở nồi để thử bánh, có thể mặt bánh vẫn còn ướt. Tùy vào từng nồi cơm điện mà bạn sẽ phải bật lại chế độ "Cook" từ 1-2 lần nữa.
Bước 6: Sau mỗi lần nồi bật lại chế độ "Warm", ta kiểm tra bằng cách ấn ngón tay lên mặt bánh, nếu thấy vết lõm phồng trở lại là bánh chín, hoặc dùng que tăm cắm vào giữa, khi rút ra thấy tăm khô là được.

4. Bánh Vani Đào úp ngược 


Nguyên liệu:
1 bịch bột làm bánh trộn sẵn mùi vani – 500g (có bán ở các siêu thị) 
300g đào xắt miếng ướp lạnh (có bán ở các siêu thị), để cho tan đá 
3 muỗng canh bơ 
1.5 muỗng canh đường nâu

Thời gian thực hiện: 45 phút

Cách làm: 
- Trộn bột làm bánh theo hướng dẫn trên bao bì, tùy từng loại bột sẽ có cách trộn khác nhau. Cho vào nồi cơm điện và để ở chế độ COOK trong 45 phút.
- Trong khi chờ đợi, làm nóng chảo không dính ở nhiệt độ trung bình và cho đào vào, đảo đều. Đến khi đào bắt đầu có màu nâu ở các cạnh thì thêm bơ và đường nâu, đảo đều trong ít phút để bơ và đường nâu ngấm vào các miếng đào.
- Khi bánh chín, để nguội từ từ, cho đào lên trên mặt bánh.

Thành phẩm: Bánh vani đào sẽ ngon hơn khi dùng lạnh

5. Bánh Hawaiian Butter Mochi (Bánh Mochi bơ dừa) 


Nguyên liệu (dành cho 2-3 người ăn):
2 quả trứng gà
230g mochiko (hay còn gọi là bột gạo nếp Nhật), bạn có thể mua ở siêu thị bán đồ Nhật.
200g đường cát
45g đường bột (đường dạng bột mịn chứ không phải dạng hạt)
1 muỗng café bột nở
80g bơ đun chảy
130ml nước cốt dừa
130ml sữa cô đặc không đường
1 thìa dầu dừa nguyên chất
100g cơm dừa mài nhỏ

Cách làm:
Bước 1: Đập vỡ 2 quả trứng gà vào bát to, trộn với nước cốt dừa, sữa cô đặc và bơ nấu chảy vào tô cùng với trứng. Dùng máy đánh trứng đánh kỹ để trứng bông lên, bề mặt mịn và không có bọt khí. Bạn có thể đánh thủ công bằng tay, nhưng độ mịn sẽ khó đạt yêu cầu.
Bước 2: Cho bột gạo, đường cát, đường bột, bột nở vào một tô khác, trộn đều với nhau.
Bước 3: Trộn đều 2 hỗn hợp trên, cho dầu dừa vào. Tiếp tục lấy 65g cơm dừa trộn chung vào hỗn hợp đó.
Bước 4: Đổ hỗn hợp trên vào nồi cơm điện, dùng rây sàng rắc đều 35g cơm dừa chưa sử dụng lên bề mặt hỗn hợp và bật nồi cơm điện ở chế độ nấu. Khoảng 30 phút sau, nồi chuyển về chế độ hâm nóng, chứng tỏ bánh đã chín. Nếu bạn muốn dừa tươi và trắng hơn thì sau khi nấu 10 phút mới mở nắp nồi và rắc lên trên, tuy nhiên nấu chín từ đầu cùng bột thì dừa sẽ giòn vàng đẹp mắt. Lưu ý chỉ nên mở nắp tối đa 1 lần trong quá trình nấu.
Bước 6: Lấy bánh ra khỏi nồi, sử dụng dĩa hoặc thìa trộn, tách từ từ theo vòng nồi cơm điện để bánh không bị vỡ. Bánh phải vàng và giòn, có mùi thơm của dừa và bơ, không bị cháy khét.
Giờ bạn hãy cho bánh ra đĩa và thưởng thức.

Mách nhỏ cho bạn:
Sử dụng nồi cơm điện nắp gài nướng bánh sẽ giúp hơi không thoát ra ngoài quá nhiều, bánh mềm, ngon, chín đều, vàng giòn đẹp mắt. Nên chọn loại có lòng nồi chống dính để lấy bánh ra dễ dàng mà không bị vỡ.

6. Bánh Cupcake 


Nguyên liệu:
Thời gian thực hiện: 40 phút 
Khẩu phần: 6 người ăn
1 hộp bột Cake Mix (bột đóng gói chuyên để làm bánh, có bán ở các siêu thị)
2 cốc nước
1 hộp kem tươi (200ml) đánh bông
6 khuôn bánh loại cốc nhựa nhỏ
6 lót giấy

Cách làm:
- Trộn bột Cake Mix theo hướng dẫn trên bao bì.
- Cho hỗn hợp bột bánh vào khuôn đã lót sẵn giấy, châm nước vào nồi. Cho các khuôn bánh vào khay hấp đậy nắp, để ở chế độ COOK trong thời gian theo hướng dẫn trên bao bì, thông thường là khoảng 30 phút.
- Mở nắp, kiểm tra xem bánh đã chín hay chưa bằng cách xiên que tăm vào bánh, nếu rút ra que tăm vẫn sạch tức là bánh đã chín.
- Khi bánh chín, dùng găng tay bếp lấy khay hấp và khuôn bánh ra ngoài cẩn thận tránh bị bỏng, để nguội bánh và phết kem là có thể dùng được.

7. Bánh Flan


Nguyên liệu:
- 50g đường trắng
- ¼ lát nước cốt chanh
- 100ml sữa đặc có đường
- 300ml sữa tươi không đường
- 2 quả trứng gà
- 1 muỗng cà phê vani

Cách làm:
- Bôi bơ chống dính quanh thành khuôn (có thể không bôi, không bắt buộc).
- Bật bếp điện, chọn chế độ nấu Canh – công suất 1200W. Cho 50g đường trắng và 20ml nước vào nồi.
- Thắng đường đến khi đường chuyển sang màu nâu thì nặn ¼ lát nước cốt chanh vào rồi tắt bếp. Đổ đường thắng vào các khuôn làm bánh flan.
- Cho vào tô 100ml sữa đặc có đường và 300ml sữa tươi không đường, khuấy đều. Cho vào lò vi sóng, quay công suất Cao trong 2 phút 30 giây
- Khuấy đều nhẹ nhàng 2 quả trứng gà với 1 muỗng cà phê vani. Lấy sữa còn ấm nóng ra trộn đều với trứng. Lọc qua rây cho mịn.
- Để hấp bánh flan bằng nồi cơm điện. Cho nước vào cao khoảng 1/4 nồi cơm, bấm nút Cook. Múc hỗn hợp sữa vào khuôn làm bánh flan.
- Lưu ý là lớp đường thắng (caramen) phải đông cứng mới cho hỗn hợp sữa vào.
- Chờ khi nước trong nồi sôi thì cho khay hấp vào, lót khăn dày lên trên rồi đặt khuôn làm bánh flan vào. Đậy nắp nồi cơm lại rồi hấp bánh flan trong 5-7 phút.
- Do nhiệt của nồi cơm điện rất lớn nên thời gian hấp rất nhanh, chỉ khoảng 5 phút là bánh flan chín. Không nên hấp quá lâu sẽ làm bánh flan bị rỗ mặt. Khoảng 3-5 phút mở nắp nồi ra để kiểm tra bánh flan chín chưa, nếu chưa thì hấp tiếp 2-3 phút nữa.
- Chờ khi bánh flan chín thì lấy bánh flan ra. Nếu bạn có bôi bơ khuôn bánh flan ở bước đầu thì chỉ cần lắc nhẹ khuôn là có thể lấy bánh flan ra dễ dàng. 

8. Bánh Pudding Chuối



Nguyên liệu: 
Bánh chuối:
30g bơ đun lỏng, 60g bơ mềm để riêng
1 trái chuối xắt nhỏ, 2 trái nghiền nát
2 quả trứng
Nửa muỗng cà phê bột quế
2 muỗng canh sữa
1 chén bột loại đã trộn sẵn (bột Mikko – mua ở siêu thị hay chợ)
Sốt caramel:
30ml sữa
Nửa chén đường nâu
80g bơ

Cách làm:
- Trải giấy nến trong thành nồi cơm, tiếp theo, ta rưới 30g bơ lỏng vào nồi rồi rắc đều 2 muỗng canh đường nâu lên trên. Xếp những lát chuối vào rồi đặt nồi sang một bên.
- Ta cho vào tô bơ mềm, thêm bột quế, chuối nghiền, sữa vào đảo sơ qua, cho bột vào tô rồi dùng muỗng trộn đến khi hỗn hợp đều và mịn. Múc hỗn hợp bột bánh vào nồi cơm, để trên lớp chuối.
- Tiếp theo, ta đậy nắp nồi cơm rồi bấm cook trong vòng 5 phút. Bấm nút chuyển sang "keep warm" và để nguội trong 10 phút. Sau đó, ta bấm “cook” lại lần nữa để nấu thêm 3 phút. Chuyển sang “keep warm” trong 10 phút nữa.
- Tùy loại nồi cơm điện, có khi bạn phải nấu lại 2 lần nữa hoặc hơn. Dùng dao găm vào chính giữa miếng bánh, nếu dao không dính bột là bánh đã chín. Lắc nồi cơm lên rồi lật bánh ra đĩa, tháo lớp giấy nến bỏ đi.
- Để làm sốt caramel, ta chùi sơ qua cái nồi cho sạch. Cho sữa, đường nâu và bơ vào nồi khuấy đều, đậy nắp và bấm "cook". Trong quá trình nấu, bạn liên tục đảo đều tay đến khi đường đã chảy ra hết và dung dịch hơi đặc lại là được.
Sau khi làm xong caramel, bạn đổ sốt ra cái bình nhỏ. Khi dọn bánh ra, rưới nước sốt caramel lên mặt bánh, ăn kèm kem lạnh hay kem tươi tùy theo ý thích.

9. Bánh Chiffon


Nguyên liệu:
- 2 quả trứng gà (gà công nghiệp ấy, mua vỉ loại 1, to nhất, nhãn ghi 60g/quả). Không dùng trứng gà ta, vì lòng đỏ nhiều, mà lòng trắng lại ít, mà bánh nở được là do lòng trắng trứng.
- ½ muỗng cà phê vani (không có thì bánh sẽ rất “nặng mùi trứng”)
- ½ muỗng cà phê bột nở (có bữa hết bột nở, mình nấu vẫn ngon, chắc do không khó tính lắm :D)
- 4 muỗng canh bột bánh bông lan. Dùng bột bánh bông lan Hoa hồng đỏ của Sanh ký, nấu rất ngon, loại này rất mịn không cần phải rây, dùng bột bánh cake của Baker’s Choice thì hạt to, không đều, nên phải rây nhiều lần. Nếu không có bột bánh bông lan thì cho 2 muỗng canh bột mì, 2 muỗng canh bột bắp, trộn đều và rây mịn tối thiểu 3 lần.
- 2 muỗng canh dầu ăn (loại bình thường, không dùng dầu oliu)
- 2 muỗng canh sữa tươi – tất nhiên là không đường
- ½ muỗng cà phê cream of tartar (để ổn định lòng trắng trứng khi đánh bông). Nếu không có cream of tartar thì thay bằng 1/4 muỗng cà phê muối và 4-5 giọt nước chanh.
- 2 muỗng canh đường. Ít ăn ngọt, nên thấy chừng này đường là đủ.
- 1/3 muỗng cà phê muối (đối với mình thì không cần phải cho, bạn nào thích thì vẫn cho, không sao cả)
Nồi nhỏ 0.5L, nấu 3 cốc gạo, nên tỉ lệ chỉ từng này, nồi bạn nào to hơn thì nhân thành phần nguyên liệu lên. Nồi to mà làm 2 trứng thì bánh mỏng và dẹp lắm, không ngon. Nồi 1.8L làm từ 4-6 trứng là đẹp, tuy nhiên nướng lâu hơn. Ví dụ 4 trứng thì tất cả nguyên liệu trên x2 lần nguyên liệu. 5 trứng thì x2.5 lần.

Quy đổi đo lường như sau:
- Muỗng cà phê 5ml ~> ước lượng thôi, không cần chính xác
- Muỗng canh 15ml. Nếu không có dụng cụ đo lường, cứ cốc đong gạo thẳng tiến, có vạch ml hết, đong vẫn chính xác.

Cách làm:
- Đập quả trứng, tách riêng lòng đỏ và lòng trắng.
- Sau đó cho vào tô đựng lòng đỏ, vani, bột nở, bột bánh bông lan, dầu ăn, sữa, muối. Rồi dùng máy đánh trứng, đánh ở tốc độ thấp trong 10 giây (không đánh lâu, vì hỗn hợp có bột nở, đánh lâu bột sẽ bị chai).
- Cho lòng trắng trứng vào một chiếc tô khác, cho cream of tartar vào tô, để máy ở tốc độ thấp, tăng dần đến tốc độ vừa, đánh cho lòng trắng nổi bọt lớn rồi nhỏ dần. Thêm từ từ đường vào, tăng tốc độ máy lên cao nhất, đánh cho lòng trắng trứng bông mềm, mịn. Lòng trắng trứng đạt khi nhấc que đánh lên tạo chóp nhọn và úp ngược tô mà không đổ (Xem hình để biết được đánh trứng đã đạt hay chưa đạt). Nếu quá tay đánh, trứng rất bông cứng, khó trộn vào hỗn hợp lòng đỏ, nếu tiếp tục đánh sẽ có hiện tượng bọt xà phòng và tách nước, lúc này đừng cố trộn vào bột cũng chỉ uổng công.
- Nếu không có máy đánh trứng thì vẫn có thể đánh tay bằng phới lồng, tuy vậy thời gian đánh sẽ lâu và mỏi tay hơn.
- Cách đánh bông lòng trắng trứng:
Múc 1/3 lòng trắng trứng, dùng cây trộn trộn phần bột cho đều, rồi đổ ngược phần bột vào lòng trắng trứng, trộn nhanh, dứt khoát nhưng nhẹ nhàng, theo kiểu từ ngoài vào trong. Hỗn hợp bột trộn xong nếu đạt chỉ có xẹp đôi chút, vẫn có độ bông.
- Lót giấy nến vào đáy nồi cơm điện, nếu nồi nhiệt cao, dễ cháy nên lót 2 tờ cho nó lành :>
- Nấu bánh:
+ Trút bột vào nồi cơm điện, không vỗ cho bớt bọt khí như nấu bình thường mà để nguyên, bánh nấu xong hơi lỗ rỗ xíu nhưng cảm giác ngon và xốp hơn, và ngoại hình của nó cũng “long lanh” và hiển nhiên cũng chẳng ảnh hưởng tới hòa bình thế giới
Đối với loại bánh này, nếu nấu bằng nồi điện tử - không có chế độ BAKE CAKE thì khuyên là không dùng chế độ “COOK” của nấu cơm nhé, nhiệt không đủ và tất nhiên bánh sẽ không chín, mở ra sớm sẽ bị xẹp, không tài nào nấu cho nó nở bung lần nữa đâu.
+ Nếu nồi nhiệt cao và giữ nhiệt tốt phải ấn nút 2-4 lần, nấu khoảng 40 phút, và trong thời gian nấu KHÔNG ĐƯỢC MỞ NẮP RA. Cách nấu thì làm nóng nồi (bỏ nồi con vào trước) ở chế độ hâm, rồi mới đánh trứng, trộn bột, sau đổ bột vào thẳng nồi (sau khi lót giấy nến), nhấn nút Cook xuống, khoảng 5-10 phút sau, nồi chuyển sang chế độ hâm, thì đợi khoảng 5 phút, nguội bớt rồi nhấn nút Cook lại lần nữa. Cứ cách khoảng thời gian nồi lại chuyển sang chế độ hâm ~> lại bật nút Cook lần nữa. Lặp lại thao tác này 2-4 lần.
+ Cả 2 loại nồi (dù có dùng chế độ nấu bánh hay không) đều phải nấu tối thiểu 40 phút và phải hâm nóng sau khi nấu 10 -15 phút (vẫn không mở nắp ra) thì bánh mới chín. Kiểm tra nhiệt nồi đã đủ hay chưa bằng cách: sau 20 phút đầu, lấy tay sờ nắp nồi, nếu nắp nồi nóng là đã đủ, lúc này phải tiếp tục nấu thêm 20 phút. Tổng thời gian nấu từ 40-60 phút tùy vào lượng nguyên liệu. Sau thời gian nấu và hâm nóng, thì mở nắp ra cho thoát hơi nước, và vẫn để nồi bánh trong nồi lớn để giữ nhiệt, chỉ lấy bánh ra khỏi nồi khi đã nguội hoàn toàn.

10. Bánh Gato


Nguyên liệu:
- 6 quả trứng gà
- 120g bột mì
- 20g bột bắp
- 1 muỗng cà phê bột nở
- 120g đường

Cách làm:
- Ngâm 6 quả trứng gà vào tô nước ấm trong vòng 5 phút với tỉ lệ 2 cốc nước lạnh pha với 3 cốc nước sôi. Bước này làm trứng nóng lên sẽ giúp trứng dễ đánh bông hơn.
- Kế đến, trộn đều 120g bột mì, 20g bột bắp với 1 muỗng cà phê bột nở, rây mịn để bột không bị vón cục. Lau khô 6 quả trứng, đập trứng vào tô ráo nước, cho 120g đường rồi đánh cho trứng nổi bông lên. Kiểm tra bằng cách nhấc dụng cụ đánh trứng lên cao, nếu trứng rớt thành dòng là đạt.
- Chia bột thành 3 phần để rây và lần lượt trộn vào tô trứng, trộn nhẹ tay để tránh làm trứng bị xẹp. Khi làm bánh bằng nồi cơm điện, bạn nhớ lót giấy nến vào đáy nồi cơm rồi mới đổ bột vào để bánh không bị dính, đập đập nhẹ cái nồi để bọt khí bay ra. Đặt nồi vào trong nồi cơm, đậy nắp lại rồi nhấn nút Cook.
- Sau khoảng 10 phút nồi sẽ chuyển sang nút giữ ấm (Warm), bạn đợi khoảng 5 đến 7 phút rồi bấm nút Cook thêm một lần nữa. Trường hợp nồi không nhảy sang nút Cook thì bạn đừng cố nhấn mà hãy đợi một chút cho nồi nguội bớt rồi mới nhấn nút lần nữa.
- Lặp lại thao tác nhấn nút Cook từ 2 đến 3 lần. Sau 40 phút, bạn kiểm tra xem nắp nồi đã nóng chưa. Nếu nóng rồi thì chỉ cần hâm bánh thêm 20 phút cho bánh chín hoàn toàn, nếu chưa nóng thì tiếp tục bấm nút Cook 1 lần nữa.
- Khoảng 60 phút sau, bạn mở nắp nồi cơm, kiểm tra bánh đã chín chưa bằng cách nhấn ngón tay vào bánh, nếu bánh gato không bị xẹp xuống là đã chín.
- Lấy nồi cơm ra, lật nồi lại để lấy bánh ra ngoài, tháo giấy lót rồi úp bánh lại để trên vỉ nướng cho khô. Công đoạn làm bánh bằng nồi cơm điện đã hoàn thành rồi.

11. Bánh Socola


Nguyên liệu:
- 1/2 chén bột mì.
- 1/2 chén đường.
- 4 muỗng cà phê bột cacao.
- 1/2 muỗng cà phê bột nở.
- 1/2 chén dầu.
- 2 quả trứng.
- 1 muỗng cà phê vani.

Dụng cụ cần thiết:
- Một chiếc tô bằng thuỷ tinh dày.
- Dao.
- Que đánh trứng bằng tay.
- Nồi cơm điện: nên dùng nồi cơm điện tử để có thể dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ cũng như thời gian nấu. Ngoài ra nếu nồi cơm điện của bạn có chức năng làm bánh, bạn có thể sử dụng chế độ nấu này để làm bánh thay vì phải đặt thời gian như hướng dẫn. Thêm vào đó, tốt nhất nên dùng lòng nồi chống dính tốt để bánh không bị khô hay dính, nát.

Cách làm:
Bước 1: Đập 2 quả trứng vào tô sau đó đánh đều trứng.
Bước 2: Thêm 1 thìa vani và 1/2 chén dầu vào tô rồi tiếp tục đánh đều hỗn hợp.
Bước 3: Từ từ cho thêm bột vào và đánh đều cho tới khi được hỗn hợp bột mềm mịn.
Bước 4: Cho tiếp 1/2 muỗng cà phê bột nở và 1/2 chén đường vào tô, trộn thêm lần nữa để được hỗn hợp bánh quyện đều.
Bước 5: Tiếp theo, cho 4 muỗng bột cacao vào hỗn hợp, dùng que đánh trứng đánh thật đều cho tới khi được hỗn hợp socola đặc dính, mềm mịn.
Bước 6: Lấy nồi cơm điện ra và cho có thể cho 1 chút dầu vào đáy nồi để bánh không bị dính.
Bước 7: Thêm 1 chút bột phủ lên trên lớp dầu trong nồi.
Bước 8: Đổ hỗn hợp socola vào nồi.
Bước 9: Bật chế độ nấu cơm (hay nấu bánh nếu sử dụng nồi điện tử).
Bước 10: Sau 25 phút, bạn mở nồi cơm điện ra, dùng dao chọc thử vào giữa bánh.
- Nếu thấy bột dính vào lưỡi dao, bạn hãy nấu thêm khoảng 5-10 phút cho bánh chín hắn.
- Nếu dao sạch nghĩa là bánh đã chín hoàn toàn.
Bước 12: Sau khi bánh đã chín hẳn, lấy bánh ra khỏi nồi và bạn đã có thể bắt đầu thưởng thức món bánh socola nóng hổi, thơm ngon.

Thành phẩm:
Bánh socola sau khi hoàn thành sẽ có mùi thơm đặc trưng của cacao quyện cùng vị béo của trứng, bạn có thể bắt thêm kem tươi lên bánh để ăn cùng sẽ rất tuyệt.

12. Bánh Socola Lava

Nguyên liệu:
120g sô-cô-la viên
5 muỗng canh bơ
1 muỗng canh đường thắng hoặc mật ong
2 quả trứng gà
¼ cốc bột ca-cao (1 cốc là 250ml)
1 muỗng canh bột mì

Dụng cụ cần thiết:
Với khẩu phần bánh trên, muốn bánh đẹp, nở dày, dùng nồi 0.6L là thích hợp, nếu dùng nồi lớn hơn, bánh sẽ to ngang và bị bè.

Cách làm:
- Nấu chảy các viên sô-cô-la và đánh đều tay cho đến khi mượt. Thêm các thành phần còn lại, khuấy thật đều.
- Lót bơ vào khuôn bánh, cho hỗn hợp sô-cô-la ở trên vào khuôn. Hấp trong nồi cơm điện khoảng 15 phút hoặc đến khi nào lớp ngoài của bánh cứng lại.
- Để nguội trong khoảng chừng 5 phút trước khi lấy bánh ra dĩa.

Thành phẩm:
Có thể trang trí bánh với ít quả dâu tây.

13. Bánh Pizza

Nguyên liệu:
- Cho phần bột bánh:
500g bột mì
10g men nở
3g muối
280ml nước lọc
2 muỗng cà phê dầu oliu
- Cho phần nhân bánh:
1 thanh xúc xích
1 miếng pho mai lớn
15g chà bông
1 quả ớt chuông
1 trái cà chua
15ml nước sốt cà chua
Ít lá thơm oregano
1 muỗng cà phê dầu ô liu

Cách làm:
- Làm vỏ bánh Pizza: Trộn đều bột, muối, và dầu oliu. Dùng nước ấm hòa tan men và từ từ cho vào nhào thật đều tay. Khi bột mịn, cho bột nghỉ nửa tiếng.
- Chia bột thành những phần nhỏ và cán mỏng sao cho đế bánh dày khoảng 2cm. Đường kính bánh tùy thuộc vào dung tích nồi cơm điện nhà bạn.
- Lau nồi khô, bật nóng. Sau đó cho bánh đã cán vào nồi, bật chế độ cooking và chỉnh thời gian khoảng 15 phút.
- Trong lúc đợi bánh vàng mặt, đem các nguyên liệu cắt miếng nhỏ. Riêng ớt và cà chua nên xào xơ qua vừa chín tới.
- Lấy bánh ra, lật mặt lại và phết sốt cà chua lên mặt bánh trước hết, sau đó lần lượt sắp xúc xích, cà chua, ớt chuông, chà bông và sau cùng bào pho mai thành sợi, rắc đều lên toàn bộ mặt bánh, tưới thêm dầu oliu và trải lá oregano đã xắt mịn lên cùng.
- Cho bánh vào nướng trở lại. Bật chế độ cooking và nướng thêm khoảng 10 phút là bạn đã có một chiếc bánh pizza thơm ngon không kém gì ngoài tiệm.

14. Bánh bao nhân thịt trứng chim cút

Nguyên liệu:
+ 150ml sữa tươi không đường + 8g men nở
+ Trứng cút luộc sẵn và bóc vỏ + 30g đường trắng 
+ 250g bột mì
+ 300g thịt heo xay
+ Lạp xưởng

Cách làm: 
Bước 1: Làm bột bánh bao 
Đầu tiên, đổ men nở, đường vào sữa tươi tươi vào một cái tô rồi khuấy đều cho đường tan hết. Sau đó đặt sang bên. 
Tiếp theo, cho thêm 250g bột mỳ vào tô. Đổ phần sữa ở trên vào tô bột và trộn đều đến khi tạo thành hỗn hợp bột bánh quánh và mịn. Nhào hỗn hợp bột trong khoảng 15 đến 20 phút cho bột thật dẻo. Say đó dùng màng bọc thực phẩm bọc tô bột lại và ủ bột khoảng 30 phút cho bột nở ra gấp đôi so với ban đầu.
Nếu bạn nhào bột bị quá khô thì cho thêm sữa tươi, nếu bột quá nhão thì cho thêm ít bột mì. 

Bước 2: Làm nhân bánh bao 
Trộn đều thịt heo xay với 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa canh đường, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê tiêu, 1/2 thìa cà phê muối cùng 1 thìa canh hành tỏi băm nhuyễn. 
Thái mỏng lạp xưởng cho vào phần nhân bánh.

Bước 3: Nặn bánh bao 
Lấy bột mì ra khỏi tô và nhào qau lại một lần nữa rồi chia bột thành từng phần nhỏ đều nhau. Để bột khỏi bị dính thì bạn nên rắc một ít bột lên mặt bàn trước khi nhào bột.

Cán mỏng các phần bột nhỏ trên, xúc hỗn hợp nhân, lạp xưởng và đặt 1 quả trứng cút vào chính giữa. Gói kín miệng bánh lại, dùng tay nhẹ nhàng bóp ở phần đỉnh bánh cho đẹp và nhân không sùi ra ngoài khi hấp. Đặt các viên bánh lên giấy nến để không bị dính khi hấp.

Bước 4: Hấp bánh bao 
Đổ nước vào nồi cơm điện rồi bấm nút “Cook”. Khi nước trong nồi cơm điện đã sôi, bạn đặt bánh lên trên xửng hấp, đậy nắp nồi cơm lại rồi hấp bánh bao khoảng 20 phút cho bánh chín. Cuối cùng gắp bánh ra đĩa , để nguội là đã có thể thưởng thức ngay.

* Nếu bạn muốn vỏ bánh bao có màu trắng đẹp mắt, bạn có thể cho 1 thìa canh giấm trắng vào nồi nước hấp bánh nhé.

15. Bánh bông lan cơ bản

Nguyên liệu:
- 60g bột mì
- 40g bột bắp
- 30ml sữa tươi
- 15ml dầu ăn
- 4 quả trứng gà lớn
- 70g đường
- ½ muỗng cà phê muối
- ½ muỗng cà phê vani
- 1 lát chanh

Cách làm:
Bước 1: Chuẩn bị nồi cơm điện chống dính. Lót thêm lớp giấy nướng bánh bông lan xuống đáy nồi để khi bánh bông lan chín lấy ra dễ hơn.
Bước 2: Đánh bông trứng: Sử dụng 4 quả trứng, tách riêng lòng đỏ và lòng trắng để vào 2 tô khác nhau. Ở tô lòng trắng trứng, cho thêm ½ muỗng cà phê muối, 4-5 giọt nước chanh vào và đánh đều. Trong quá trình đánh cho từ từ 70g đường vào và đánh tiếp cho đến khi trứng bông cứng lên là đạt.
Cách đánh bông lòng trắng trứng
Bước 3: Rây 60g bột mỳ và 40g bột bắp cho mịn.
Ở tô chứa lòng đỏ trứng, cho vani, sữa tươi, dầu ăn và bột đã rây vào, đánh đều lên. Sau đó, trộn đều hỗn hợp bột với lòng trắng trứng đã được đánh bông ở trên. Lưu ý, không trộn quá lâu tránh trường hợp bánh bông lan bị chai.
Cách trộn lòng trắng trứng đánh bông với các nguyên liệu khác
Bước 4: Cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện: Cho hỗn hợp bột bánh bông lan trên vào nồi cơm điện, nhấn Menu và chọn chế độ nướng bánh, sau nhấn Start, nấu trong vòng 40 phút.
Bước 5: Sau thời gian trên, mở nắp nồi, dùng tay nhấn vào bánh, bánh bông lan phồng lại, không bị lõm xuống là bánh bông lan đã chín.

16. Bánh pudding chuối caramen 

Nguyên liệu:
Pudding chuối:
30g bơ nhạt lỏng, 60g bơ nóng chảy để nguội
25g đường nâu, 55g đường bột
1 quả chuối chín thái lát, 2 quả chuối nghiền
1 quả trứng gà
½ muỗng cà phê bột quế
30ml sữa
125g bột mì
1 muỗng cà phê bột nở

Kem caramen:
300ml kem tươi
100g đường nâu
80g bơ

Cách làm:
- Làm bánh:
+ Lót giấy nướng bánh đã thấm dầu vào lòng nồi cơm điện. Rưới 30g bơ lỏng trên giấy và rắc 25g đường nâu phủ đều lên trên. Xếp chuối thái lát xung quanh nồi.
+ Tiếp theo, trộn đều hỗn hợp chuối nghiền, bơ nóng chảy để nguội, đường bột, trứng, bột quế và sữa trong một cái tô khác. Dùng lưới sàng rẩy bột vào rồi lại khuấy đều 1 lần nữa. Cho tất cả vào nồi cơm điện đã chuẩn bị trước đó.
+ Bật chế độ nấu trong 5 phút, sau đó bật sang chế độ giữ ấm khoảng 10 phút. Tiếp tục chuyển sang chế độ nấu thêm 3 phút rồi bật lại chế độ giữ ấm thêm 10 phút nữa. Lặp lại quá trình này thêm 2 lần nữa cho đến khi bánh chín. Lưu ý rằng trong quá trình nấu tuyệt đối không mở nắp nồi.
+ Lấy bánh ra, lột bỏ lớp giấy nướng và để nguội.

- Làm kem caramen:
+ Lau rửa lại nồi cơm điện cho thật sạch. Đổ hỗn hợp kem, đường và bơ vào khuấy đều rồi đun sôi.
Khi hỗn hợp đang sôi, khuấy đều trong khoảng 5 phút cho đến khi đường tan và bơ nóng chảy hết để được hỗn hợp kem caramen. Đổ dung dịch kem đó vào một chiếc bình chịu nhiệt.
+ Bây giờ, rưới kem đều lên dĩa bánh pudding chuối vừa làm xong và thưởng thức.

Mách nhỏ cho bạn: 
Nên sử dụng nồi cơm điện nắp gài có lòng nồi chống dính để thực hiện món bánh này ngon, đẹp mắt, không bị vỡ nát khi lấy ra khỏi nồi.


Girlandlittlething
(Tổng hợp)

0 comments :