Thay vì dùng những loại màu tổng hợp bán ngoài chợ không đủ đảm bảo an toàn thực phẩm, bạn hoàn toàn có thể tự chế màu tự nhiên cho các món ăn từ các loại rau, củ, lá cây... thân quen.
Từ 8 màu cơ bản dưới đây, bạn hãy sáng tạo ra những tông màu yêu thích cho món ăn của mình nhé! Chúc bạn thành công!
A. Cách tạo phẩm màu tự nhiên
1. Màu vàng
Để làm ra phẩm màu vàng tự nhiên, bạn có thể sử dụng củ nghệ hoặc quả dành dành. Nếu có điều kiện, bạn có thể dùng nhụy hoa nghệ tây để lấy màu vàng.
Củ nghệ
Ở nước ta, nghệ là loại củ được dùng khá phổ biến. Bạn có thể sử dụng nghệ để pha vào bột của các loại bánh, làm bột cà ri, bột bánh xèo hoặc sử dụng cho các món cá kho, cà tím kho, cơm chiên, các món bún xào…
Quả dành dành
Quả dành dành vốn được dùng như một loại thoại thảo dược trị viêm bàng quang, có tác dụng an thần, trị chứng xuất huyết… Ngoài ra, màu vàng tươi của loại quả này còn được nhiều người sử dụng để nhuộm màu cho các loại bánh truyền thống nổi tiếng như bánh xu xê, bánh thạch… Ở một số vùng quê, người nội trợ còn dùng để kho cá và nhuộm màu cho các món ăn khác.
Nhụy hoa nghệ tây
Nhụy hoa nghệ tây rất đắt đỏ. Nó thuộc loại hàng hóa cao cấp bậc nhất. Trước đây, nó được biết đến như một loại thảo dược nhưng ngày nay hầu hết các nhà hàng cao cấp đều sử dụng nó như một gia vị trong việc chế biến các món ăn.
2. Màu đỏ
Hạt điều
Hạt điều có thể dùng dạng hạt khô hoặc dạng nén để lấy màu đỏ đậm đẹp mắt. Với dạng nén, sau khi thu hoạch, người ta đem hạt khuấy thật mạnh trong nước nóng. Sau đó chà xát, tách hạt cùng các tạp chất. Sản phẩm thu lại là cơm hạt. Cơm hạt tiếp tục được cho lên men và thu lấy phần màu đỏ lắng dưới. Sau khi đem phơi khô màu điều sẽ được nén lại thánh từng bánh nhỏ để dùng dần. Với màu hạt điều nguyên chất, sau khi thu hoạch, người ta phơi khô để dùng dần. Khi cần lấy màu chỉ việc cho hạt tan màu trong dầu nóng. Lưu ý, màu điều không tan trong nước nên bạn thể lấy màu từ điều bằng cách ngâm trong nước. Màu hạt điều là màu tự nhiên và là tiền tố vitamin A nên không có hại cho sức khỏe, ngược lại còn rất tốt cho cơ thể. Bạn có thể dùng để làm màu cho nước lèo hoặc làm sa tế ớt, xào cay...
Gấc
Trong các món ăn nhuộm màu bằng gấc, xôi là món ăn phổ biến nhất. Để tiện lợi, người ta đem phần hạt gấc sấy thành miếng khô hoặc làm thành bột. Số khác còn tạo ra dầu gấc để dùng trong các món ăn. Trong hạt gấc có chứa một lượng lớn các tiền tố vitamin A như caroten và lycopen nên hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. Màu gấc có thể tan được trong chất béo, rượu, không tan trong nước.
Củ dền
Màu đỏ thắm của củ dền từ rất lâu đã được sử dụng để tô màu cho các món bánh, các món tráng miệng như thạch. Màu đỏ được tạo ra từ củ dần là do nhóm màu betalains tạo nên. Nhóm này dễ tan trong nước, màu đậm và rất đẹp nhưng lại kém chịu nhiệt.
3. Màu cam
Nếu muốn tạo ra màu cam, bạn có thể dùng cà rốt. Nhưng tốt nhất nên dùng bột cà rốt để màu được đẹp hơn.
4. Màu xanh lá cây
Với màu xanh lá cây, sự lựa chọn của bạn sẽ phong phú hơn với các loại lá như lá dứa/ lá nếp, lá bồ ngót, lá khúc, lá mây… Ngoài ra, bạn có thể dùng bột trà xanh cũng rất lý tưởng.
Bột trà xanh
Bột trà xanh có vị chát nhẹ, rất thơm và màu rất đẹp, rất thích hợp cho các món tráng miệng.
Lá dứa/ lá nếp
Lá dứa không chỉ cho màu xanh đẹp mắt mà còn cho cả hương thơm thoang thoảng. Ngoài ra, độ bền nhiệt của loại lá này cũng rất tốt. Do vậy, trong hầu hết các loại bánh, lá dứa là lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Bên cạnh các món bánh, người ta còn dùng màu lá nếp để nhuộm xôi, pha chế nước uống, làm thạch…
Lá bồ ngót/bù ngót/ rau ngót
Ưu điểm của loại lá này là dễ tan trong nước, bền nhiệt nhưng ngược lại mùi của lá chỉ thích hợp cho một vài loại bánh.
Lá khúc
Lá khúc cũng thường được sử dụng để làm xôi. Nổi tiếng nhất là món xôi khúc, bữa sáng của rất nhiều người. Màu xanh lá khúc không thẫm, chỉ nhàn nhạt, rất nhẹ nhàng và thanh tao.
Lá tre, mây
Lá tre, lá mây thường dùng để kết hợp cùng lá dong để cho ra màu xanh của chiếc bánh chưng truyền thống. Ngoài cách dùng này ra, người ta cũng sử dụng lá tre, lá mây làm màu phẩm cho nước giải khát, pha màu chè hoặc làm thạch.
5. Màu đen
Lá gai
Màu đen có thể được tạo ra từ lá gai. Phổ biến nhất có thể kể đến là món bánh gai dẻo dai. Để có được màu lá gai, lá phải được nấu mềm và giã nhuyễn.
Cafe
Có thể dùng cà phê để tạo màu đen cho món ăn. Ngoài ra, cà phê hay ca cao cũng là một phẩm màu đen rất lý tưởng vì sự tiện lợi.
6. Màu nâu
Để có được màu vàng nâu cho món kho, bạn có thể dùng nước màu được thắng từ đường như cách làm caramel.
Bột quế
Bột quế cũng là một nguyên liệu pha màu nâu rất tiện lợi mà bạn không nên bỏ qua.
Cafe và sữa
Ngoài ra, pha ít cà phê với sữa cũng tạo ra màu nâu nâu theo các sắc độ khác nhau tùy liều lượng mỗi loại pha vào.
7. Màu tím
Lá cẩm
Nhắc đến màu tím trong tự nhiên, mọi người thường nghĩ ngay đến lá cẩm. Loại lá này tạo ra màu tím đậm rất đẹp, lại không có mùi và bền màu theo thời gian cũng như có tính chịu nhiệt cao. Màu tím lá cẩm thường dùng để nấu xôi hoặc làm các loại bánh như bánh trung thu, thạch rau câu... Đặc biệt, màu lá cẩm chỉ đẹp khi ở dạng nước.
Trái việt quất và bắp cải tím
Bạn có thể dùng trái việt quất cho các thức uống, các món bánh tráng miệng hoặc dùng bắp cải tím cho món súp, món canh…
8. Màu xanh da trời
Để tạo ra màu xanh da trời từ rau củ tự nhiên rất khó. Do đó, nếu muốn, bạn có thể dùng màu tím pha thêm ít baking soda (muối nở, lành tính hay dùng trong chế biến đồ ăn). Phản ứng hoá học của baking soda sẽ làm cho màu tím chuyển thành màu xanh da trời. Bạn có thể pha từng chút baking soda cho đến khi được màu xanh ưng ý.
B. Cách tạo màu dạng nước và bột
1. Dạng nước
Với các loại lá, củ, quả, nếu muốn lấy màu, bạn đem xay nhuyễn với ít nước. Sau đó vắt lấy nước cốt và hòa vào phần bột làm bánh hoặc nhuộm nếp nấu xôi. Bạn cũng có thể cho trực tiếp vào các món ăn như kem lạnh. Để màu đẹp hơn, bạn có thể nấu sôi cho phần nước cốt hơi cô lại, để nguội và dùng. Nếu dùng không hết, bạn có thể cho vào khay đá bảo quản và dùng cho những lần sau.
2. Dạng bột
Sau khi có được các loại lá, củ, quả, bạn đem cắt nhỏ phơi thật khô và mang đi xay nhuyễn thành bột. Phần bột này bạn bảo quản trong hũ kín và dùng dần. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể cho vào lò vi sóng, quay ở nhiệt độ 100 – 110 độ C trong khoảng 10 phút. Sau đó, bạn để nguội và đem xay thành bột.
C. Lưu ý cần thiết:
- Vì phẩm màu tự nhiên được lấy từ lá, củ, quả tự nhiên nên không cho sắc độ chính xác và đậm như màu pha chế công nghiệp. Do đó, khi dùng bạn có thể sử dụng lượng gấp 3-4 lần.
- Một số màu tự nhiên không có sức chịu nhiệt cao nên có thể nhạt bớt trong quá trình chế biến.
- Độ bền màu theo thời gian của một số màu tự nhiên không cao nên bạn cần tính toán thời lượng sử dụng cho phù hợp với nhu cầu.
- Màu tự nhiên dạng bột luôn đậm hơn màu dạng nước. Nếu muốn màu dạng bột đậm hơn bạn không nên vắt bỏ nước trước khi sấy khô và xay thành bột.
Girlandlittlething
(Sưu tầm)
0 comments :
Post a Comment