Wednesday, June 15, 2016

Tổng hợp cách nấu 9 món cháo ngon giải nhiệt mùa hè

Ăn cháo vào mùa hè sẽ giúp cung cấp nước cho cơ thể. Không chỉ thế, cháo còn có thể cung cấp chất dinh dưỡng để bảo vệ dạ dày. Thời tiết nóng bức khó chịu, hãy thử đổi vị bằng những món cháo vừa ngon vừa mát vừa dễ tiêu nhé!

Cháo ngon giải nhiệt mùa hè


Đây là 9 gợi ý cho bạn trong mùa hè năm nay: Cháo hạt sen, Cháo đậu xanh thịt gà, Cháo bạc hà, Cháo đậu xanh đường, Cháo vịt, Cháo khổ qua, Cháo sườn, Cháo bí xanh tôm nõn, Cháo ngao mồng tơi.

1. Cháo hạt sen
Cách nấu Cháo hạt sen
Nguyên liệu:
- Gạo tẻ ngon: 1 bát ăn cơm
- Sườn : 150g
- Thịt nạc thăn: 150g
- Hạt sen tươi hoặc khô: 100g
- Nấm hương: 20g
- Hành củ, hành lá, gia vị vừa đủ

Cách làm:
Bước 1: Để hạt sen khô khi nấu cháo được bở thì ngâm hạt sen trước khi nấu khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau đó đặt nồi nước lên bếp, đun sôi thì cho hạt sen vào, ninh thêm 5 phút, khi thấy hạt sen chuyển màu ngà ngà, cầm thấy mềm thì tắt bếp.

Bước 2: Sườn rửa sạch, chần qua nước sôi rồi cho vào nồi ninh khoảng 5 phút để lấy nước dùng và thịt để nấu cháo.

Bước 3: Cho hạt sen vào cùng sườn vừa ninh, tiếp đến cho gạo đã vo vào nồi áp suất để món cháo nhanh chín hơn. Thêm gia vị cho vừa ăn.

Bước 4: Trong khi chờ cháo chín, thịt nạc thăn rửa sạch, băm nhỏ, tẩm chút gia vị cho ngấm. Nấm hương ngâm cho nở rồi rửa sạch, cắt nhỏ.

Bước 5: Hành củ thái lát, phi thơm vàng rồi đổ ra bát lát nữa rắc lên ăn kèm với cháo. Hành hoa, rau mùi thái nhỏ.

Bước 6: Đặt chảo lên bếp, thêm chút dầu ăn, cho hành vào phi thơm, tiếp đến cho thịt và nấm hương vào xào cùng. Khi thấy thịt chín, săn, có mùi thơm của nấm thì tắt bếp.

Bước 7: Khi thấy cháo hạt sen chín nhừ, nở bung thì múc cháo ra từng bát cho nguội bớt, rắc thịt nấm hương, hành phi, hành hoa, thêm chút tiêu cho món cháo thêm ấm áp.

2. Cháo đậu xanh thịt gà
Cách nấu Cháo đậu xanh thịt gà
Nguyên liệu:
Gạo nếp: 1 nắm kết hợp với 1 nắm gạo tẻ thơm.
Đỗ xanh không vỏ: 100- 150 gam
Thịt đùi gà: 1 cái hoặc 300- 500 gam tùy thích.
Gia vị nêm nếm: Muối, hạt nêm, nước mắm, mì chính, hành lá, rau mùi, hạt tiêu, hành khô( hành tím), có thể cho lá tía tô nếu thích.

Cách làm:
Bước 1: Chuẩn bị gạo và đỗ
- Đỗ xanh có vỏ hay không vỏ đều được, tuy nhiên nấu cháo đỗ xanh có vỏ thì ngon hơn bởi nó cho vị bùi hơn, bổ dưỡng hơn.
- Bạn có thể ngâm đậu xanh và gạo trong nước ấm 30 độ trước 3-4 h trước khi nấu. Hoặc bạn có thể ngâm qua đêm với nước thường.
- Sau đó bạn lấy hỗn hợp gạo và đỗ ra sa lại, sa qua thôi nhé!

Bước 2: Luộc gà
- Thịt gà rửa sạch cho thịt gà vào nồi, sau khi nước sôi thì cho thêm muối.
- Đun thịt gà đến khi dùng đũa tre xiên qua thịt không thấy nước hồng chảy ra là gà chín.
- Vớt gà ra đĩa để nguội, khô thì bóc thịt ra xé nhỏ, tuy nhiên thịt gà băm cũng không làm thay đổi vị nhé.

Bước 3: Nấu cháo
- Cho gạo, đỗ và nước luộc gà vào nồi cơm điện như nấu cơm đến khi nước cạn bạn lại chế thêm nước, cứ làm như vậy cho đến khi hạt gạo nở cực đại thì dùng thìa gỗ đánh nhuyễn.
- Đun đến khi phần gạo và đỗ xanh nở mềm, bạn cho thịt gà đã xé vào đun cùng, lửa nhỏ, nêm nếm lại gia vị( gồm nước mắm, muối, hạt nêm và mì chính) cho vừa ăn.
- Đun tiếp từ 15 đến 20 phút, bạn tắt bếp, thêm hành lá, rau mùi thái nhỏ vào. Múc ra bát, rắc một ít hạt tiêu lên bề mặt, dùng nóng cháo ngon đậm đà mà không bị tanh.

3. Cháo đậu xanh đường
Cách nấu Cháo đậu xanh đường
Nguyên liệu:
+ Gạo nếp: 1 nắm 
+ Gạo tẻ: 1 nắm 
+ Đậu xanh: 200g 
+ Đỗ lạc: 50g
+ Dừa tươi và nước cốt dừa 
+ Đường

Cách làm: 
- Đậu xanh và 2 loại gạo đem vo sạch rồi cho vào nồi cơm điện cùng lạc, nấu như nấu cơm, cứ khi nào trong xoong hết nước bạn lại chế thêm 1 bát con nước cùng 1 viên đá to. Cứ làm như vậy cho đến khi thấy hạt gạo nở hết cỡ thì dùng thìa gỗ nghiền cháo rồi đổ nước sôi vào đun cho đến khi sôi lại. Bạn có thể điều chỉnh để cháo đặc – loãng như ý muồn. Khi chế nước sôi lần cuối bạn nên chú ý để tránh nước cháo tràn ra nồi cơm điện nhé.
- Khi cháo sôi lại bạn có thể cho đường vào theo sở thích ăn ngọt của mình. Khi thưởng thức cháo bạn chỉ cần múc ra bát, cho thêm 1 thìa cà phê nước cốt dừa và phủ vài sợi dừa nạo lên là có thể ăn ngay. Vào mùa hè bạn có thể cho cháo đã để nguội vào tủ lạnh để thưởng thức cho mát và ăn trong ngày.

4. Cháo bạc hà
Cách nấu Cháo bạc hà
Nguyên liệu: 
100 gram gạo tẻ
30 gram lá bạc hà tươi hoặc 15 gram lá bạc hà phơi khô
Hạt tiêu, muối, mắm.

Cách làm: 
- Bỏ gạo vào nấu cho tới khi nhừ hạt. 
- Tiếp đó cho lá bạc hà cắt nhỏ thành sợi vào đun cùng và bắc ra, nêm mắm muối vừa ăn. 
- Loại cháo này rất thích hợp dùng để giải cảm, giải nhiệt vào mùa hè.

5. Cháo vịt 
Cách nấu Cháo vịt
Nguyên liệu:
- 1 lon gạo (hãy trộn thêm ít gạo nếp để nồi cháo dẻo hơn)
- 1 con vịt cỏ (loại vịt này nhìn bên ngoài nhỏ nhưng thịt chắc và thơm)
- 4 củ gừng: 2 củ đập dập và 2 củ còn lại giã nhuyễn
- 2 củ tỏi: lột vỏ và băm nhuyễn
- 50g củ hành tím: lột vỏ và thái mỏng 2/3, giữ lại 1/3 đem nướng
- 10 trái ớt: băm nhỏ1 chén rượu
- 3 trái chanh: cắt miếng
- 1 bó rau răm, rau húng lủi, rau húng quế: nhặt và rửa sạch
- 3 nhánh hành lá, 1 nhúm rau mùi: rửa sạch và thái nhỏ
- 2 củ hành tây: lột vỏ, thái mỏng, ngâm qua nước lạnh và vớt ra để ráo
- Gia vị: nước mắm, tiêu, đường, hạt nêm và muối

Cách làm: 
Bước 1: Dùng rượu và ½ phần gừng đập dập chà xát nhiều lần quanh con vịt để khử mùi hôi tanh đặc trưng. Tiếp theo đem rửa vịt lại với nước và để ráo. Sau đó, cho vịt vào nồi nước và luộc. Lưu ý, nước cần phải ngập hết con vịt để vịt luộc không bị đen.

Bước 2: Cho gừng đập dập còn lại vào nồi nước luộc vịt cùng với phần hành tím nướng sau khi nước này sôi. Đồng thời, vớt hết bọt trong nồi nước này.

Bước 3: Vo sạch gạo và cho vào nồi rang đến khi gạo hơi vàng.

Bước 4: Khi vịt trong nồi đã chín, bạn vớt ra và trút gạo rang vào nồi nấu đến khi gạo nở búp thì nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng.

Bước 5: Trong lúc chờ đợi, bạn pha nước chấm với 2 muỗng canh nước mắm, 4 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê mỗi loại gia vị: tỏi, ớt và gừng giã nhuyễn. Khuấy đều hỗn hợp này lên, bạn sẽ có tô nước mắm gừng thơm ngon để ăn kèm.

Bước 6: Chặt vịt thành từng miếng nhỏ vừa ăn và dọn cùng các loại rau ăn kèm gồm rau răm, rau húng lủi, rau húng quế và hành tây.

Bước 7: Múc cháo ra tô, cho thêm hành xanh, hành phi, ít tiêu đen. Dọn cháo cùng dĩa thịt vịt đã sắp, vài lát chanh và chén nước mắm gừng dẻo cay.

6. Cháo khổ qua
Cách nấu Cháo khổ qua
Nguyên liệu: 
Tim lợn 1 quả, 
Khổ qua 60g, 
Rau muống 40g, 
Gạo tẻ 60g, 
Gia vị vừa đủ.

Cách làm: 
Khổ qua rửa sạch bỏ ruột thái lát mỏng. Rau muống rửa sạch cắt ngắn. Quả tim lợn bổ làm tư rửa sạch, gạo vo sạch. Cho gạo cùng tim lợn vào nồi, đổ nước hầm thành cháo, cháo chín kỹ cho khổ qua vào đun tiếp, cho rau muống đun sôi thêm một lát, nêm gia vị, dùng nóng.

Công dụng: 
Khổ qua tính mát, thanh nhiệt chống dị ứng, dịu cơn ngứa và làm mát da; rau muống vị ngọt tính hơi hàn, tác dụng tiêu độc, nhuận cơ, sinh cơ, chống ngứa, tiêu phù, hoạt trường; tim lợn bổ tâm, kiện não; gạo tẻ bổ tỳ dưỡng cơ nhục. Món này thích hợp với người bị mề đay hay tái phát, người nóng, hay ngứa lở ngoài da, tim hồi hộp, ngủ trằn trọc.

7. Cháo sườn
Cách nấu Cháo sườn
a, Cách nấu cháo sườn cơ bản
Nguyên liệu:
– 600 g sườn non.
– 400 g gạo tẻ thơm.
– Nước mắm, bột ngọt, hạt tiêu, bột đao, dầu thực vật.

Cách làm:
– Sườn rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, cho vào nồi đổ ngập nước, đun sôi. Mở vung nồi sườn, vớt hết bọt để nước ninh xương được trong. Đậy vung, vặn nhỏ lửa ninh khoảng 1 giờ. Lấy sườn ra để nguội, gỡ lấy thịt nạc, tẩm ướp với chút nước mắm.
– Cho một chút dầu thực vật vào đun nóng, cho thịt vào xào qua, xúc ra bát để riêng.
– Gạo tẻ đem xay thành bột khô, mịn (hoặc xay bột nước) hòa với nước ninh xương cho lên bếp nấu. Vừa nấu vừa khuấy đều tay, cho thịt sườn vào nấu cùng, nếu bột đặc có thể pha thêm nước lã sao cho cháo mượt, không bị loãng là được. Để nồi cháo sôi một lúc, cho 2 thìa nhỏ bột đao pha với chút nước vào khuấy đều, nêm bột ngọt, mắm cho vừa. Vặn nhỏ lửa nấu thêm khoảng 30 phút, cho cháo sánh.

b, Cách nấu cháo sườn cay nồng hành tây
Nguyên liệu:
– Sườn non
– Chừng 1 – 2 lon gạo (ít nhiều tùy ý)
– 1 củ hành tây (cho thơm và ngon miệng hơn)
– Muối
– Tiêu
– Đường
– Nước mắm ngon

Cách làm:
– Bỏ sườn non đã rửa sạch vô nồi nước, đun sôi lên, hạ bếp xuống và hớt bột cho nước trong.
– Vo gạo & lột vỏ hành tây đã rửa, rồi cho vào nồi sườn non nấu cho đến khi gạo thành cháo.
– Canh nước nhiều ít, tùy theo muốn cháo sườn thật đặt hay hơi lỏng. Nếu cần thì đổ thêm nước vô khi gạo nấu gần thành cháo.
– Nêm nếm với muối và đường cho vừa miệng. Nước mắm thì nêm cuối cùng khoảng 5 phút trước khi tắt bếp.
– Nhớ thỉnh thoảng quậy lên để gạo không dính dưới đáy nồi.
– Xong, gắp sườn non ra tô/đĩa và gỡ thịt ra khỏi xương/xụn.
– Cho cháo và thịt sườn vào máy food processor/blender xay cho nát ra thành bột. Chia cháo ra, xay thành 2, 3 phần.
– Xay xong, đổ vô nồi khác, bỏ lên bếp và nấu cho sôi lên, nêm lại & cho thêm nước vô nếu cần.
Chú ý: nên nhớ khi cháo sườn còn nóng thì lỏng hơn khi đã nguội hoặc sau khi bỏ vô tủ lạnh. Thành ra, cho thêm nước nếu muốn cháo sườn lỏng hơn.
– Khi ăn, rắc tí tiêu vào cho vừa miệng và thơm.

8. Cháo ngao mồng tơi
Cách nấu Cháo ngao mồng tơi
Nguyên liệu:
300g ngao sống, 
3-5 lá mồng tơi, 
1 bát cháo trắng, 
1 thìa cà phê dầu ăn,
Muối, mắm, tiêu

Cách làm:
- Ngao rửa sạch, luộc sơ cho há miệng, nhặt ruột bỏ vỏ, làm sạch ruột rồi băm nhỏ. Nước ngao lấy ra một bát, lọc bỏ cặn. Rau mồng tơi rửa sạch thái nhỏ. 
- Cho rau mồng tơi vào nước luộc ngao đun sôi khoảng 3 phút, sau đó cho ruột ngao và cháo vào đảo đều cho sôi trở lại. 
- Cho dầu ăn vào cháo khuấy đều, nêm thêm muối và vài giọt nước mắm cho vừa miệng và thơm rồi bắc xuống. 

9. Cháo bí xanh tôm nõn
Cách nấu Cháo bí xanh tôm nõn
Nguyên liệu:
150g gạo tẻ, 
80g tôm tươi, 
100g bí xanh, 
1/2 thìa cà phê hành tỏi băm, 
1 nhánh hành lá, 
1 ít rau mùi tàu, 
1 thìa cà phê muối, 
1 thìa cà phê mắm
1 thìa cà phê dầu ăn

Cách làm:
- Tôm tươi rửa sạch, lột vỏ, để vỏ riêng, bỏ chỉ đen, băm nhỏ. Bí đao gọt bỏ vỏ và hạt, rửa sạch, thái mỏng. Hành lá và mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ. 
- Cho dầu ăn vào nồi, làm nóng, phi thơm hành tỏi băm, cho phần vỏ tôm vào nấu sôi lấy nước dùng. Nước dùng sôi, vớt bỏ bọt và vỏ tôm. 
- Cho gạo vào, riu nhỏ lửa nấu cháo. 
- Cháo sôi, tiếp tục cho bí xanh vào nấu cho mềm. Sau đó trút phần thịt tôm vào, nấu cho cháo chín sôi trở lại. 
- Cho nước mắm muối vào, nêm nếm vừa ăn, cho hành lá xắt nhuyễn vào. 
- Múc cháo ra bát, dùng nóng.

Girlandlittlething
(Tổng hợp)

0 comments :