Đơn giản, thơm ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng, hãy vào bếp nấu nồi cháo nóng hổi ngay thôi nào!
1. Cháo thịt bò
Nguyên liệu:
- 200g gạo tẻ
- 150g gạo nếp
- 400g thịt bò
- 700g xương lợn
- Hành hoa, rau mùi
- Nước mắm, hạt tiêu
Cách làm:
- Trộn gạo tẻ và gạo nếp, đem vo đãi sạch, để ráo nước.
- Xương lợn rửa sạch, cho vào nước đun sôi, hớt hết bọt, lọc lấy nước trong.
- Trút gạo vào nước xương, để sôi lăn tăn cho cháo dừ và sánh.
- Thịt bò lọc hết gân, màng, băm nhỏ, ướp mắm muối, hạt tiêu, hành.
- Khi cháo chín dừ, đổ thịt bò vào khuấy đều, bắc ra nêm nước mắm.
- Cho hành tươi, rau mùi thái nhỏ vào bát, múc cháo đổ lên trên ăn nóng.
2. Cháo thịt băm
Nguyên liệu:
160g gạo tẻ
200g thịt nạc thăn
2 quả trứng bắc thảo
Tỷ lệ nước và gạo là 1:18
Bột mì
Gia vị: Gừng, hạt nêm, muối, dầu
Cách làm:
- Vo sạch gạo rồi cho khoảng nửa muỗng muối và một muỗng dầu ăn vào, trộn đều để nghỉ khoảng 20 phút.
- Rửa sạch thịt rồi thái lát mỏng, thêm muối, bột mì, và ít dầu ăn vào, trộn đều, để ướp một lúc.
- Chuẩn bị một nồi đất sét, cho nước vào, đun sôi. Sau đó, bạn cho gạo vào, đun với lửa lớn.
- Đến khi nước trong nồi sôi thì giảm nhỏ lửa đun trong khoảng 1 tiếng đồng hồ cho gạo nhừ, không cần đậy nắp quá kín, tránh bị trào ra ngoài. Sau đó, bạn tắt bếp, cho thịt vào khuấy đều rồi đậy nắp, om trong 10 phút.
- Bóc bỏ vỏ trứng bắc thảo, cắt nhỏ rồi cho chung vào nồi, nêm nếm thêm với ít hạt nêm cho vừa ăn.
- Trước khi dùng, bạn xắt gừng thành nhiều sợi nhỏ và rắc thêm ít hành lá xắt nhỏ bên trên vừa tạo mùi thơm vừa làm cho món ăn thêm bắt mắt.
3. Cháo thịt gà đậu xanh
Nguyên liệu:
- 1/2 bát con gạo tẻ
- 1/4 bát con gạo nếp
- 1/2 con gà hoặc 2-3 đùi gà lớn
- 1/4 bát con đỗ canh còn lẫn vỏ
- Muối, hạt nêm, nước mắm, hành lá, rau mùi, hạt tiêu, hành khô.
Cách làm:
Bước 1: Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm đỗ xanh qua đêm hoặc 4 - 5 tiếng. Đỗ xanh sau ngâm, cho vào nồi, thêm nước lạnh, đun đến khi hạt đỗ nở bung và mềm, để tiết kiệm thời gian bạn có thể đun đỗ xanh bằng nồi áp suất.
Bước 2: Thịt gà rửa sạch, cho thịt gà vào nồi, thêm hành khô nướng, đun sôi, nêm vào một ít muối. Đun đến khi dùng đũa đâm xuyên nhẹ qua miếng thịt gà thấy phần máu đỏ không còn chảy ra thì gà chín, vớt gà ra đĩa, để nguội, phần nước dùng để dành nấu với cháo, còn phần thịt xé nhỏ.
Bước 3: Gạo tẻ, gạo nếp đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, để ráo. Dùng nồi nhỏ, phi hành khô thơm cho phần gạo ở bước 1 vào rang, rang từ 5 đến 8 phút đến khi hạt gạo săn lại.
Bước 4: Cho phần nước dùng đã luộc gà ở bước 2 vào nồi gạo, đun sôi, lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng muôi gỗ khuấy để gạo không bị dính đáy nồi.
Bước 5: Đun đến khi phần gạo nở mềm, cho tiếp phần đỗ xanh, thịt gà đã xé vào đun cùng, lửa nhỏ, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Đun tiếp từ 15 đến 20 phút, bạn tắt bếp, thêm hành lá, rau mùi thái nhỏ vào. Múc ra bát, rắc một ít hạt tiêu lên bề mặt, dùng nóng với quẩy nóng. Nếu dùng đỗ xanh đã xát vỏ thì thời gian đun nhanh hơn, nhưng không bổ dưỡng bằng.
4. Cháo sườn
Nguyên liệu:
400g sườn thăn
300g bột gạo tẻ
Quẩy chiên giòn
Cách làm:
- Bột gạo tẻ đem ngâm với khoảng 400ml nước, bạn cần đổ từ từ nước vào bột để tránh bột bị vón cục. Khuấy đều cho đến khi hỗn hợp đồng nhất. Ngâm bột gạo trong khảng 30 phút.
- Trong lúc ngâm bột gạo, bạn luộc qua sườn. Khi sườn vừa bắt đầu sôi thì đổ ra rổ, xả sạch dưới vòi nước mạnh.
- Cho sườn vào nồi, cho hạt nêm và gia vị vào, đảo đều rồi thêm nước ninh nhừ, để tiết kiệm thời giạn bạn có thể cho vào nồi áp suất cho nhanh.
- Sau khi sườn nhừ, bạn từ từ đổ phần bột gạo vào. Vừa đổ vừa khuấy đều tay.
- Đun cho đến khi hỗn hợp sôi trở lại thì tắt bếp. Để nguyên cháo trong nồi chừng 10 – 15 phút để bột gạo có thời gian nở.
- Sau đó đun sôi trở lại, nếm lại xem cháo đã vừa miệng chưa. Nếu bạn thích dậy mùi có thể thêm 1 chút nước mắm cũng được. Sau đó múc cháo sườn ra bát, thêm quẩy cắt nhỏ lên trên và rắc chút hạt tiêu xay nếu muốn.
5. Cháo gà nấm
Nguyên liệu:
1 chén gạo
2 tép tỏi
1 củ gừng tươi
3 cây nấm hương
500g thịt gà
½ muỗng canh muối
1/3 chén đậu phộng rang
1 muỗng canh nước tương
1 muỗng canh dầu mè
Hành lá, rau ngò,…
Cách làm:
- Chuẩn bị: tỏi giã nhỏ, gừng vànấm cắt mỏng, thịt gà chặt thành từng khúc.
- Cho gạo vào nồi cơm điện (hoặc nồi áp suất), tiếp đến xếp nấm, gừng cùng tỏi và xếp gà lên trên cùng. Sau đó bạn đổ thêm 1,5 đến 2 lit nước vào nồi rồi cắm điện, nhấn nút nấu.
- Khi hơi nước bắt đầu thoát ra nhiều thì bạn rút dây cắm điện, để tầm 15 phút thì mở nắp, khuấy đều rồi gắp thịt gà ra xé nhỏ.
- Cho thịt gà xé vào lại nồi cháo, nêm nếm gia vị cùng với muối, hạt nêm, nước mắm cho vừa ăn rồi cắm điện, nhấn nút nấu cho sôi lại là được.
- Múc cháo ra tô, rắc lên chút đậu phộng rang giã nhỏ, hành ngò thái rối, nước tương, dầu mè. Việc cuối cùng là thưởng thức tô cháo nóng hổi, thơm ngon!
6. Cháo kê thịt gà
Nguyên liệu (cho 4 người ăn):
- ½ con gà
- 2 phần kê, 1 phần gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp.
- Hành lá, gia vị…
Cách làm:
Bước 1: Gà rửa sạch, cho vào nồi luộc chín.
Bước 2: Gạo tẻ và gạo nếp vo sạch, để ráo.
Bước 3: Kê nhặt sạch sạn và vo sạch.
Bước 4: Gà chín vớt ra để nguội. Nấu gạo tẻ, gạo nếp và kê với nước dùng gà vừa luộc.
Bước 5: Thi thoảng đảo đều gạo và kê vì nếu không đảo thường xuyên kê dễ bén đáy nồi, làm cháo bị khê.
Bước 6: Thịt gà nguội xé nhỏ, thái nhỏ hành vừa ăn.
Bước 7: Cháo chín, nêm nếm gia vị vừa miệng ăn, múc ra bát, thêm thịt gà và hành lá thái nhỏ rắc lên trên.
7. Cháo tim mề gà
Nguyên liệu:
100gr mề gà
100gr tim gà
2 hoặc 3 miếng má đùi gà
100gr giá
100gr nấm bào ngư
1 nắm gạo tẻ, 1 nắm gạo nếp
Hành, gừng, chanh ớt
Cách làm:
- Gạo rang cho vàng. Cho nước vào chừng 3 lóng tay.
- Giá đỗ và nấm rửa sạch. Nấm bào ngư xé sợi nhỏ. Tim và mề gà bóp muối rửa sạch. Thịt gà rửa sạch.
- Cho thịt gà vào để nhỏ lửa đến khi thịt chín thì vớt ra để nguội xé nhỏ.
- Khi cháo sôi cho hành và gừng vào, nêm vào trong cháo 1 muỗng hạt nêm gà, 1 muỗng muối, 2 muỗng đường, nếm sao cho hợp khẩu vị.
- Nấm bào ngư cho lên chảo xào cho vừa chín, trút nước vào trong nồi cháo.
- Phần nấm để riêng.
- Tim và mề gà xào chín với toỉ để khử mùi, trút lại vào nồi cháo khi cháo đã chín, và để sôi chừng 5 phút là tắt bếp, đun lâu mề gà sẽ teo lại và dai mất ngon.
- Cho giá đỗ vào tô, múc cháo vào, xếp thịt gà và nấm lên, thêm ít hành lá; hành phi cùng chút tiêu cay, ăn nóng vừa ăn vừa xuýt xoa rất ngon
8. Cháo lòng tiết lợn
Nguyên liệu:
- 1 kg xương lợn
- Một ít tôm khô, củ cải
- 1/2 bát con gạo tẻ
- 1/4 bát con gạo nếp
- 1 bát tiết lợn vừa ăn
- 1 cái lưỡi lợn, gan
- Tim lợn, lòng, dạ dày, dồi chiên, bạn có thể điều chỉnh liều lượng tùy theo sở thích
- Muối, hạt nêm, hạt tiêu, giấm
- 1 nhánh gừng nhỏ
- Hành lá, giá, chanh, ớt quả.
Cách làm:
Bước 1: Xương lợn rửa sạch cho chút muối nấu sôi, để yên trong nồi chừng 10 phút, đổ ra rửa sạch. Xong cho sườn vào nồi và ninh với củ cải trắng đã gọt vỏ. Tôm khô rửa nước nóng cho bớt mùi, rồi xả lại nước lạnh thả vào nồi nước dùng
Bước 2: Gạo nếp, gạo tẻ đãi sạch để lên rổ cho ráo nước, tiếp theo cho gạo vào chảo rang sơ.
Bước 3: Lưỡi lợn rửa sạch, đun nồi nước sôi thêm vào một ít giấm, chần sơ qua nước sôi, vớt ra cạo sạch phần bẩn dưới lưỡi lợn, rửa lại cho thật sạch, tiếp theo đổ nước vào nồi luộc chín lưỡi. Tim lợn, bao tử, gan, lòng rửa sạch với giấm và muối, đổ nước ngập mặt tim, dạ dày, gan, lòng cho vào nồi luộc chín.
Bước 4: Phần gạo nếp sau khi rang thơm, phần nước dùng bạn có thể lọc lấy thịt bỏ xương, sau đó cho gạo vào đun cùng với nước dùng.
Bước 5: Tiết lợn rửa sạch, luộc sơ, cắt thành từng quân cờ nhỏ.
Bước 6: Hành lá rửa sạch, thái nhỏ. Gừng cạo vỏ, thái sợi. Giá, ớt quả rửa sạch.
Bước 7: Nồi cháo sau khi gạo nở đều và mịn, nêm gia vị vừa ăn, bạn cho tiết lợn và một ít gừng vào ninh cùng, ninh khoảng 15 phút, tắt bếp.
Bước 8: Phần lưỡi lợn, dồi chiên, dạ dày, gan, tim, xếp ra đĩa.
Bước 9: Khi dùng, múc cháo ra bát lớn, bên trên xếp lưỡi, gan, hay thêm dồi chiên, dạ dày, tim tùy theo sở thích của bạn, rắc một ít hạt tiêu, và thêm hành lá, gừng thái sợi, dùng nóng với quẩy, giá và ớt quả.
9. Cháo bầu dục
Nguyên liệu:
- 200g gạo tẻ
- 50g gạo nếp
- 1kg xương lợn
- 500g bầu dục
- Mắm muối, hạt tiêu, mỳ chính
- Rau mùi, hành hoa
Cách làm:
Bước 1: Gạo tẻ và nếp trộn lẫn với nhau, vo sạch rồi dội lại, để ráo nước và đem giã dập.
Bước 2: Xương lợn rửa sạch, ghè vỡ, cho vào nồi đun sôi, hớt bọt. Sau đó ninh kỹ, lọc lấy nước trong.
Bước 3: Hòa gạo vào nồi nước lạnh khuấy đều, trút từ từ vào nồi nước dùng đã lọc. Để sôi lăn tăn cho cháo nhừ, sánh.
Bước 4: Cho mắm, muối, mỳ chính vào khuấy đều.
Bước 5: Bầu dục lạng đôi, bỏ chỗ hoi, thái miếng mỏng rồi ngâm vào nước lạnh, rửa sạch, vớt ra để ráo.
Bước 6: Khi ăn cho bầu dục vào cùng cháo đun thêm chút nữa nếu muốn ăn nhừ rồi đổ ra bát, rắc rau mùi, hành hoa lên trên. Hoặc nếu chỉ ăn chín tái, cho sẵn bầu dục vào bát rồi đổ cháo nóng lên trên.
10. Cháo trứng
Nguyên liệu:
Gạo nếp: 100 gam
Gạo tẻ: 1 nắm nhỏ
2 quả trứng gà ta.
Hành lá.
Gia vị: Muối, nước mắm, hạt tiêu.
Cách làm:
- Gạo đem vo sạch rồi cho vào nồi nấu thành cháo chín nhừ
- Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.
- Trứng gà đập ra, cho vào tô, rắc thêm hành lá đã cắt, đánh thật đều tay.
- Khi cháo chín, nêm gia vị nước mắm, bột nêm cho vừa miệng rồi cho phần trứng đã đánh vào khuấy đều cho đến khi trứng chín.
- Múc cháo ra bát, rắc thêm chút hạt tiêu là có thể thưởng thức.
11. Cháo trứng vịt lộn
Nguyên liệu:
- 1 bát gạo
- Trứng vịt lộn, số lượng tùy thuộc sở thích của bạn
- Rau răm
- Dầu ăn, muối, bột nêm, hạt tiêu
Cách làm:
- Gạo rang vàng trên bếp, đảo đều tay, lửa nhỏ, khi nào gạo chuyển sang màu vàng và có mùi thơm thì được. Rang gạo lên để khi nấu cháo hạt không bị sệt, ăn dễ ngán.
- Cho nước vào nấu lên, để lửa nhỏ. Khi nấu, chú ý quấy cháo đều tay. Nấu trên bếp khoảng 30 phút, ăn thử nếu thấy chín là được.
- Đập trứng vịt lộn sống vào nồi cháo, cho thêm dầu ăn, muối, bột nêm.
- Đun sôi lại để trứng chín.
- Khi ăn, cho cháo ra bát, thêm rau răm và hạt tiêu lên trên.
12. Cháo trứng bắc thảo thịt băm
Nguyên liệu:
- 1/2 bát con gạo thơm
- 200g thịt nạc xay
- 2 quả trứng vịt bách thảo
- Hành, mùi, tiêu.
Cách làm:
- Gạo vo sạch cho vào nồi nấu cùng ít muối, nước sôi hạ lửa nhỏ thỉnh thoảng khuấy đều cho cháo khỏi sát nồi. Nấu cho đến khi hạt cháo nở đều.
- Thịt nạc xay ướp hành tiêu, hạt nêm, nước mắm để cho thịt thấm gia vị. Khi cháo bắt đầu nở đều thì chuẩn bị chảo nóng với ít dầu và phi thơm hành cho thịt vào xào cho thơm. Thịt chín cho tất cả vào nồi cháo nấu cùng và nêm nếm lại cho vừa khẩu vị gia đình. Để sôi thêm 5 phút nữa cho thịt ra chất ngọt quyện cùng với cháo thì tắt bếp.
- Múc cháo ra tô, cho trứng bách thảo đã cắt lát lên trên cùng với hành, mùi và ít tiêu. Nếu có thêm miếng quẩy ăn cùng nữa thì càng tuyệt.
13. Cháo bắp bò hạt sen
Nguyên liệu:
- 500g thịt bò bắp, có thể dùng bắp chân trước của thịt bò
- 150g hạt sen
- 1/3 bát con gạo tẻ
- 1/4 bát con đỗ canh đã cà vỏ
- Muối, hạt nêm, rau răm, hành hoa, rau mùi và tiêu.
Cách làm:
Bước 1: Bắp bò rửa sạch, để vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 30 - 45 phút cho thịt hơi se cứng lại, sau đó lấy ra thái lát vừa ăn.
Bước 2: Sau đó đổ nước lạnh ngập mặt thịt, thêm hai thìa nhỏ muối, đun sôi, ninh thịt bò đến khi mềm. Nếu cạn nước bạn châm vào một ít nước lọc.
Bước 3: Đỗ xanh đãi vài lần với nước cho sạch, ngâm đỗ khoảng 30 phút đến 1 tiếng trong nước ấm.
Bước 4: Hạt sen khô rửa sạch, nếu dùng sen tươi bạn nhớ bỏ hết tâm sen cho sạch, đun nồi nước sôi, thả hạt sen vào đun khoảng từ 15 - 20 phút thì cho đỗ xanh vào đun cùng đến khi đỗ xanh và hạt sen mềm.
Bước 5: Gạo đãi sạch, để lên rổ cho ráo nước.
Bước 6: Đun nóng chảo, đổ gạo vào rang đến khi hạt gạo se lại. Tiếp theo đổ gạo vào nồi nhỏ, đổ nước lạnh xâm xấp với mặt gạo, đun sôi đến khi hạt gạo nở bung ra, bạn đổ phần hạt gạo đã nở bung ra rổ, đổ bỏ phần nước lạnh đun cùng với gạo.
Bước 7: Sau đó bạn đổ phần thịt bò bắp và nước dùng đã ninh thịt bò, thêm đỗ xanh, hạt sen vào nồi lớn, thêm gạo (lấy luôn phần nước đã đun đỗ xanh và hạt sen), đun sôi, nêm nếm gia vị lại tùy theo sở thích của bạn, đun lửa nhỏ đến khi hạt gạo mềm.
Bước 8: Rau răm, hành hoa, rau mùi rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 9: Cuối cùng, tắt bếp, thêm rau răm, hành hoa, rau mùi thái nhỏ vào nồi cháo, tắt bếp, múc ra bát, rắc một ít hạt tiêu lên bề mặt, dùng nóng.
14. Cháo hải sản
Nguyên liệu:
- 1 bát con cơm trắng (bạn có thể tận dụng phần cơm nguội từ bữa trước)
- 4 cây nấm đông cô khô
- 50g ngô hạt đã luộc chín
- 6 con tôm
- 1 nhánh gừng nhỏ
- Vài cọng hẹ
- Gia vị: 1/4 muỗng cà phê hạt tiêu trắng; 1/4 muỗng cà phê đường; 1 muỗng cà phê muối; 1/4 muỗng cà phê thịt gà (hoặc thịt lợn cũng được) băm nhỏ; 1/4 muỗng cà phê dầu mè.
Cách làm:
Bước 1: Nấm ngâm với nước ấm khoảng 2 giờ cho nở. Tôm luộc sơ, lột vỏ, cắt bỏ đầu. Ướp tôm với một chút tiêu, đường và gừng trong khoảng 10 phút rồi thái nhỏ. Nấm rửa sạch, thái sợi nhỏ.
Bước 2: Đun sôi nồi nước, đổ bát cơm vào rồi khuấy đều, chờ sôi lại rồi vặn nhỏ lửa, đun trong khoảng 25 phút. Thông thường, mọi người hay dùng nước lạnh để nấu cháo, nhưng bạn nên dùng nước nóng bởi dùng nước nóng để nấu thì cháo không chỉ không dính nồi mà còn tiết kiệm thời gian nấu hơn cách nấu thông thường.
Bước 3: Khi hạt cơm nở mềm, hạt hơi dính lại thì đổ nấm vào, nấu trong 5 phút.
Bước 4: Đổ ngô, tôm và gừng vào đảo đều, tiếp tục đun nhỏ lửa. Bạn chớ coi thường sự chuyển đổi lửa to hay nhỏ nhé. Nhớ vặn đúng lửa thì cháo mới ngon.
Bước 5: 2 phút sau thêm muối, thịt gà và dầu vừng vào khuấy đều. Khuấy cũng phải có kỹ thuật: Lúc đổ cơm vào thì khuấy vài vòng rồi đậy nắp nồi, cho đến khi chuyển nhỏ lửa, nấu khoảng 10 phút thì khuấy không ngừng cho đến khi cháo sệt lại mới ngừng. Khuấy đều giúp cháo keo lại, từng hạt cháo trông no tròn và dẻo hơn đấy!
Chia sẻ kinh nghiệm:
- Nấm cần phải ngâm bằng nước ấm để nở hoàn toàn. Nếu không đủ thời gian nấm không kịp nở lại có mùi hôi.
- Ướp tôm trước sẽ làm cho tôm ngon và đậm đà hơn.
- Khi cho gạo vào nồi, bạn nên nấu trên lửa nhỏ và không đậy nắp để tránh tràn.
15. Cháo cá
Nguyên liệu:
- Cá (trắm, chép hoặc rô phi): 600g
- Hành củ: 50g
- Thì là, rau răm, rau mùi, gia vị
Cách làm:
Bước 1: Luộc chín cá sau đó gắp cá ra đĩa để nguội rồi gỡ thịt, để riêng. Ướp thịt cá với một chút gia vị cho ngấm.
Bước 2: Vo gạo rồi đổ vào nồi nước vừa luộc cá, đặt lên bếp, đun sôi rồi vặn nhỏ lửa để cháo nhừ.
Bước 3: Hành củ thái lát mỏng rồi cho vào chảo phi thơm vàng cùng dầu ăn rồi đổ hành ra đĩa.
Bước 4: Dùng chảo vừa phi hành cho cá vào đảo đều, đến khi cá săn lại có màu vàng nhạt thì tắt bếp.
Bước 5: Nêm nếm gia vị thêm vào nồi cháo cho vừa ăn. Hành tươi, thì là thái nhỏ. Múc cháo nóng ra bát, cho cá đã xào chín vào, rắc hành, tiêu xay vào bát cháo cho thơm và mời mọi người thưởng thức.
16. Cháo cá hồi bí đỏ
Nguyên liệu:
- Xương cá hồi chưa chế biến: 0.5kg
- Bí đỏ: 0.5kg
- Gạo, hành lá, mắm muối…
Cách làm:
Bước 1: Xương cá hồi mua về bạn rửa sạch với chút dấm, đem chần với nồi nước sôi có thả vài lát gừng để khử bớt mùi tanh của cá. Sau đó gỡ riêng phần thịt cá và phần xương.
Bước 2: Cho gạo, xương cá vào nồi, đổ ngập nước và đun sôi rồi sau đó hạ nhỏ lửa để nồi cháo sôi lăn tăn cho nhừ. Có thể nấu bằng nồi cơm điện để tiết kiệm thời gian.
Bước 3: Bí đỏ, hành rửa sạch. Bí thái miếng vuông, hành lá thái nhỏ.
Bước 4: Phần thịt cá, bạn có thể xào với chút dầu ăn và cà chua, hoặc sao khô thành ruốc cá. Ở đây mình sao khô với một chút muối, chút nước mắm và chút xíu đường. Nếu thích ruốc thơm hơn nữa bạn có thể sao với vài lá chanh rửa sạch thái nhỏ, ruốc sẽ rất thơm.
Bước 5: Ruốc sao đến khi thấy không còn hơi nước bốc lên, đảo thấy nhẹ tay và phần thịt cá nhìn bông lên thì tắt bếp.
Bước 6: Khi thấy gạo trong nồi đã nhừ, nở hết thì vớt xương cá ra, cho bí đỏ vào nồi đun cho sôi lại rồi vặn nhỏ lửa để cháo và bí nhừ. Cháo bí đỏ cá hồi nhừ thì đảo đều, ngoáy nhẹ nhàng để cháo được nhuyễn, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp. Múc cháo bí đỏ cá hồi ra bát và cùng cả nhà thưởng thức.
17. Cháo ngao
Nguyên liệu:
- 1.5 kg ngao
- Gạo 1/2 bơ sữa bò trong đó 1/2 nửa gạo nếp, 1/2 gạo tẻ
- Hành khô, hành lá, rau răm
- Muối, tiêu, gia vị
Cách làm:
- Gạo vo sạch rồi ngâm nước qua đêm. Nếu muốn cháo thơm hơn bạn rang gạo trước khi ngâm. Gạo sau khi ngâm cho ra rổ cho ráo nước.
- Ngao mua về ngâm vào nước lạnh khoảng 15 phút cho ra bớt sạn. Cho ngao vào nồi luộc chín cùng chút muối. Đến khi ngao mở miệng thì tắt bếp.
- Vớt ngao ra rổ, gỡ lấy phần thịt ngao, ướp với chút mắm, tiêu, hạt nêm, dầu ăn, để cho ngao thấm gia vị. Nước luộc ngao chắt lấy phần nước trong, lọc bỏ phần sạn ở đáy nồi.
- Cho nồi nước ngao lên trở lại bếp, đổ gạo vào, bật lửa lớn, đậy vung kín đến khi sôi, hạt gạo nở bung lên. Kiểm tra nồi cháo nếu thấy ít nước thì châm thêm ít nước sôi vào nồi, nêm ít muối cho vừa miệng. Để lửa nhỏ liu riu đun đến khi gạo chín nhừ thành cháo. Thỉnh thoảng lấy đũa khuấy đều để tránh cháo bám vào đáy nồi bị cháy.
- Đun nóng dầu ăn phi thơm hành khô xắt lát nhỏ. Trút hành ra đĩa để nguội rồi cho phần thịt ngao vào xào săn, thịt ngao để ăn với cháo nên xào hơi mặn một chút. Hành lá, rau răm rửa sạch thái nhỏ.
- Cháo chín múc ra bát, rắc hành lá, rau răm, hành phi, thêm thịt ngao xào săn, rắc tiêu, ớt bột (nếu thích) ăn nóng rất ngon.
18. Cháo tôm
Nguyên liệu:
- Gạo tẻ ngon
- Tôm lột vỏ: 150-200g
- Nấm kim châm (hoặc nấm rơm, nấm tuyết) tùy thích: 200 g; hành khô: 1 củ
- Bột nghệ: 1 thìa cà phê; hành, răm, rau mùi: 1 ít
- Gia vị, nước mắm ngon, bột nêm, mì chính, dầu ăn
Cách làm:
Bước 1: Gạo tẻ vo sạch, ngâm trong nước khoảng 45-60 phút. Gạo sau khi ngâm vớt ra để ráo cho vào nồi áp suất ninh nhỏ lửa cho gạo nở chín mềm.
Bước 2: Tôm bóc vỏ rửa sạch, dùng cối giã dối.
Bước 3: Phi thơm hành khô với dầu ăn, cho tôm vào xào, thêm thìa mắm ngon, 1 thìa bột nghệ rồi đảo đều. Thấy thịt tôm săn lại tắt bếp chút tôm xào ra bát con.
Bước 4: Nấm kim châm cắt bỏ chân nấm, cắt làm 2 hoặc 3 rồi cho ngâm nước rửa sạch, vớt ra rổ để ráo.
Bước 5: Khi thấy hạt cháo nở đều, mềm xúc ra nồi nhỏ, đun khoảng 4-5 phút, nêm nếm gia vị vừa miệng rồi cho tôm vào khuấy đều.
Bước 6: Khi gần ăn thì tiếp tục cho nấm vào khuấy đều lần nữa.
Bước 7: Hành, răm, mùi rửa sạch thái nhỏ, nêm chút mì chính. Tắt bếp múc cháo ra bát tô dùng nóng. Món cháo tôm nấm thơm ngon ấn tượng đã hoàn thành.
19. Cháo tôm nấm
Nguyên liệu:
- 200g nấm tuyết hay nấm rơm
- 400g tôm, bạn có thể thêm mực tùy theo sở thích của bạn
- 1/2 bát con gạo tẻ
- 1/4 bát con gạo nếp
- Muối, hạt nêm, rau mùi, hành lá, hành khô, hạt tiêu
Cách làm:
Bước 1: Tôm bóc nõn, rút chỉ đen trên lưng tôm cho sạch, rửa tôm lại với nước muối pha loãng, lau khô tôm, sau đó giã thô. Ướp vào tôm hành khô thái nhỏ, một thìa nhỏ muối, ít hạt tiêu, trộn đều, ướp khoảng 20 phút.
Bước 2: Gạo nếp đãi sạch, ngâm vào âu nước lạnh, ngâm khoảng 2 tiếng. Sau khi ngâm, để lên rổ cho ráo nước.
Bước 3: Gạo tẻ đãi sạch, để lên rổ cho ráo nước.
Bước 4: Đun nóng chảo, đổ gạo nếp và gạo tẻ vào rang đến khi hạt gạo se lại thì tắt bếp.
Bước 5: Nấm tuyết rửa sạch, cắt bỏ chân, ngâm vào âu nước lạnh có pha một ít muối khoảng 15 phút, vớt ra rổ cho ráo nước.
Bước 6: Cho gạo nếp, gạo tẻ, thêm nước lạnh và một ít muối vào nồi, đun sôi lửa nhỏ đến khi hạt gạo chín mềm.
Bước 7: Đun nóng nồi, thêm dầu ăn, phi hành thơm, cho tôm vào xào chín.
Bước 8: Cho nồi gạo đã đun chín mềm vào nồi tôm, đun lửa nhỏ, nêm gia vị vừa ăn, đun tiếp khoảng 15 phút. Cho nấm vào đun cùng khoảng 3 - 5 phút.
Bước 9: Tắt bếp, thêm rau mùi và hành lá đã thái nhỏ vào nồi. Múc ra bát, rắc một ít hạt tiêu lên bề mặt, dùng nóng.
20. Cháo mực khô
Nguyên liệu:
- 2-3 con mực khô to hơn bàn tay
- 1/2 bát con gạo tẻ
- 1/4 bát con gạo nếp
- Tiết lợn
- 1 củ gừng
- Hành lá, muối, hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm
- Hành khô, rượu trắng
- Ăn kèm với quẩy hoặc hột vịt bách thảo
- Giá đỗ.
Cách làm:
Bước 1: Mực khô rửa sạch, ngâm vào âu nước lọc có pha một ít rượu trắng khoảng 30 phút để mực mềm. Bạn có thể dùng râu mực để hầm với xương.
Bước 2: Trộn lẫn gạo tẻ và gạo nếp, vo sạch, để ráo. Cho một ít dầu ăn vào nồi nhỏ, phi hành thơm, cho hỗn hợp gạo vào rang sơ khoảng 5-7 phút.
Bước 3: Đổ nước lọc hay nước hầm từ xương vào nồi gạo rang, đun lửa nhỏ để hạt gạo chín mềm và nở.
Bước 4: Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái sợi. Giá đỗ rửa sạch, để ráo nước.
Bước 5: Mực khô sau khi đã ngâm mềm, rửa lại cho thật sạch, dùng kéo cắt sợi vừa ăn.
Bước 6: Đun nóng một ít dầu ăn, phi hành, gừng thơm, cho mực khô vào xào, rưới vào một ít nước mắm, đường.
Bước 7: Tiết lợn luộc sơ, cắt quân cờ vừa ăn.
Bước 8: Nồi gạo ở bước 3 sau khi ăn thử hạt gạo đã nở và mềm, bạn nêm vào nồi một ít muối và lần lượt cho mực khô đã xào ở bước 6 vào nồi.
Bước 9: Đun lửa thật nhỏ và dùng muôi khuấy nhẹ để hỗn hợp gạo không bị dính ở đáy nồi. Cho tiếp tiết lợn vào đun cùng, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, đun lửa nhỏ.
Bước 10: Đun đến khi nồi cháo vừa ý theo sở thích của bạn, tắt bếp thêm hành lá thái nhỏ vào. Múc cháo ra bát dùng kèm với quẩy hoặc hột vịt bách thảo, giá đỗ.
21. Cháo cua
Nguyên liệu:
2 con cua cỡ vừa, gạo, nước
Gia vị: Muối, tiêu trắng, hành lá, dầu hào
Cách làm:
Bước 1: Cua sống bạn đem rửa sạch rồi cắt làm đôi, bỏ phần mang và yếm cua.
Bước 2: Gạo vo sạch, cho vào nồi áp suất. Thêm một lượng nước gấp 3 lần gạo, thêm khoảng 2 thìa canh hạt nêm. Sau đó bạn cho cua vào.
Bước 3: Đậy kín nắp rồi bật bếp, đến khi thấy nồi xì hơi thì vặn lửa nhỏ rồi đun thêm khoảng 10 - 15 phút nữa. Cháo chín bạn nêm nếm lại với ít muối, dầu hào và hạt tiêu rồi tắt bếp, múc ra bát, trang trí thêm với vài cọng hành lá rồi dùng nóng.
22. Cháo hàu
Nguyên liệu:
400g thịt hàu sữa
1 chén gạo tẻ
1 nắm nếp
4 củ hành tím
150 g nấm rơm
100g cà rốt
Hành lá
Gia vị nêm cháo
Cách làm:
- Gạo tẻ và gạo nếp vo sạch, bỏ nước vào nấu cho nhừ.
- Hành tím thái lát nhỏ. Hành lá thái khúc nhỏ. Cà rốt gọt vỏ cắt hạt lựu. Nấm rửa sạch với nước muối loãng, nếu nấm to chẻ làm hai.
- Bỏ 1 thìa canh dầu vào chảo, thêm ½ cà phê hành tím vào xào cho hành dậy mùi thơm thì cho cà rốt vào xào cùng.
- Tiếp cho nấm rơm vào xào cho chín, nêm 1/2 muỗng cafe muối, mì chính.
- Cho 1 thìa canh dầu ăn vào chảo nóng, khi dầu nóng cho toàn bộ hành tím vào xào thơm, tiếp cho hàu xào cùng với lửa to. Xào nhanh trong vòng 2 phút thôi vì hàu sữa rất nhanh chín.
- Sau khi cháo nấu nhừ thì bỏ cà rốt và nấm xào vào cùng nồi cháo, nêm nếm gia vị cho vừa ăn thì thả hàu sữa đã xào vào và tắt bếp. Đem cháo hàu ra thố và rắc thêm một ít tiêu đen, hành lá và ăn thôi.
23. Cháo trai
Nguyên liệu:
- 1,5kg trai
- 1 bát nhỏ bột tẻ, 1/3 bát nhỏ bột nếp
- Hành lá, rau răm, 2 củ hành khô, 3 thìa nhỏ nước mắm, mì chính, ớt bột, hạt tiêu.
Cách làm:
Bước 1: Trai ngâm nước muối loãng từ 1-2 tiếng trước khi luộc. Sau đó cho 3 bát to nước vào luộc trai đến khi chín, giữ lại nước luộc trai.
Bước 2: Tách vỏ và làm sạch thịt trai, rồi thái miếng vừa miệng.
Bước 3: Hành củ ta thái nhỏ và chiên vàng
Bước 4: Tiếp theo, cho trai và nước mắm vào xào cùng, đảo đều tay khoảng 7 phút là được.
Bước 5: Bột nếp, bột tẻ đã chuẩn bị, hoà tan cùng 2 bát to nước trai luộc, cho vào xoong và cho thêm 1 thìa nhỏ dầu ăn cho không bị dính xoong.
Bước 6: Trong quá trình nấu cháo ta đảo liên tục đều tay và nấu vòng 20-30p là cháo chín, lấy 1/3 số trai đã xào cho vào nồi cháo, số còn lại đến khi ăn, cho vào bát.
Bước 7: Múc cháo trai ra bát ta cho; hành răm, trai đã xào, nêm thêm hạt tiêu và ớt bột và thưởng thức món cháo trai bổ dưỡng.
24. Cháo lươn
Nguyên liệu:
- 300g lươn
- 1/4 bát con gạo tẻ
- 1 nhúm đỗ xanh đã sát vỏ
- Nửa thìa nhỏ bột nghệ
- Hành khô, muối, hạt nêm, rau răm, hành hoa, rau mùi và tiêu
- Ớt bột và dấm.
Cách làm:
Bước 1: Lươn làm sạch, moi bỏ ruột, cho lươn ra rổ, thêm muối, dấm vào, dùng tay chà mạnh để lươn ra hết chất nhớt cho thật sạch, cắt thành từng khúc ngắn vừa ăn, để lươn lên rổ cho ráo nước.
Bước 2: Lọc lấy phần thịt lươn, phần xương bạn đem đun với nước lọc khoảng 30 sau đó lọc phần xương bỏ đi, giữ lấy phần nước để nấu cùng với cháo. Ướp vào bát lươn một thìa nhỏ muối, bột nghệ, hành khô, ớt bột trong vòng 30 phút. Đun nóng hai thìa nhỏ dầu ăn, phi hành khô thơm, cho lươn vào xào chín, múc ra bát để riêng.
Bước 3: Gạo tẻ đãi sạch, để lên rổ cho ráo nước.
Bước 4: Đỗ xanh đãi vài lần với nước cho sạch, ngâm đỗ khoảng 30 phút đến 1 tiếng trong nước ấm.
Bước 5: Đun nóng chảo, đổ gạo vào rang đến khi hạt gạo se lại.
Bước 6: Tiếp theo cho gạo, đỗ xanh và thêm nước đã ninh xương lươn, đun lửa nhỏ để gạo và đỗ xanh chín nhừ. Nêm vào nồi cháo một thìa nhỏ muối, nửa thìa nhỏ hạt nêm, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn.
Bước 7: Rau răm, hành hoa, rau mùi rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 8: Tắt bếp, thêm hành lá đã thái nhỏ vào nồi cháo.
Bước 9: Khi dùng múc cháo ra bát, bên trên thêm một ít lươn xào thơm, thêm rau mùi và rau răm, dùng nóng.
25. Cháo hến
Nguyên liệu:
- Hến: 1 kg
- Gạo tẻ: 100 g
- Gạo nếp: 1 nhúm nhỏ
- Hành, răm, tía tô: 1 ít
- Hành khô: 4 củ
- Gia vị: Bột canh, bột nêm, mắm ngon, mì chính
Cách làm:
Bước 1: Hến mua về ngâm với chút muối, ớt cho nhả hết bùn đất rồi cho lên bếp luộc cho hến chín hay đến khi hến mở miệng.
Bước 2: Nhặt từng con hến lấy thịt. Làm sạch hến và rửa lại cho sạch. Phần nước hến gạn qua lại lấy nước trong.
Bước 3: Hành khô bóc vỏ thái mỏng rồi phi giòn để riêng.
Bước 4: Hành, răm, tía tô rửa sạch, để ráo rồi thái nhỏ.
Bước 5: Phi thơm hành khô với chút dầu ăn cho hến vào xào, nêm một chút bột canh.
Bước 6: Gạo tẻ trộn cùng gạo nếp vo sạch rồi cho vào nồi áp suất ninh nhỏ lửa. Khi thấy cháo chín mềm xúc ra nồi nhỏ, chế phần nước ngao vào đun nhỏ lửa khoảng 5 phút hay đến khi thấy cháo có độ sánh.
Bước 7: Thêm thịt hến vào đun tiếp khoảng 3 phút, nêm chút mắm ngon cho vừa miệng.
Bước 8: Cuối cùng cho hành, răm, tía tô thái nhỏ vào nồi cháo khuấy đều lên. Nêm chút mì chính rồi múc cháo ra bát, rắc ít hành phi lên trên cùng ít hạt tiêu. Cháo hến dùng nóng rất ngon. Cháo ngọt, thơm rất bổ dưỡng chắc chắn cả nhà sẽ thích.
26. Cháo bào ngư
Nguyên liệu:
- 1 con bào ngư khoảng 150 gr
- 1/2 chén gạo
- 8-10 con tôm không vỏ; 1 muỗng cà phê dầu mè; 1 miếng gừng nhỏ thái sợi; 1 muỗng cà phê rượu nấu ăn muối; tiêu; bột nêm
Cách làm:
Bước 1: Bào ngư rửa sạch thái miếng. Tôm khứa lưng bỏ chỉ đen. Ướp vào tôm và bào ngư gừng, rượu và 1 chút xíu muối.
Bước 2: Gạo vo sạch, cho gạo, 1,5 lít nước; 1 chút muối; 1/2 muỗng cà phê dầu mè vào nồi bắc lên bếp nấi sôi. Hớt bọt. Nấu cho hạt gạo nở bung, nước hơi sánh với lửa vừa. Khi cháo đã có độ sánh như ý thì cho bào ngư, tôm cùng chút bột nêm và 1 chút đường phèn. Trộn đều nấu thêm khoảng 5 phút . Nêm nếm lại cho vừa ăn là tắt bếp. Cháo bào ngư cho ra tô, rắc hành và tiêu. Món này dùng nóng rất ngon.
27. Cháo vừng đen
Nguyên liệu:
- 80g gạo tẻ
- 1,5l nước
- 50g vừng đen
- 1 thìa cà phê muối, 1 muỗng canh mật ong (không bắt buộc)
Cách làm:
Bước 1: Ngâm gạo vài tiếng hoặc qua đêm. Sau đó bạn vo sạch rồi cho vào máy xay, xay nhuyễn với 500ml nước. Bạn có thể xay qua hoặc xay nhuyễn tùy theo ý thích.
Bước 2: Xay vừng thành dạng bột.
Bước 3: Đổ gạo xay vào nồi, thêm 500 - 600ml nước nữa.
Bước 4: Bạn bật to lửa đun đến khi sôi cháo thì vặn nhỏ bếp lại và ninh đến khi gạo nhừ hẳn. Trong khi ninh cháo, bạn nhớ khuấy thường xuyên để không bị cháy nồi.
Bước 5: Đổ vừng vào nồi cháo cùng với muối, khuấy đều. Cho thêm mật ong nếu muốn. Đổ cháo ra bát, ăn nóng
28. Cháo nấm
Nguyên liệu:
- 1 nắm gạo ngon
- 6-7 tai nấm hương
- Vài cái nấm bào ngư
- 4-5 cái nấm mỡ (nấm rơm)
- Hành, răm
Cách làm:
- Gạo vo sạch để ráo.
- Cho chút dầu ăn vào nồi, đổ gạo vào rang đến khi hạt gạo có màu đục thì cho nước vào ninh nhỏ lửa, cho thêm thìa hạt nêm.
- Chân nấm hương rửa sạch, vắt ráo, xé nhỏ (như ruốc) thả vào hầm cùng nồi cháo. Canh lửa nhỏ đến khi cháo dừ, hạt gạo nở tung.
- Nấm hương ngâm nước cho nở, xắt sợi nhỏ.
- Nấm rơm và nấm bào ngư rửa sạch bằng nước muối cũng xắt sợi nhỏ.
- Phi thơm đầu hành băm nhỏ, cho nấm vào xào với chút hạt nêm, mỳ chính.
- Khi cháo chín, thả nấm vào đảo đều, nêm nếm lại cho vừa miệng.
- Khi ăn múc ra bát, rắc hành răm thái nhỏ lên trên, rắc chút hạt tiêu.
29. Cháo ngô
Nguyên liệu:
- 200gr xương ống
- 1 bắp ngô ngọt
- 50gr ngô bao tử
- ½ bát gạo
- 100gr thịt băm
Cách làm:
Bước 1: Các bạn rửa sạch ngô rồi tách hết hạt ngô ra.
Bước 2: Cho lõi ngô và xương ống vào nồi hầm ít nhất là 1 tiếng.
Bước 3: Trong lúc chờ đợi thì mình thái ngô bao tử ra này.
Bước 4: Sau đó là bỏ gạo vào ngâm. Nếu muốn cháo có độ sánh dẻo nhiều thì các bạn nên thay một nửa gạo tẻ bằng gạo nếp.
Bước 5: Vớt bỏ lõi ngô và xương đã hầm ra rồi lọc lấy phần nước trong nghen.
Bước 6: Cho gạo vào nồi nước xương để nấu cháo. Đun đến khi nước sôi trở lại thì các bạn để lửa nhỏ hết cỡ và đun đến khi cháo nhừ.
Bước 7: Khi cháo đã gần được thì hòa thịt băm với một ít nước cho tan. Sau đó, đổ vào nồi cháo và khuấy đều.
Bước 8: Cho luôn cả ngô vào và đun thêm khoảng 15’ nữa là có thể ăn được rồi. Các bạn nhớ nêm nếm lại gia vi trước khi ăn đó!
30. Cháo bí đỏ đậu xanh
Nguyên liệu:
100g gạo nếp
150g đậu xanh nguyên vỏ
400g bí đỏ
120g đường
Chút xíu muối
Cách làm:
- Bí đỏ gọt vỏ, thái miếng to bản.
- Đậu xanh vo sạch, gạo vo sạch, để ráo nước.
- Đổ đậu xanh, bí đỏ, gạo nếp vào nồi. Thêm 1,5l nước vào đun sôi. Bạn nên cho vào nồi áp suất để bí đỏ nhanh nhừ.
- Ninh khoảng 30 phút, mở nồi cháo ra, dùng thìa gỗ lấy bí đỏ ra tô nghiền mịn, rồi đổ lại vào nồi cháo.
- Thêm đường và chút muối vào, khuấy đều lên, đun sôi trở lại. Đợi cháo nguội ăn sẽ ngon hơn.
31. Cháo đậu cà
Nguyên liệu cho 5 người ăn:
- 200g gạo tẻ
- 100g đậu đen
- 10 bìa đậu phụ Mơ
- Cà muối
- Hành lá
- Nước mắm.
Cách làm:
Bước 1: Đậu đen chọn loại đậu xanh lòng. Đậu đen rửa sạch, ngâm với nước ấm khoảng 2 tiếng.
Bước 2: Đậu đen sau khi ngâm đã nở mềm bạn vớt ra trộn với gạo. Cho đậu đen và gạo vào nồi, đổ nước ngập gấp 3 lần lượng gạo và đậu. Nhà mình dùng nồi cơm điện để nấu cho nhanh. Nếu dùng nồi cơm điện bạn chỉ cần đặt chế độ Cook đến khi sôi thì chuyển chế độ Warm trong khoảng 20 phút rồi tiếp tục đặt lại chế độ Cook thêm 1 lần nữa là được.
Bước 3: Hành lá rửa sạch, thái nhỏ. Pha loãng nước mắm bằng cách đơn giản nhất là pha 4 thìa canh mắm với 250ml nước lọc. Nếu muốn ăn vị chua ngọt bạn có thể thêm 1 thìa cà phê giấm và 1 thìa cà phê đường. Cho hành vào bát nước mắm nhạt đã pha.
Bước 4: Đậu cắt miếng vừa ăn, rán vàng. Đậu rán xong thả ngay vào bát nước mắm. Cháo và đậu để nguội. Khi ăn múc cháo ra bát, thêm vài miếng đậu đã ngâm mắm hành ăn kèm với cà muối.
32. Cháo đậu đỏ hạt sen
Nguyên liệu:
- 100g gạo
- 30g thịt muối
- 30g lạp xưởng
- 20g đậu đỏ; 20g hạt sen; 2g tôm; 2 cái nấm mỡ; 1 nhánh hành
Cách làm:
Bước 1: Gạo vo sạch. Đậu đỏ, hạt sen ngâm trong nước. Sau khi ngâm, dùng tăm lấy bỏ tâm sen. Lạp xưởng, thịt muối thái hạt lựu. Nấm rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 2: Đun sôi một nồi nước rồi cho gạo, hạt sen, đậu đỏ vào nồi nấu sôi. Trong một nồi khác, cho nước vào cùng thịt muối, lạp xưởng đun sôi rồi vớt tất cả ra. Thả vào nồi cháo đậu đỏ, nấu trong vòng 1 tiếng hoặc hơn nếu cần thiết. Trong quá trình nấu, bạn có thể thêm nước nếu cần. Khi cháo chín, nêm nếm thêm gia vị vừa miệng. Múc cháo ra bát, rắc tôm tôm khô, hành lá lên trên rồi thưởng thức!
33. Cháo thập cẩm chay
Nguyên liệu:
- 200g hạt sen khô
- 1 củ cà rốt
- 300g nấm hương
- 2 bìa đậu phụ rán vàng
- 1/4 bát con đỗ xanh đã xát vỏ
- 1/2 bát con gạo trắng
- Một nhúm gạo nếp
- Hành lá ba- rô, rau mùi, muối, bột ngọt (hoặc hạt nêm chay) và hạt tiêu.
Cách làm:
Bước 1: Cà rốt cạo vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu. Nấm hương cắt bỏ chân, rửa nấm hương qua nước muối pha loãng, sau đó rửa lại cho thật sạch, để lên rổ cho ráo nước.
Bước 2: Đậu phụ rán sẵn rửa sạch, thái hạt lựu lớn.
Bước 3: Gạo nếp và gạo vo sạch, để lên rổ cho ráo nước. Tiếp theo cho gạo vào nồi rang sơ đến khi hạt gạo se lại. Đỗ xanh đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm vào âu nước lọc, ngâm khoảng từ 1-2 tiếng, sau đó vớt ra rổ cho ráo nước.
Bước 4: Sau đó châm vào nồi gạo khoảng một bát con nước lọc và đỗ xanh, đun lửa nhỏ để gạo và đậu xanh chín mềm.
Bước 5: Đun đến khi hạt gạo nở bung và đỗ xanh mềm, bạn tắt bếp, để qua một bên.
Bước 6: Hạt sen khô mua về rửa sạch, nếu dùng hạt sen tươi bạn nhớ lấy bỏ tâm sen cho thật sạch. Đun tầm khoảng hai bát con nước lọc, đun thật sôi, thả hạt sen vào, thỉnh thoảng nhớ hớt bỏ bọt. Đun đến khi ăn thử thấy hạt sen mềm, bạn tắt bếp.
Bước 7: Đun nóng hai thìa nhỏ dầu ăn, phi đầu hành ba-rô phi thơm, đổ cà rốt, nấm vào đảo cùng khoảng 3 phút.
Bước 8: Tiếp theo cho đậu phụ vào đảo cùng, nêm vào hai thìa nhỏ muối đảo đều khoảng 5 phút.
Bước 9: Sau đó thêm nồi hạt sen và nồi gạo nếp vào nồi đậu phụ (dùng lẫn cả nước đã đun hạt sen và đun gạo), đun lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng muôi khuấy đều để gạo không bị dính và cháy ở đáy nồi.
Bước 10: Đun khoảng từ 20-15 phút, bạn nêm vào nửa thìa nhỏ bột ngọt hoặc hạt nêm chay, đợi sôi lại bạn nêm nếm tùy theo khẩu vị của bạn, tắt bếp rắc hành ba-rô và rau mùi thái nhỏ vào, múc ra bát rắc một ít hạt tiêu lên bề mặt bát cháo, dùng nóng.
34. Cháo hoa quả
Nguyên liệu:
- 2 nắm gạo: 1 nắm gạo nếp, 1 nắm gạo tẻ, hoặc tùy bạn thích chọn một tỷ lệ khác, nếu thích cháo sánh hơn thì dùng nhiều gạo nếp hơn, nếu thích cháo thanh mát hơn thì dùng nhiều gạo tẻ hơn.
- Vài lát hoa quả khác nhau như: dưa hấu, xoài, dưa chuột,.....
- 1 chút đường phèn (nếu bạn thích ăn ngọt)
- 1 ít đá
Cách làm:
Bước 1: Vo gạo trước khi nấu chừng nửa tiếng trở ra, để ráo nước, mục đích làm cho gạo dễ mềm hơn khi nấu cháo.
Bước 2: Cho gạo vào nồi và đổ 5 - 7 bát con nước vào nấu cháo. Khi nước sôi, bạn dùng đũa khuấy nhẹ nhàng cho gạo không dính đáy nồi, chỉ khuấy qua một lần không ngoáy nhiều làm gạo nát sẽ càng dính đáy nồi hơn. Sau đó đun lửa nhỏ để cháo sôi liu riu chừng 15 phút. Muốn ăn cháo sánh nhuyễn thì bạn cho lửa to lại, dùng đũa khuấy mạnh tay nhiều lần cho hạt gạo nóng nát ra dễ dàng, nếu muốn ăn nguyên hạt gạo mềm trong nước cháo thanh thì bạn không cần khuấy thêm nữa. Nếu bạn thích ăn ngọt thì cho đường vào lúc này.
Bước 3: Đổ cháo ra bát để nguội tự nhiên. Nếu bạn cho đá vào cho cháo nóng để nhanh nguội thì cháo sẽ dễ bị vữa.
Bước 4: Khi ăn cháo, bạn xắt hạt lựu những hoa quả yêu thích cho vào cháo trộn đều, thêm đá bào hoặc đá hạt nhỏ nếu thích ăn mát lạnh.
35. Lẩu cháo chim
Nguyên liệu:
- Chim bồ câu hoặc chim cút ngon
- Gạo tẻ, gạo nếp
- Ý dĩ, đẳng sâm, kì tử
- Quẩy
- Rau cải, nấm...
Cách làm:
Bước 1: Ngâm gạo nếp với gạo tẻ với tỉ lệ 1:9 khoảng 30 phút rồi xay nhẹ cho hạt gạo vỡ ra, đem nấu thành cháo. Lưu ý là cháo sẽ được dùng như nước lẩu nên các bạn chú ý chế nhiều nước để cháo loãng, có độ hơi sánh là được.
Bước 2: Dùng kéo cắt đôi thân chim thành 2 nửa, thả vào nồi cháo ninh cùng, rắc thêm ý dĩ ninh nhỏ lửa đến khi cháo nhừ.
Bước 3: Trong lúc đợi cháo nhừ các bạn nhặt rau cải, rửa sạch, vẩy ráo, cắt khúc vừa ăn. Kiểm tra nếu thấy cháo đã nhừ thì các bạn cho nốt đẳng sâm và kì tử vào nồi cháo, nêm nếm gia vị vừa miệng.
Bước 4: Bày tất cả các nguyên liệu ăn kèm món lẩu cháo chim như quẩy và rau cải ra bàn, đặt nồi lẩu cháo vào giữa, vừa ăn vừa đun và nhúng giống như cách ăn lẩu thông thường. Trong quá trình ăn nước sẽ cạn dần, đó cũng là lúc thịt chim chín nhừ và cháo có độ đặc sánh, mọi thứ tinh hoa của tất cả các nguyên liệu tiết ra đều tập trung cả vào nồi cháo ấy. Mỗi người múc 1 bát, rắc thêm chút tiêu rồi húp cạn, thật là ngon và ấm bụng.
Girlandlittlething
(Sưu tầm)
0 comments :
Post a Comment