Friday, September 23, 2016

Tuyển tập cách làm 10 món ngon với Nha đam vừa thanh mát, giải nhiệt vừa bổ dưỡng

Dưới đây là 10 món ngon được chế biến từ Nha đam và cách làm chi tiết giúp nha đam không bị đắng!

1. Cách chế biến nha đam không bị đắng
Nha đam (hay còn gọi là lô hội) là loại cây hữu ích, có nhiều tác dụng trong việc ăn uống cũng như làm đẹp. Khoa học đã chứng minh trong nha đam chứa nhiều vitamin A, C, E, B1 cùng nhiều khoáng canxi, kali, kẽm, crôm. Phần thịt trong suốt của nha đam có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng thanh nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa, làm mát gan. Tuy nhiên, nếu không biết cách làm chúng sẽ rất đắng, khó ăn và có khi còn bị ngứa nữa.

Có 2 cách chế biến nha đam đúng, không bị đắng mà rất dễ dàng để bạn sử dụng trong nấu ăn cũng như làm đẹp:
Cách 1:
- Cắt nha đam thành các miếng nhỏ, gọt sạch vỏ xanh, xắt hạt lựu rồi ngâm vào bát nước hỗn hợp pha vài giọt chanh và nước muối loãng.
- Chà xát nhẹ nhàng từng miếng nha đam cho sạch hết nhớt. Vớt nha đam ra rổ, xả dưới nước, vừa xả vừa xóc đều.
- Bạn có thể xóc đều nha đam với chút đường rồi cho vào lọ có nắp, bảo quản trong tủ lạnh. Khi ăn có thể lấy ra dùng trực tiếp, lúc này những miếng nha đam đã thấm đường và có vị ngọt mát dễ chịu.
Cách 2:
- Nha đam cắt đôi bỏ ngạnh gai hai bên dùng dao bén gọt sạch vỏ.
- Cắt nha đam thành từng miếng nhỏ, tùy theo món chế biến.
- Cho phần nha đam đã cắt vào tô, dùng muỗi tinh bóp sơ cho ra nhớt
- Sau khi bóp muối, xả sạch bằng nước lạnh cho nha đam hết nhớt
- Bắc nồi nước sôi, cho nha đam vào chần qua rồi vớt ra ngay ngâm vào nước đá. Nha đam sẽ rất trắng, giòn, không còn bị nhớt và đắng nữa. Tương tự như cách 1, bạn có thể xóc đều nha đam với chút đường và bảo quản trong tủ lạnh dùng dần.

2. Nước nha đam đường phèn
Nguyên liệu:
Nha đam: 1 kg, khoảng 2 lá to, bạn phải chọn những lá nha đam to, tươi ngon, dày thịt để nước nha đam đường phèn ngọt ngon đúng chuẩn nhé.
Đường phèn: 150g.
Chanh tươi: 2 trái.
Muối: 3 thìa.
Lá dứa: 1 nắm.
Một ít đá viên.
Dụng cụ: Máy xay sinh tố, chai đựng nước nha đam đường phèn để bảo quản tủ lạnh.

Cách làm: 
– Nha đam:
+ Rửa sạch, gọt lớp vỏ bên ngoài, chỉ lấy phần thịt trắng, bạn cần chú ý phải gọt sạch phần vỏ xanh để nha đam không bị đắng giúp cho nước nha đam đường phèn ngọt ngon hơn nhé. Thái nha đam thành từng miếng vừa rồi vừa thái vừa ngâm nha đam vào thau nước lạnh có pha 3 thìa muối với nước cốt 2 trái chanh trong 30 phút.
+ Sau đó, vớt nha đam ra rổ, để ráo rồi chần nha đam qua nước sôi 2 phút và thả nhanh vào chậu nước lạnh có đá viên 20 phút, vớt ra rổ, để ráo. Làm như thế nha đam sẽ bớt nhớt và tăng vị ngon hơn rất nhiều nhé.
+ Cho nha đam vào máy xay sinh tố, bật số nhỏ xay nhanh để nha đam vẫn còn những cục nhỏ lợn cợn, nếu bạn xay nát quá khi uống nước nha đam đường phèn sẽ rất dễ ngán.
– Lá dứa: Rửa sạch từng lá, để ráo, dùng 1 lá buộc chặt các lá còn lại.
– Cho 2 lít nước vào nồi đun sôi cùng 150g đường phèn và nắm lá dứa, bạn có thể gia giảm lượng đường tùy thích nhé, khi nước đường sôi, bạn vớt hết phần lợn cợn (nếu có) để cách nấu nước nha đam đường phèn được trong ngon, cho nha đam đã xay nhỏ vào, tiếp tục đun sôi 3 phút nữa rồi tắt bếp, để nguội, bỏ nắm lá dứa ra, rót nước nha đam đường phèn vào chai cho vào tủ lạnh dùng dần là bạn đã hoàn thành khâu chế biến thức uống vừa ngon vừa mát vừa bổ mà cực rẻ này rồi đấy.

Yêu cầu và thành phẩm: 
– Nước nha đam đường phèn ngon trông rất hấp dẫn, có mùi thơm thoang thoảng rất đặc trưng của lá dứa, vị ngọt thanh nhẹ, nha đam tươi ngon, được xay nhỏ vừa, không bị đắng, ít nhớt hòa lẫn với vị ngọt thanh của đường phèn rất ngon miệng.
– Khi thưởng thức nước nha đam đường phèn hấp dẫn này, bạn nên cho thêm một ít đá viên, 1-2 thìa nước cốt chanh, có thể trang trí trên thành ly vài lá bạc hà hay 1 lát chanh tươi cho thêm phần bắt mắt hơn nhé. Uống hàng ngày sẽ rất tốt cho sức khỏe và vẻ đẹp làn da đấy.



3. Sinh tố nha đam chuối
Nguyên liệu:
- 1 nhánh cây nha đam
- 1 gói sữa tươi
- 4 quả chuối
- Đường tùy thích.

Cách làm: 
Bước 1: Nha đam cắt bỏ phần vỏ, cắt sâu để khi làm nha đam không bị đắng.
Bước 2: Cho phần nha đam vào bát với 1 thìa nhỏ muối, chà nhẹ khoảng 5 phút sau đó đem đi rửa lại qua nước và để ráo.
Bước 3: Cho chuối, nha đam thêm sữa tươi vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau 1 phút là có ngay ly sinh tố ngon lành.

4. Sữa chua nha đam
Cách 1: 
Nguyên liệu:
- 8 hũ đựng sữa chua to
- 1 lon sữa đặc
- 1 nhánh nha đam
- 1 lon nước sôi (dùng ngay lon sữa đặc để đong)
- 250gr sữa chua cái
- 2 lon sữa tươi không đường.

Cách làm:
Bước 1: Nha đam cắt bỏ phần xanh, dùng dao lọc lấy phần trắng trong, rửa qua nước lạnh nhiều lần.
Bước 2: Sau đó ngâm vào nước lạnh có pha muối với 1 muỗng canh nước cốt chanh để 5 phút cho nha đam ra hết chất nhờn.
Bước 3: Qua 5 phút bạn lại phải rửa nhiều lần cho đến khi nha đam hết nhớt.
Bước 4: Cắt nha đam thành miếng hạt lựu nhỏ, rồi xả qua nước lạnh vài lần nữa.
Bước 5: Nấu nước sôi, cho nha đam vào luộc nhanh 45 giây đến 1 phút. Sau đó vớt nha đam ra ngâm vào 200ml nước đá lạnh có pha 2 muỗng canh đường.
Bước 6: Để 1-2 tiếng cho nha đam ngấm chút vị ngọt. Sau đó đổ nha đam ra rổ để ráo.
Bước 7: Sữa đặc cho ra âu sạch, cho nước sôi vào khuấy nhẹ cho tan.
Bước 8: Kế đến cho sữa tươi vào và cũng nhẹ nhàng khuấy đều. Tiếp theo cho sữa chua cái vào tiếp tục khuấy nhẹ cho tất cả hoà vào nhau. Lượt hỗn hợp sữa qua rây. Sau đó cho nha đam vào hòa chung.
Bước 9: Đổ sữa vào từng hũ nhỏ (loại thủy tinh hay nhựa đều được). Xếp các hũ này vào 1 nồi lớn có nắp hay khay có đáy sâu.
Bước 10: Nấu 1 bình nước sôi. Để 7 phút cho nuớc bớt nóng. Sau đó đổ nước nóng này vào nồi. Nước nóng ngập khoảng hơn 1/3 hũ sữa. Đậy nắp nồi lại. Bật lò vi sóng hay lò nướng 170 độ C trước 4 phút. Sau đó tắt lò. Rồi cho nồi đựng sữa vào, để yên như thế khoảng 7 tiếng là bạn sẽ có hũ sữa chua nha đam mịn và thơm ngon như ý.

Lưu ý:
- Lò nướng chỉ bật 1 lần rồi tắt.
- Khi khuấy sữa nên khuấy 1 chiều và nhẹ nhàng.
- Nha đam cần làm sạch và thái nhỏ trước khi cho vào sữa.

Cách 2: 


5. Chè nha đam nhãn nhục
Nguyên liệu:
500g nha đam
100g hạt sen
100g nhãn nhục
170g đường phèn

Cách làm: 
- Cho 850ml nước vào nồi, cho hạt sen vào nấu chín.
- Gọt vỏ nha đam cho sạch, lưu ý khi gọt vỏ nha đam thì phải sạch, không có dính vỏ màu xanh sẽ giúp nha đam sau khi nấu không có vị đắng. Cắt nha đam thành hạt lựu.
- Cho nha đam vào thau và thêm ½ thìa cà phê muối , bóp cho bớt nhớt và không đắng. Sau đó rửa với nhiều nước sạch, bỏ ra rổ cho ráo.
- Nhãn nhục cũng đem rửa sạch, để ráo.
- Khi hạt sen trong nồi chín thì cho nhãn nhục vào. Tiếp theo cho nha đam vào.
- Cuối cùng là cho đường phèn vào nồi, nấu thêm 5 phút thì tắt bếp, ăn khi chè còn ấm nóng hay để lạnh đều ngon.

6. Chè hạt sen nha đam
Nguyên liệu:
- 100g hạt sen tươi
- 400g lô hội (còn gọi là nha đam)
- 100g đường phèn bột
- Một ít muối

Cách làm: 
- Nha đam gọt sạch  vỏ xanh bên ngoài. Thái nha đam thành hạt lựu. Sau khi thái toàn bộ nha đam thành hạt lựu thì rửa sạch nhớt nha đam với một ít muối cho bớt đắng.
- Hạt sen rửa sạch, lấy tim sen (hoặc mua hạt sen đã được lấy tim), nấu cùng 1 lít nước cho mềm.
- Sau đó cho nha đam vào nấu tiếp với nhiệt nhỏ trong khoảng 10 phút, vớt bọt để nước chè được trong.
- Bỏ đường phèn và nấu thêm khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp.
- Để chè nguội,cho chè vào ngăn mát tủ lạnh. Chè lạnh ăn sẽ ngon hơn.

7. Chè xoài nha đam 
Nguyên liệu:
- 250ml nước cốt dừa
- 1 lá nha đam (cỡ 200g)
- 2 quả xoài chín
- 50g đường
- 2 miếng gelatin

Cách làm: 
- Ngâm gelatin trong 15ml nước lạnh cho mềm rồi vớt ra, đổ bỏ nước lạnh đi, trộn ngay vào nước nóng, khuấy đều cho đến khi gelatin hoàn toàn tan chảy.
- Nha đam cắt làm đôi, bỏ ngạnh hai bên, gọt sạch vỏ rồi cắt thành từng miếng nhỏ. Đổ nha đam vào bát nước có pha chút muối và chút nước cốt chanh khoảng 30 phút cho chất đắng ra hết. Sau khi đã ngâm, vớt nha đam ra, xả lại nước lạnh lần nữa cho sạch vị muối mặn và vị chanh chua.
- Đun sôi nồi nước, thả nha đam vào đun vừa chín tới (để nha đam chín nhưng không bị nhũn), vớt ra ngâm ngay vào nước sôi để nguội, thêm vài viên đá cho nước lạnh. Ngâm khoảng 5 phút thì đổ nha đam ra rổ thưa cho ráo nước.
- Cho nha đam vào máy xay sinh tố, thêm đường và 150ml nước lạnh và bật máy, xay nha đam hoàn toàn nhuyễn mịn.
- Đổ hỗn hợp nha đam ra một một chiếc thố có nắp đậy, thêm bát galetin ở bước 1 vào, khuấy đều, đậy nắp rồi cho vào tủ lạnh cỡ 3 – 4 giờ cho thạch đông.
- Xoài gọt vỏ, 1/3 lượng xoài thái miếng vuông nhỏ, 2/3 còn lại thái nhỏ đem xay nhuyễn cùng với 150ml nước cốt dừa thành hỗn hợp mịn.
- Cho thạch nha đam vào bát hoặc ly thủy tinh, kế đó hỗn hợp xoài xay nhuyễn, trên cùng là xoài thái miếng và một chút nước cốt dừa.

8. Chè đậu xanh nha đam
Nguyên liệu: 
300g nha đam
100g đậu xanh cà vỏ
200g đường kính
50g bột sắn dây
1 chút muối
1 quả chanh

Cách làm: 
- Đậu xanh đem vo sạch rồi ngâm với nước ấm khoảng 1 giờ cho nở.
- Nha đam rửa sạch, cắt thành từng miếng có chiều rộng chừng 1cm, gọt bỏ hết sạch phần vỏ xanh và cắt hình hạt lựu kích thước khoảng 1cm x 0,5cm.
- Trong một tô lớn, hòa nước cốt chanh với khoảng 1 lít nước lã, thả phần nha đam đã cắt vào. Ngâm chừng 1 giờ. Nha đam sau khi ngâm xả sạch dưới vòi nước chảy mạnh sao cho nha đam không còn nhớt nữa. Sau đó để ráo nước. Ướp nha đam với 100g đường kính.
- Đậu xanh sau khi nở, cho vào nồi thêm 0,5 lít nước, thêm chút muối, ninh nhừ. Đậu xanh đã nhừ, đổ phần đường còn lại vào khuấy đều cho đường tan hết.
- Trút phần nha đam đã ướp đường vào nồi chè đậu xanh.
- Hòa tan bột sắn dây với chút nước, sau đó từ từ đổ vào nồi chè đậu xanh nha đam cho chè có độ sánh. Đợi sôi lại thì tắt bếp, để nguội. Chè ăn kèm đá bào hoặc ướp lạnh trước khi ăn.

9. Thạch nha đam
Nguyên liệu:
+ 2 lá nha đam to (khoảng 1kg)
+ 1 lạng đường phèn (có thể dùng đường kính nhưng đường phèn giúp món thạch thơm mát và có lợi cho sức khỏe hơn)
+ 1 quả chanh tươi
+ 1 thìa muối sạch
+ 1 ít đá viên sạch

Cách làm:
Bước 1: Sơ chế và làm sạch nha đam
- Các bạn lưu ý, nhựa nha đam khá độc, lõi nha đam cũng nhớt nên để món thạch đảm bảo sạch và ngon, cần thiết phải sơ chế nha đam thật cẩn thận. Chọn nha đam còn tươi, chắc, không dập nát hoặc bị sẹo. Rửa sạch lá nha đam trước khi bắt đầu sơ chế.
- Cắt lá nha đam thành các khúc dài khoảng 4-5cm để dễ cắt bỏ phần vỏ nha đam. Cắt hai rìa có gai của lá. Cắt bỏ phần vỏ cứng màu xanh. Bạn cần cắt sạch phần vỏ này vì nó có vị đắng.
- Phần nha đam sau khi đã bỏ sạch vỏ rửa thật sạch nha đam dưới vòi nước chảy cho tới khi sờ tay không còn thấy nhớt. Để nha đam ráo nước. Thái nha đam thành những miếng nhỏ như hạt lựu. Bạn đừng thái nhỏ quá vì nha đam còn ngót đi trong quá trình chế biến.
- Nha đam thái hạt lựu sau khi đã rửa sạch cần tiếp tục được ngâm nước muối để khử mùi và khử nhớt. Với 1kg nha đam nguyên liệu, bạn có thể dùng 0,5 lít nước, cho vào đó 1 thìa cà phê muối tinh sạch, vắt thêm 1 quả chanh nhỏ (nhớ loại bỏ hạt chanh). Ngâm nha đam với dung dịch muối chanh khoảng 15 phút. Bạn không nên bỏ quá nhiều muối hoặc dùng nhiều chanh hoặc ngâm quá lâu vì sẽ làm nha đam mặn hoặc chua và bị mềm quá. Sau khi ngâm 15 phút, bạn lại rửa sạch nha đam và để ráo nước.
Bước 2: Chần nha đam
- Đun khoảng 0,4 lít nước cho thật sôi. Đổ nha đam vào chần qua. Bạn cần để lửa ở mức to nhất để nồi nha đam sủi trong vòng 1 phút (nếu để lửa nhỏ hoặc sôi lâu, nha đam sẽ bị nhũn). Sau đó, đổ nha đam ra rổ và rửa ngay dưới vòi nước sạch. Để ráo. Đây là bước cuối cùng để loại bỏ toàn bộ nhựa nha đam.
Bước 3: Ướp đường
- Nếu bạn sử dụng đường phèn có dạng cục lớn thì phải tán nhỏ hoặc hòa tan đường trước khi thực hiện bước này. Trộn 1 lạng đường phèn với một ít đá viên sạch. Lượng đường có thể được điều chỉnh tùy theo khẩu vị của mỗi người.
- Đổ nha đam vào hỗn hợp trên. Đường phèn sẽ tan dần và ngấm vào nha đam. Đá lạnh sẽ giúp miếng nha đam giòn hơn. Ngâm nha đam khoảng 1 tiếng và sau đó để vào tủ lạnh để dùng dần.
Bước 4 : Thành phẩm
- Thạch nha đam sau khi hoàn thành cần đảm bảo sạch, không có mùi hăng, không nhớt, vẫn giữ được độ giòn. Nha đam có vị ngọt vừa, thanh mát. Thạch nha đam cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và có thể để được trong vòng 5 ngày.
- Tuy thạch nha đam rất ngon và tốt nhưng bạn không nên ăn quá nhiều. Liều lượng thích hợp là từ 10g-20g mỗi ngày, dùng lâu dài với liều lượng thấp như vậy thì không có hại bạn nhé!
Bạn có thể ướp đường phèn với đá và chia làm 2 vị:
- Màu xanh: vị trà xanh
- Màu vàng: vị chanh leo
Có thể ăn thạch không, thêm một chút đá nếu thích, hoặc ăn thạch nha đam với sữa chua, cũng rất tuyệt vời.

10. Canh nha đam thịt bò
Nguyên liệu:
Chọn một bẹ nha đam căng mọng, tránh bị dập.
100 gr thịt bò bắp
Hành ngò và các loại gia vị.

Cách làm: 
- Lưu ý: chế biến nha đam cần sự tỉ mỉ để loại bỏ chất nhớt và vị đắng từ lớp vỏ.
- Gọt bỏ lớp vỏ ngoài, cắt nha đam thành từng đoạn, rửa qua với nước lạnh cho bớt chất nhớt. Trụng nhanh nha đam qua nước sôi có bỏ chút muối. Sau đó bỏ vào đá lạnh là cách hiệu quả nhất để loại bỏ chất nhớt mà vẫn đảm bảo lượng dinh dưỡng quý.
- Thái nha đam thành lát nhỏ hơn hoặc cắt hạt lựu tùy thích. Ướp thịt bò với chút bột nêm, muối, dầu ăn. Cho thịt đã ướp khoảng 10 phút vào nước đun sôi, vớt bọt, nêm gia vị.
- Trút nha đam vào vài phút cho vừa chín tới, nêm gia vị lại lần nữa, cho hành ngò vào và tắt bếp.
- Canh nha đam thơm mát còn có tác dụng trị rôm sảy cho trẻ nhỏ. Nên ăn canh từ một đến hai lần trong tuần đều đặn giúp da trẻ mịn màng hơn.

11. Súp nha đam hải sản
Nguyên liệu:
100g nha đam
100g tôm
100g mực
1 quả trứng gà
500ml nước dùng gà
Gia vị: Hành khô, bột năng, ngò, muối, nước mắm, hạt nêm, đường, tiêu

Cách làm:
- Sơ chế các nguyên liệu: Nha đam gọt bỏ vỏ, rửa kỹ với nước và muối, xả nhiều lần cho bớt nhớt, cắt hạt lựu. Tôm, mực hấp chín, cắt hạt lựu. Trứng đánh tan.
- Nấu nước dùng gà cho sôi, thả lần lượt nha đam, mực tôm, đợi sôi thêm khoảng 3 phút thì cho vào nồi bột năng đã hòa với nước nguội để tạo độ sệt và sánh cho súp.
- Nêm nếm vừa ăn, khuấy trứng đã đánh tan vào nồi súp một cách nhanh tay để tạo sợi. Nếu thích ăn béo bạn có thể thêm hành phi vào súp. Thêm ngò và hạt tiêu.


Chúc bạn thành công với 10 món nha ngon tuyệt này nhé! 



Girlandlittlething
(Sưu tầm) 

0 comments :