Wednesday, June 29, 2016

Tuyển tập công thức chế biến 25 món ngon từ quả vải

Tranh thủ vào mùa vải, hãy thoả sức sáng tạo để chế biến những món thật ngon và đặc sắc từ trái vải cho cả gia đình và người thương thưởng thức nhé!


Món ngon từ trái vải

1. Bánh rán mặn nhân vải
Bánh rán mặn nhân vải
Nguyên liệu:
+ Vải
+ Thịt lợn
+ Trứng gà
+ Vụn bánh mỳ
+ Hành lá, gừng, muối, hạt nêm, xì dầu
+ Bột nếp

Cách làm:
- Thịt lợn rửa sạch, băm nhỏ, ướp với muối, xì dầu, hạt nêm, hành, gừng.
- Vải rửa sạch, lột vỏ bỏ hạt, viên thịt nhồi vào giữa vải.
- Lăn vải vào bát bột nếp.
- Nhúng bánh vào bát trứng gà đã đánh nhuyễn.
- Tiếp lăn bánh vào vụn bánh mỳ.
- Đặt chảo lên bếp, đun sôi dầu, thả bánh vào chiên vàng đều hai mặt là được.

2. Bánh vải bọc bột chiên xù
Vải chiên xù
Nguyên liệu:
+ Vải
+ Bột mỳ
+ Bơ
+ 1 quả trứng gà
+ Bột chiên xù
+ Dầu ăn

Cách làm:
- Vải rửa sạch, bỏ vỏ, khéo léo bỏ hạt bên trong mà không làm nát vải.
- Phômai thái nhỏ, nghiền nhuyễn, nhồi vào giữa quả vải. Lấy một ít bột mỳ bịt phần đầu quả vải.
- Lăn vải qua bát bột mỳ.
- Nhúng vải vào bát trứng đã đánh nhuyễn.
Vải chiên bơ thơm lừng cả khu phố
- Cuối cùng lăn đều vải vào với bột chiên xù.
- Đặt chảo lên bếp, đun sôi dầu, thả vải vào chiên vàng đều là được, chú ý vặn lửa nhỏ.

3. Canh mướp đắng vải thiều
Canh vải thiều mướp đắng
Nguyên liệu:
- 10 quả vải thiều tươi
- 1 quả mướp đắng
- 2 cánh gà
- Ngoài ra còn các gia vị khác như gừng, bột canh, bột ngọt, hạt tiêu, rượu gạo, nước tương…
- Nếu không dùng cánh gà, bạn có thể thay đổi khẩu vị bằng tôm khô, sườn non, thịt thăn, mọc...

Cách làm:
- Cánh gà chặt thành miếng nhỏ ướp với gia vị, hạt tiêu, rượu và một thìa nước tương.
- Mướp đắng rửa sạch, bổ đôi theo chiều dọc. Lọc bỏ ruột và hạt rồi cắt thành từng miếng kích thước 5 x 5 cm. Vải thiều bóc vỏ lấy cùi, bỏ hạt.
- Gà sau khi ướp gia vị chừng 20 phút, thêm khoảng 600 ml nước, cho lên bếp hầm với lửa nhỏ, mở vung. Thỉnh thoảng vớt bỏ bọt sủi trẳng nổi lên trên.
- Dùng khoảng 1 lạng gừng đập dập cho vào nồi hầm. Khi thấy gà đã mềm, lần lượt cho mướp đắng, vải thiều và hầm thêm chừng 2 - 3 phút nữa. Sau đó nêm gia vị cho vừa miệng.

4. Cháo vải hạt sen
Cháo vải hạt sen

Công dụng: bồi bổ sức khỏe, chữa chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ

Cách làm: Vải khô 7 quả, hạt sen (bỏ tim) 5 quả, gạo 60g. Trước tiên vải khô lột bỏ vỏ ngoài, hạt sen rửa sạch, cùng gạo vào nồi nấu thành cháo. Món cháo công hiệu bồi bổ tiêu hóa cầm tiêu chảy.

Đối tượng sử dụng: Bài thuốc thích hợp với người bị tiêu chảy do suy chức năng tiêu hóa lâu ngày; người cao tuổi thận suy tiêu chảy giấc sáng, thường dùng có hiệu quả.

5. Chè vải hạt sen
Chè vải thiều hạt sen
Nguyên liệu:
- 500 gram vải thiều
- 3 đến 4 búp sen tươi
- 100gram đến 150gram đường phèn hoặc đường cát trắng
- Vani hoặc lá dứa

Cách làm:
Bước 1:
- Vải cho vào nồi luộc trong vòng 3 phút sau đó cho ra thau ngâm nước lạnh, với cách này bạn sẽ giữ được nước ngọt của vải khi lột bỏ vỏ.
- Sen loại bỏ vỏ, tim sen, rửa sạch.

Bước 2:
- Cho đường phèn vào nấu tan, tiếp đến cho hạt sen vào nấu thêm 10 phút.
- Sen chín nhồi sen vào trái vải, chừa lại một ít sen.

Bước 3:
Nấu tiếp thêm 5 phút cho vải ngấm nước đường, cho vani vào. Để nguội và múc ra chén thưởng thức.

Món chè hạt sen nấu vải với đường phèn sẽ vô cùng thanh mát và dịu nhẹ cho bạn và gia đình giải khát ngày hè. Hãy cùng vào bếp và thực hiện nhé!

6. Chè vải đậu xanh
Chè vải đậu xanh
Nguyên liệu:
+ 50g đậu xanh
+ 500g vải
+ Đường

Cách làm:
- Vải rửa sạch, bỏ vỏ, bỏ hột, ngâm trong nước khoảng 2 tiếng.
- Đậu xanh ngâm trong nước khoảng 6 tiếng.
- Vải thái nhỏ, đem luộc. Vặn lửa nhỏ, luộc trong vòng 1 tiếng.
- Sau 1 tiếng, đổ đậu xanh vào đun cùng.
- Khi đậu xanh nở hết và chín nhuyễn, cho đường vào, khuấy đều, đun thêm 5 phút nữa.
- Khi ăn múc ra bát, cho thêm vài quả vải đã bóc vỏ vào. Sẽ ngon hơn khi ăn lạnh.

7. Chè vải rau câu
Chè vải rau câu
Nguyên liệu:
- 1 hộp trái vải hoặc 500 gr trái vải tươi tách hạt
- 50 gr bột rau câu
- 5 gr bột hạnh nhân
- 300 ml nước dừa tươi
- 200 gr đường cát
- 3 hoa lài tươi.

Cách làm:
- Nấu tan 150 gr đường, cho trái vải vào đun nhỏ lửa khoảng 20 phút, tắt bếp, để nguội. Cho hoa lài vào.
- Hòa tan rau câu với nước dừa tươi, thêm 50 gr đường, cho bột hạnh nhân vào, nấu sôi. Khuấy cho tất cả tan đều.
- Khi thấy rau câu hơi sánh thì nhấc xuống cho vào khuôn, để nguội, đặt vào ngăn mát tủ lạnh, đợi đông, lấy ra cắt hạt lựu lớn.
- Trộn chung trái vải với rau câu, cho vào ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn lấy một lượng vừa đủ trái vải, rau câu cho vào ly, thêm nước đá tùy thích.
- Món này ăn lạnh rất ngon, có thể để dành dùng dần trong nhiều ngày.

8. Cocktail vải
Cocktail vải
Nguyên liệu: 
30ml vodka, 
2 muỗng cà phê đường, 
4 múi chanh, 
30ml nước trái vải, 
1 trái chanh tươi, 
Đá viên, 
2 trái vải tươi (có thể sử dụng vải đóng hộp), 
Dụng cụ lắc cocktail.

Cách làm:
- Chanh vắt lấy nước, bỏ hột. Cho các thành phần vào với nhau, khuấy nhẹ tay cho tan hết đường, cho vào dụng cụ làm cocktail, lắc nhanh tay.
- Đổ cocktail ra ly, cho thêm đá viên và vài lát chanh. Trang trí tuỳ thích.

9. Flan vải
Caramen vải
Nguyên liệu:
• Caramel:
- 250 gr đường
- 100 gr nước

• Flan:
- 3 quả trứng gà
- 3 lòng đỏ trứng
- 30 gr đường
- 250 gr nước cốt dừa
- 250 gr sữa tươi
- 1 chén vải tươi, lột vỏ, bỏ hột, cắt đôi

Cách làm:
- Để làm caramel, cho đường vào nước, nấu đến khi đường tan chảy và vừa chuyển sang màu nâu. Không dùng đũa khuấy, chỉ xoay nồi. Rót caramel ra khuôn bánh.
- Để làm bánh flan, trộn trứng, lòng đỏ trứng với đường. Hâm ấm nước dừa và sữa, tắt bếp, cho hỗn hợp trứng, đường vào, khuấy cho hòa quyện với nhau hoàn toàn. Lược qua rây.
- Xếp vải vào khuôn caramel rồi rót hỗn hợp kể trên vào. Hấp cách thủy để vừa chín tới.

10. Gà nấu vải
Gà nấu vải
Nguyên liệu:
- 1kg thịt ức gà hoặc đùi gà
- 500g cà rốt
- 300g vải tươi
- 1 củ hành trắng, vài tai nấm đông cô khô, 5 muỗng canh dầu hào, 2 tép tỏi, 1 củ hành khô, muối, dầu ăn
- Bún, mì hoặc bánh mì để ăn kèm

Cách làm:
- Băm nhỏ 2 tép tỏi và hành khô. Hành trắng cắt múi cau.
- Thịt gà róc xương để riêng, cắt thịt thành miếng vừa ăn. Cho một nửa phần hành tỏi băm vào gà cùng với dầu hào, ướp khoảng 1 tiếng hoặc để trong tủ lạnh qua đêm.
- Cho một chút dầu ăn vào nồi, phi thơm chỗ hành tỏi còn lại rồi cho phần thịt gà vào xào sơ đến khi thịt săn lại. Xúc thịt ra để riêng. Cho hành trắng vào nồi xào sơ. Thả phần xương gà vào, đổ nước ngập. Vớt bọt thường xuyên và hầm trong khoảng 1 tiếng.
- Cà rốt gọt vỏ, tỉa hoa và cắt khúc vừa ăn. Nấm đông cô ngâm nước cho nở mềm. Lột vỏ và bỏ hạt vải. Nếu dùng vải hộp, bạn để riêng phần cái và nước.
- Khi nước dùng gà đã trong và ngọt, bạn vớt xương gà ra. Cho vào nồi phần thịt gà đã xào, nấm đông cô và cà rốt. Nếu dùng vải hộp bạn cho nước vải vào cùng. Hầm đến khi thịt gà và cà rốt chín mềm.
- Nêm nếm lại nước dùng với muối và đường. Cho vải vào và nấu thêm khoảng 10 phút để vải không bị nát.

11. Gỏi vịt quay trái vải
Gỏi vịt quay trái vải
Nguyên liệu:
- Thịt vịt ngon
- vải thiều
- xoài xanh, húng, ớt đỏ, hành tím, hành tây, gừng, nước mận xốt, vừng, lạc, giấm và đường.

Cách làm:
- Lọc thịt vịt quay, xé nhỏ thịt vịt quay ra.
- Vải bóc bỏ hạt và trộn với các nguyên liệu khác, pha nước sốt trộn vừa miệng và thưởng thức thôi.
Vị ngọt thơm tự nhiên của vải ngấm sâu vào trong từng thớ thịt vịt, nhưng khi ăn những miếng thịt vịt quay này vẫn giòn tan trên đầu lưỡi. Vị chua rôn rốt, giòn sần sật của xoài xanh làm cho món ăn thêm hấp dẫn.


12. Kem mút vị vải
Kem mút vị vải
Nguyên liệu:
- 400ml sữa tươi không đường
- 30g đường
- 20 quả vải
- 15g bột ngô

Cách làm:
Bước 1: Trước tiên, chúng ta cần bóc bỏ vỏ và hạt vải đi nhé!

Bước 2: Lấy ra 1/3 số vải rồi thái thành từng miếng nhỏ. Nếu không thích thì bạn có thể bỏ qua bước này.

Bước 3: Với phần vải còn lại, bạn ép lấy nước nhé! Nếu không có máy ép thì bạn có thể xay nhỏ rồi dùng rây để lọc lấy nước cũng cũng được.

Bước 4: Hòa sữa với đường rồi đun nóng để đường tan hết. Các bạn chú ý không để sữa sôi nhé!

Bước 5: Trong lúc chờ đợi, các bạn hòa sẵn bột ngô với một chút nước này. Bột ngô sẽ giúp cho kem không bị quá cứng.

Bước 6: Hòa bột ngô vào với sữa, khuấy đều liên tục ở lửa nhỏ cho đến khi hỗn hợp sánh lại gần như cháo loãng.

Bước 7: Đổ nước ép vải vào với sữa rồi tắt bếp. Khi hỗn hợp đã nguội hoàn toàn thì bạn cho nốt phần vải vào với hỗn hợp sữa nhé!

Bước 8: Chia sữa vào các túi nhỏ, buộc chặt rồi để vào ngăn đá.
Chỉ cần để vài tiếng là có kem để ăn rồi!

13. Kem vải socola
Kem vải socola
Nguyên liệu:
– 680g thịt vải ( lột vỏ, tach hột)
– 300ml sữa ít béo
– 180ml heavy cream ( kem tươi )
– 5 lòng đỏ trứng
– 180g đường
– ¼ tsp muối
– 1 tsp tinh chất vani
– 100g socola chip

Dụng cụ:
– Máy xay sinh tố
– Máy làm kem
– Xoong
– Thìa gỗ

Cách làm:
– Xay phần thịt vải cho thật nhuyễn, mịn
– Rót sữa và heavy cream vào một chiếc xoong nhỡ rồi đun hỗn hợp với lửa vừa, khuấy nhẹ. Khi hỗn hợp xuất hiện bóng khí quanh mép xoong thì tắt bếp, các bạn lúc này hỗn hợp mới chỉ nóng già, các bạn đừng để hỗn hợp bị sôi nhé!
– Dùng máy đánh trứng, đánh lòng đỏ trứng với đường đến khi trứng trở nên đặc và có màu vàng nhạt. Khi bạn nhúng một chiếc thìa vào rồi nhấc lên một lúc sau trứng mới chảy xuống là được rồi đó!
– Thêm muối, vani vào trứng, để máy chạy ở chế độ thấp, từ từ đổ khoảng một nửa hỗn hợp heavy cream đã để nguội lúc trước vào và và trộn đến khi hỗn hợp hoàn toàn đồng nhất. Đổ hỗn hợp này vào phần heavy cream còn lại và đun với lửa trung bình nhỏ. Vừa đun vừa khuấy hỗn hợp liên tục với một chiếc thìa gỗ, đun đến khi hỗn hợp trở nên mịn và đặc ( khoảng 6 phút)
– Tắt bếp, để hỗn hợp nguôi khoảng 15 phút thì trộn phần vải xay vào.
– Để hỗn hợp nguội khoảng 2 tiếng, thỉnh thoảng lại trộn đều hỗn hợp
– Đổ hỗn hợp vào một hộp có nắp đập chặt và bỏ vào ngăn mát tủ lạnh ít nhất 4 giờ ( tốt nhất các bạn nên để qua đêm nhé)
– Đổ hỗn hợp vào máy làm kem rồi bật máy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Trộn kem với socola chip và thưởng thức thôi nào!

14. Kem vải
Kem vải
Nguyên liệu:
1kg quả vải 
200g đường trắng 
500ml sữa tươi 
250ml kem tươi 

Cách làm:
Bước 1: Bạn lấy vải bóc vỏ và bỏ hạt rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc kín và cho vào tủ lạnh. 

Bước 2: Lấy một cái nồi bắt lên bếp, cho sữa tươi và đường vào đun cho đến khi đường tan thì tắt bếp, sau đó cho tiếp kem tươi vào khuấy đều để thành hỗn hợp kem mịn và sánh, rồi để nguội. 

Bước 3: Bạn cho vải vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, sau đó đổ phần hỗn hợp kem sữa vào xay cùng. 

Bước 4: Cuối cùng bạn đổ kem vào hộp đậy kín nắp rồi để vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 2 tiếng là có thể dùng được rồi. Trong lúc để trong tủ lạnh, thỉnh thoảng cứ sau 30 phút là bạn lấy kem ra trộn đều một lần để kem được mịn. 

Vậy là bạn đã hoàn thành các bước làm kem vải rồi đấy! Như vậy là chỉ với những bước thực hiện đơn giản là bạn đã làm nên những ly kem vải thơm ngon đầy hấp dẫn rồi. Kem vải không chỉ thơm ngon hấp dẫn mà còn rất tốt cho sức khỏe, kem giúp thanh nhiệt nhanh chóng, cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể của bạn và còn có tác dụng làm đẹp da bởi các dưỡng chất Vitamin của quả vải mang lại.

15. Mojito vải

Mojito vải
Nguyên liệu:
- 12 lá bạc hà
- 1 thìa cà phê đường
- 15ml syrup (bạn có thể tự làm syrup bằng cách hòa tan cùng một lượng như nhau nước và đường, vừa đun vừa khuấy cho tan đường, nước lăn tăn sôi thì tắt bếp, để nguội)
- 3 quả vải, bóc vỏ, bỏ hạt
- 30ml nước ép vải
- 15ml nước cốt chanh
- 60ml rượu Gin
- 1/2 lon Soda
Cách làm:
- Cho đường, lá bạc hà cùng 2 quả vải vào ly cao.
- Thêm đá, syrup, nước chanh, nước ép vải và rượu Gin vào ly.
- Khuấy nhẹ, thêm nước Soda và nếm cho vừa miệng là được. Trang trí với một quả vải còn lại là ly cocktail đã sẵn sàng!

16. Nộm vải dưa leo
Nộm vải dưa leo
Nguyên liệu:
1quả  dưa chuột
1 bát vải, bóc vỏ, bỏ hạt, xé đôi
3 nhánh rau mùi. Thái nhỏ và để lại vài lá nguyên
1 quả ớt, bỏ phần hạt, thái nhỏ.
2 quả chanh
1 thìa cà phê đường
1 thìa canh giấm gạo
Muối

Cách làm:
- Bổ đôi dưa chuột và thái lát.
- Cho dưa chuột vào một bát to, trộn dưa chuột với vải, rau mùi và ớt thái nhỏ.
- Thêm nước cốt chanh, vỏ chanh, đường, muối và giấm, trộn đều.
- Múc nộm ra đĩa, trang trí với vài lá rau mùi.

17. Nước trái vải 
Nước vải
Nguyên liệu:
- 12 – 15 quả vải thiều (hoặc vải thường)
- 3,5 chén nước
- 1 quả chanh lớn hoặc 2 quả chanh cỡ trung bình
- Đường (tùy vào khẩu vị)
- Vài viên đá

Cách làm:
- Vải thiều bóc vỏ, tách phần thịt vải ra khỏi hạt.
- Cho thịt vải vào máy xay, xay nhuyễn.
- Cho vải xay nhuyễn, nước chanh, và đường khuấy đều trong bình. Khuấy đều cho đến khi đường tan.
- Sau đó, rót nước vải thiều, chanh ra các ly đã có sẵn đá rồi thưởng thức ngay lập tức nhé!

18. Siro vải
Siro vải
Nguyên liệu:
1kg vải đã lột vỏ, bỏ hạt;
500ml nước;
800gr đường.

Cách làm:
- Đun đường với nước cho sôi tới khi nước đường hơi sánh lại thì cho vải vào. Đun sôi khoảng 5 – 8 phút rồi tắt bếp, để nguội rồi đổ vào lọ.
- Lọ siro vải có thể chế biến thành đồ uống hoặc món tráng miệng rất ngon lành và tiện lợi. Để có đồ uống thanh mát, bạn chỉ cần đổ một chút siro vải vào cốc, thêm nước, đá và cho thêm vài lá bạc hà vào cho đẹp.
- Các lọ siro vải có thể bảo quản từ 1 – 3 tháng ở chỗ mát và tối. Nếu để trong tủ lạnh, có thể bảo quản tới 6 tháng.

19. Soda trái vải
Soda trái vải
Nguyên liệu:
1 lon soda(330ml)
2 quả vải
6 thìa súp nước vải lon
2 quả chanh
2 nhánh lá bạc hà
2 bát đá viên.

Cách làm:
- Chanh một quả vắt lấy nước, lược qua rây bỏ hạt, quả còn lại thái khoanh mỏng. Lá bạc hà và đá viên rửa sạch.
- Cho vào mỗi ly một quả vải, 1-2 lát chanh có thể thay chanh bằng quả quất), đá viên(1/2 ly). Lắc đều lon soda để cho sủi bọt, bật nắp, đổ đầy vào ly vải. Thêm 3 thìa súp nước vải lon, 1/3 thìa súp nước cốt chanh vào, khuấy đều, trang trí lá bạc hà.


Mẹo:
- Khi uống, nhớ dầm quả vải tươi, để nước vải hòa quyện với soda.
- Để ngon hơn, có thể bỏ thêm 1 thìa nước vải đóng lon cho dậy mùi.

20. Thạch rau câu vải
Thạch rau câu trái vải
Nguyên liệu:
- 10gr bột rau câu
- 700ml nước trái vải
- 1 chén trái vải lột vỏ bỏ hạt. Bạn có thể dùng thêm trái cây kiwi, dâu.... thái nhỏ.

Cách làm:
Bước 1: Rau câu, nước trái vải cho vào nồi khuấy tan, sau đó bắc lên bếp nấu cho rau câu tan trong với lửa vừa là tắt bếp.

Bước 2: Trái vải và các loại trái cây khác cho vào khuôn, sau đó đổ rau câu vào.

Bước 3: Để khuôn rau câu vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng là bạn có món tráng miệng tuyệt ngon cho gia đình thưởng thức.

21. Thạch vải
Thạch vải
Nguyên liệu:
300g quả vải
1/2 gói thạch rau câu con cá dẻo
130g đường
700ml nước dừa
Đá viên
20g cùi dừa

Cách làm:
- Dùng nạo, nạo cùi dừa thành sợi mỏng.
- Vải bóc vỏ, bỏ hạt, tách miếng. Để vải lên trên mặt rổ thoáng để ráo nước vì nếu vải bị ướt thì khi đổ thạch lớp thạch sẽ không đông.
- Cho cùi dừa và nước dừa vào nồi, đặt lên bếp đun sôi. Mục đích cho cùi dừa để phần nước thạch thêm thơm và béo.
- Trộn đường với phần bột rau câu. Khi phần nước dừa sôi, từ từ đổ hỗn hợp đường bột thạch vào. Khuấy đều, vặn nhỏ lửa.
- Chuẩn bị sẵn 1 khuôn to hơn khuôn đổ thạch, đặt đá viên vào để làm nhanh quá trình đông thạch. Đổ 1 lớp thạch mỏng lên bề mặt khuôn.
- Đợi cho phần bề mặt thạch này đông lại thì xếp phần cùi vải lên trên. Sau đó nhẹ nhàng đổ 1 lớp thạch lấp đầy phần vải.
- Thực hiện tương tự cho đến hết phần thạch và cùi vải, cũng như tùy thể tích của khuôn làm thạch. Sau đó đợi cho thạch nguội thì bạn đặt vào tủ lạnh để làm mát.

22. Vải bọc phomai chiên giòn 
Vải bọc pho mai
Nguyên liệu làm cho 3- 4 người ăn:
- 12 trái vải thiều.
- 100g phô mai mozzarella.
- 1 quả trứng.
- Bột mì, bột chiên xù.
- Dầu ăn.

Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Vải thiều các bạn bóc vỏ, sau đó bạn hãy khéo léo tách bỏ hạt vải bên trong sao cho vẫn giữ nguyên được lớp thịt vải bên ngoài mà không bị rách nhé.
- Phô mai mozzarella các bạn cắt thành những miếng dài nhỏ như trong hình, sau đó lại cắt tiếp thành từng khúc nhỏ hơn để có thể nhồi được vào trong quả vải.
- Trứng các bạn đập ra bát đánh tan.

Bước 2: Các bước thực hiện
- Đầu tiên, bạn nhồi phô mai mozzarella vào trong từng quả vải.
- Sau đó, bạn lấy một quả vải nhúng vào bát bột mì sao cho bột phủ kín quả vải nhé.
- Bạn nhúng tiếp quả vải đó sang bát trứng.
- Và cuối cùng là lăn qua lớp bột chiên xù.
- Bạn làm tương tự như vậy cho đến khi hết vải nhé.
- Bạn chuẩn bị một cái chảo lên bếp, cho thật nhiều dầu ăn vào làm nóng.
- Khi dầu ăn sôi, bạn thả từng viên vải vào chiên. Khi quá trình chiên bạn chú ý lật các viên vải thường xuyên để chúng có thể chín đều và màu cũng đều đẹp mắt.
- Các viên vải chín các bạn vớt ra ngoài, thấm qua giấy cho ráo dầu.
- Bạn trình bày ra đĩa, để nguội bớt là có thể thưởng thức rồi.

Lưu ý:
- Để làm được món viên vải nhồi phô mai chiên xù thì bạn cần chọn những quả vải thật tươi, ngọt và chúng hơi to một chút như vậy sẽ dễ làm hơn. Bên cạnh đó, vải thiều là không bắt buộc bởi mua được vải thiều cũng hơi khó, tuy nhiên vải thiều thì có phần hạt rất bé, phần thịt dày vì vậy khi tách hạt cũng rất dễ làm hơn so với các loại vải thường.
- Tương tự như vậy, nếu bạn không có thời gian đi siêu thị để mua phô mai  mozzarella thì bạn co thể dùng phô mai con bò cười nhé.
- Bật mí cho bạn một cách làm món ăn ngon hơn đó là khi bạn nhồi phô mai vào vải xong, bạn hãy để chúng vào ngăn làm đá của tủ lạnh khoảng 20-30 phút sau đó mới đem chiên. Như vậy khi ăn bạn sẽ thấy phần nhân vải phô mai ở trong mát lạnh ăn rất thú vị đó.
- Món viên vải nhồi phô mai chiên giòn với 3 lớp đặc biệt: lớp thứ nhất là vỏ bột và trứng vàng ươm đẹp mắt lại giòn tan, lớp thứ hai là vải mọng nước ngọt mát giúp cho món ăn giảm đi độ ngấy một cách đáng kể. Và cuối cùng lớp thứ 3 với viên phô mai mozzarella thượng hạng béo thơm lừng. Với một món ăn tuyệt ngon như vậy thì chỉ cần nhìn thấy chúng thôi thì cũng đủ khiến làm cho bạn chảy nước miếng rồi.

23. Vải nhồi tôm hấp
Vải nhồi tôm thịt
Nguyên liệu:
+ Vải
+ Tôm
+ Muối, hạt nêm, đường, gừng
+ Rượu
+ Bột ngô (nếu không có, có thể dùng bột năng, bột sắn)

Cách làm:
- Vải rửa sạch, lột vỏ, bỏ hạt
- Tôm rửa sạch, lột vỏ, bóc đầu băm nhuyễn. Ướp với một chút gừng, muối, hạt nêm, rượu.
- Nhồi thịt tôm vào bên trong quả vải, đem hấp trong khoảng 6 phút là được. Xếp lên đĩa.
- Pha bột ngô với một chút muối, đường, nước. Đổ vào chảo đun sôi lên.
- Rưới hỗn hợp vừa đun lên trên vải nhồi tôm. Ăn nóng với cơm sẽ rất ngon.

24. Vải xào mướp
Vải xào mướp
Nguyên liệu:
+ Vải
+ Mướp
+ Ớt chuông vàng
+ Dầu ăn, muối, hạt nêm

Cách làm:
- Chuẩn bị nguyên liệu. Mướp, ớt chuông rửa sạch, thái khúc nhỏ, vải lột vỏ, bỏ hạt.
- Đun sôi dầu, thả ớt chuông vào đảo đều khoảng 2 phút.
- Cho mướp vào chảo xào cùng cho đến khi mướp chín tới.
- Cuối cùng đổ vải vào, thêm muối, hạt nêm cho vừa vặn.

25. Vải xào tôm rau củ
Vải xào tôm rau củ
Nguyên liệu:
+ 200g vải
+ 200g tôm
+ Măng tây
+ Ớt chuông
+ Lòng trắng trứng
+ Bột ngô (có thể dùng bột sắn dây, bột năng)
+ Hành lá
+ Dầu, muối ăn

Cách làm:
- Vải rửa sạch, bóc vỏ, bỏ hạt, ngâm vào nước muối.
- Tôm rửa sạch, lột vỏ, bỏ gân ở giữa. Ướp tôm với ít muối, hạt tiêu, bột ngô và lòng trắng trứng. Ướp như vậy trong 10 phút.
- Đặt chảo lên bếp, đổ nước vào, thêm một ít muối và dầu ăn, thả măng tây vào đun sôi lên rồi vớt ra để nguội.
- Đổ tôm vào chảo luộc trong 1-2 phút.
- Chuẩn bị ớt chuông, măng tây thái khúc ngắn.
- Thêm dầu vào chảo, lần lượt đổ tôm và ớt chuông măng tây vào xào chín, cuối cùng đổ vải vào.
- Pha một chút nước với bột ngô, muối đổ vào chảo, vặn lửa to, đảo đều tay rồi bắc chảo xuống.


Girlandlittlething
(Tổng hợp)

0 comments :