Wednesday, September 14, 2016

Tuyển tập 21 món làm từ cốm thơm ngon tuyệt đỉnh

Từ lâu cốm là loại quà đặc trưng của Hà Nội và được đông đảo người dân cả nước yêu thích. Cốm mang trong mình hương vị riêng của mùa thu Hà Nội và từ món quà thu xanh như hạt ngọc này người ta còn chế biến thành nhiều món ngon khác như xôi, chè, chả cốm…
Mùa cốm đã sang, hãy cùng gia đình vào bếp chế biến và thưởng thức những món cực ngon từ cốm dưới đây bạn nhé! 

1. Bánh cốm
Nguyên liệu:
- Cốm khô: 300 gr
- Đậu xanh đã cà vỏ: 50 gr
- Đường: 80 gr
- Vừng rang chín: 3 thìa ăn cơm
- Bột nếp: 3 thìa ăn cơm
- Dầu ăn: 1 thìa ăn cơm
- Nước hoa bưởi: vài giọt
- Nước: 300 ml
- Lá nếp: vài lá

Cách làm: 
Bước 1: Đậu xanh ngâm nước cho nở mềm trong vòng 3 tiếng, đem hấp chín. Cho đậu vào máy xay sinh tố cùng một ít nước và 30 gr đường rồi xay thật nhuyễn.
Bước 2: Cốm nhặt bỏ những hạt xấu, rửa qua nước  cho sạch. Ngâm cốm với nước lạnh trong vòng 1 tiếng cho cốm nở mềm. Lượng nước ngâm cốm cao hơn bề mặt cốm một tí xíu.
Bước 3: Cho phần đậu xanh đã xay nhuyễn, dầu ăn và ½ chỗ bột nếp vào chảo chống dính. Đặt chảo lên bếp sên nhỏ lửa cho đến khi đậu xanh trở lên khô ráo thì rắc một nửa chỗ vừng và vài giọt nước hoa bưởi vào. Dùng đũa đảo đều để vừng và nước hoa bưởi trộn đều vào đậu, rồi cho đậu ra một cái bát.
Bước 4: Cho 300 ml nước cùng 50 gr đường và lá nếp vào chảo. Đun cho tan đường thì cho cốm vào xào ở mức lửa nhỏ. Dùng đũa quấy đều để cốm không bị bén chảo. Khi cốm trở lên khô ráo, các hạt cốm đã gần như tan hết, ăn thử thấy cốm rất dẻo, không còn lẫn những hạt cốm còn rắn nữa là được. Trong lúc xào nếu thấy cốm còn lẫn những hạt rắn mà nước đã khô thì có thể chế thêm chút nước.
Bước 5: Xoa dầu ăn vào tay cho khỏi dính rồi nặn một ít cốm thành hình vuông (nên nặn thật mỏng). Đặt miếng cốm vào một miếng màng bọc thức ăn rồi xúc một ít nhân đậu xanh dàn đều vào giữa miếng cốm. Sau đó nặn một miếng cốm tương tự đặt chồng lên trên. Cuối cùng là rắc một chút vừng vào bề mặt của chiếc bánh cốm.
Bước 6: Nắn lại các mép của bánh cho đẹp hơn rồi gói lại. Nếu muốn bánh cốm được đẹp và mịn màng hơn thì nên dùng khuôn vuông để tạo hình bánh.

2. Cốm xào
Nguyên liệu:
- 200gr cốm tươi (hoặc khô)
- 80-100gr đường cát trắng (hoặc tuỳ khẩu vị)
- 2 thìa nhỏ dừa bào hoặc cơm dừa và lá nếp hoặc lá sen nếu có

Cách làm:
Bước 1: Đường hoà với 1 thìa canh nước lọc và đun đến khi sôi và sánh (hạn chế khuấy sẽ bị lại đường) khi đường đã sôi và sánh cho cốm vào (làm cách này thì hạt cốm sẽ giữ được và không bị nát mà cốm vẫn mềm dẻo).
Bước 2: Nếu có nồi đất thì xào cốm bằng nồi đất cốm sẽ ngon và thơm hơn, còn không ta xào bằng chảo thường và dùng đũa hoặc thìa tre, gỗ đảo nhẹ nhàng thật đều cho cốm hoà quyện vào sốt đường bóng đẹp.
Bước 3: Tiếp theo, trình bày cốm ra đĩa có lót lá sen hoặc lá nếp vì cốm hợp với mùi lá sen hoặc lá nếp.
Lưu ý: đối với cốm xào chúng ta không cho vani hay dầu chuối, bởi cốm cần được giữ nguyên mùi thơm đặc trưng).

3. Cốm xào dừa
Nguyên liệu:
Cốm: 500g (Cốm để làm món cốm xào dừa ngon nhất chính là cốm già. Cốm già chuẩn là cốm có màu vàng úa, chứ không phải màu xanh mướt mắt như bạn từng nhìn trong ảnh)
Nước dừa: 100ml
Đường: 200g
Dầu ăn
Dừa nạo

Cách làm:
- Đầu tiên, bạn cho toàn bộ cốm ra bát to rồi rưới chút nước dừa vào cốm, sau đó dùng tay để trộn đều cốm với nước cho cốm nở đều, để khoảng 30 phút.
- Cho toàn bộ phần dừa nạo vào xào qua với đường để dừa ngấm đường, thơm và để được lâu hơn nhé! Bạn cho một chút nước vào chảo, đổ khoảng 2-3 thìa đường vào rồi đổ dừa nạo vào, đảo đều. Nước đường cạn cũng sẽ thấm hết vị ngọt vào dừa nạo là được. Sau đó bạn cho một ít vani vào dừa xào rồi bắc ra nhé!
- Cho dừa vào xào với nước đường để dừa thơm ngọt hơn.
- Bắc chảo lên bếp, bạn bắt đầu xào cốm. Cho khoảng 100ml nước dừa vào chảo, sau đó cho toàn bộ 200g đường vào đảo đều cho tan. Đường tan hết bạn mới cho 2 thìa dầu ăn vào. Đảo đều.
- Nước đường sôi lên, bạn cho toàn bộ cốm vào chảo. Đảo đều để cốm ngấm toàn bộ nước đường. Trong quá trình đảo cốm, bạn cho chút vani vào để tăng thêm độ thơm của món cốm xào. Đảo đều cốm với nước đường.
- Khi cốm đã ráo nước, bạn thấy trong chảo không còn chút nước nào, các hạt cốm quyện đều với nhau thì lúc đó cũng là món cốm xào đã đạt. 
- Xào đến lúc cốm dẻo, ráo nước là được. Bạn bắc chảo ra rồi cho cốm xào ra đĩa. Rắc phần dừa đã xào đường lên trên là hoàn tất món cốm xào dừa thơm ngon này rồi.

4. Kem cốm
Nguyên liệu:
- 100g cốm tươi hoặc 50g cốm khô
- 150ml kem sữa tươi
- 150ml sữa tươi không đường
- 3 thìa canh sữa đặc
- 1 bó lá nếp (lá dứa)
- 1/2 thìa nhỏ muối
- Khuôn làm kem.

Cách làm:
Bước 1: Cốm rửa sạch, ngâm mềm, một phần bạn đem xay với sữa, một phần bạn giữ nguyên hạt.
Bước 2: Lá nếp rửa sạch thái nhỏ, xay nhuyễn với chút nước, vắt lấy nước cốt.
Bước 3: Cho một nửa phần cốm vào máy sinh tố, thêm sữa đặc, sữa tươi, muối và nước cốt lá nếp, xay thật mịn.
Bước 4: Kem sữa tươi đổ ra âu, dùng máy đánh trứng đánh bông, tùy theo công suất của máy đánh từ tầm 5-8 phút.
Bước 5: Đổ hỗn hợp cốm và sữa đã xay mịn ra âu lớn, thêm kem sữa tươi và phần cốm còn lại vào, trộn đều.
Bước 6: Đổ hỗn hợp vào khuôn làm kem, cho vào ngăn đá từ 8-9 tiếng để kem đông cứng hẳn. Khi dùng bạn ngâm khuôn làm kem vào âu nước ấm, ngâm khoảng 1-2 phút, dùng tay lắc đều sẽ dễ dàng lấy kem ra khỏi khuôn.

5. Chè cốm
Nguyên liệu:
- 200g cốm non
- 100-150g đường (tùy khẩu vị)
- 70-100g bột sắn 
- 1 lít nước
- Một chút vani

Cách làm:
- Hòa tan đường và bột sắn trong 1 lít nước. Sau đó, đưa lên bếp đun sôi, vừa đun vừa khuấy. 
- Khi sôi, vặn nhỏ lửa, đun khoảng 5 phút, bột sắn chín, đường tan. Cho vani vào khuấy đều.
- Chia cốm ra 5 bát con, múc hỗn hợp bột sắn vừa đun đổ vào, đảo đều lên. Cốm sẽ mềm, chín tới và không bị nát.

6. Chè cốm hạt sen
Nguyên liệu:
- 300g hạt sen khô hoặc tươi
- 100g cốm khô hoặc cốm tươi
- 1/4 bát con bột sắn dây
- 1/4 bát con đường cát trắng

Cách làm:
Bước 1: Hạt sen khô rửa sạch, nếu dùng sen tươi thì bỏ tâm sen cho thật sạch, đun nồi nước sôi, thả sen khô vào nồi, đun lửa nhỏ.
Bước 2: Cốm khô đổ ra bát, dùng một bình phun nước dạng sương mù, phun một ít nước vào cốm, hạt cốm sẽ dẻo.
Bước 3: Bột sắn dây đổ ra bát, thêm vào một ít nước lọc, khuấy cho bột tan.
Bước 4: Ninh hạt sen đến khi nhìn hạt sen nở như nụ hoa, bạn cho đường vào đun cùng, ninh lửa nhỏ để đường thấm vào hạt sen. Đổ từ từ bát bột sắn dây vào nồi sen ninh, dùng muôi quấy đều, đun lửa nhỏ đến khi bột nổi trong là chín, nếu muốn ăn đặc hay loãng bạn điều chỉnh lượng bột và nước cho phù hợp, nêm nếm lại đường cho vừa ăn.
Bước 5: Tắt bếp, vẫn quấy đều tay, rắc cốm vào, có thể để dành lại một ít để rắc lên bề mặt cho đẹp, múc chè ra bát dùng nóng hay lạnh tùy theo sở thích của bạn.

7. Chuối trứng cuốc chấm cốm

Khi ăn món này phải thật nhẹ nhàng, từ tốn: Chuối được bẻ đôi hoặc cắt thành từng đoạn ngắn, chấm miếng chuối vào cốm rồi cho vào miệng nhai thật chậm. Lúc ấy, ta mới thấy được cái vị ngọt thơm nồng của chuối hoà quyện vị dẻo bùi của cốm và thoảng chút hương dìu dịu của lá sen...

8. Chè chuối cốm rang
Nguyên liệu:
- 4 quả chuối sứ chín
- 200g gạo nếp
- 50g cốm
- 150ml nước cốt dừa
- Lá chuối, đường, muối

Cách làm:
- Gạo nếp vo sạch, ngâm qua đêm. Đổ gạo ra rổ cho ráo nước, trộn cùng chút muối, cho vào xửng hấp chín. Thi thoảng đảo đều , nếp chín, cho nước cốt dừa vào, tiếp tục dùng đũa xới đều. Cho ra đĩa và để nguội.
- Cho 1 thìa cà phê đường vào trộn cùng để 15 phút cho ngấm.
- Trải 1 tấm màng bọc thực phẩm, cho cơm nếp vào dàn mỏng đều.
- Đặt chuối vào giữa và gói cho kín chuối lại.
- Trải từng miếng lá chuối đã rửa sạch, cho từng quả chuối đã bọc nếp lên, gói lại.
- Xếp lên khay nướng, bỏ vào lò đã bật nóng ở 250°C, nướng đến khi nếp chín vàng.
- Cốm cho vào chảo, chiên vàng.
- Cho 200ml nước cốt dừa vào nồi, thêm 5 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê bột năng vào khuấy đều ( tùy vào khẩu vị ăn ngọt của từng người nhé). Vừa đun, vừa khuấy đến khi nước cốt dừa sánh đăc.
- Thái chuối thành từng khoanh nhỏ vừa ăn, cho vào bát, chan nước cốt dừa và rắc cốm lên trên rồi thưởng thức.

9. Bánh dẻo trung thu nhân cốm
Nguyên liệu:
- Cho phần vỏ: 130 gr bột nếp rang; 300 ml nước đường (loại nước đường làm bánh dẻo); 30 ml dầu ăn; 1/2 muỗng cà phê tinh dầu hoa bưởi
- Cho phần nhân: 150 gr cốm khô;70 gr đường (độ ngọt bạn có thể gia giảm); 1 chút xíu muối; 40 ml dầu; 150 ml nước cốt dừa dừa non, mè rang vàng nếu thích.

Cách làm:
Phần 1: Làm phần nhân
- Cốm khô cho ra rá, xả qua nước lạnh vài lần cho sạch, loại bỏ các hạt xấu...
- Cho cốm, nước cốt dừa, đường, muối vào máy xay vài vòng cho nhuyễn. Đổ cốm ra chảo không dính cùng với dầu, muối rồi bắc lên bếp sên với lửa vừa khoảng 5 phút.
- Sau đó hạ thấp lửa sên cho đến khi nhân quyện thành 1 khối không dính chảo.
- Lúc này hãy cho dừa non bào sợi và mẻ vào trộn vài phút là tắt bếp. Nhân để hơi nguội hãy vo tròn lại.

Phần 2: Làm phần vỏ bánh
Bước 1: Nước đường, dầu, tinh dầu hoa bưởi cho vào âu trước. Sau đó cho bột từ từ vào dùng phới hòa từ từ và cứ thế cho bột và hoài đến khi hết phần bột. Lúc này hãy mang bao tay nhồi một lúc là bột mịn dẻo. Lấy màng thực phẩm bọc miệng âu để 6 tiếng hay qua đêm trước khi đóng bánh.
Bước 2: Chia bột bánh dẻo ra từng phần (tùy theo loại khuôn bạn làm), viên tròn lại. Ấn các viên vỏ bột bánh dẹt xuống, cho nhân vào vo tròn.
Bước 3: Phủ 1 lớp bột nếp rang khô xung quanh bánh và khuôn, sau đó cho cục bột vào khuôn ấn mạnh tay và lấy ra nhẹ nhàng.
Bánh dẻo bạn nên bọc trong màng bọc thực phẩm hay hộp, bảo quản nơi thoáng mát. Với cách làm đơn giản như thế này, bạn sẽ có những chiếc bánh dẻo với độ mềm hoàn hảo và bánh để được 10 ngày vẫn mềm vẫn nét như lúc đầu.

10. Bánh Trung Thu cốm 

11. Xôi cốm
Nguyên liệu:
- 200g cốm khô hoặc cốm tươi loại "già"
- 70g đỗ xanh
- 50g dừa nạo sợi
- Đường.

Cách làm:
Bước 1: Cốm nhặt vỏ, sạn, vẩy nước cho ướt mềm (cốm khô thì vẩy nhiều hơn cốm tươi và để lâu cho hạt cốm nở). Dừa nạo ướp với 2-3 thìa đường.
Bước 2: Đỗ xanh đãi vỏ, nhặt sạn, đem đồ chín hoặc nấu bằng nồi cơm điện cho nhanh. Khi đỗ chín, dùng thìa tán nhuyễn đỗ. Đem đỗ xào nhỏ lửa với dừa đã ướp đường cho đến khi khô mịn.
Bước 3: Bắc chõ lên bếp, đợi nước sôi thì đặt xửng cốm lên đồ. Đồ đến khi cốm ngậm đủ nước, nếu cốm tươi chỉ khoảng 10 phút, còn cốm khô khoảng 15-20 phút tùy chất lượng cốm.
- Đảo đỗ, dừa với cốm cho đều, nếu thích ăn ngọt thì nêm thêm thìa đường, trộn đều là xong.
Cầu kỳ hơn thì có thể mua lá nếp về để dưới nồi đáy nước hoặc trên mặt gạo cốm tạo hương thơm.

12. Chả cốm 
Cách 1: 
Nguyên liệu:
- 150g cốm
- 300-400g thịt xay
- 100g mỡ phần
- Nước mắm
- 1/2 thìa cà phê bột nở
- 1 thìa cà phê bột năng
- Dầu ăn
- Mì chính
- Nước đá
- Lá sen.

Cách làm:
- Cốm vẩy chút nước cho mềm. Nếu là cốm khô thì ngâm vài phút với nước nóng cho nở đều, thỉnh thoảng nhớ đảo lên.
- Thịt nạc vai ướp với nước mắm, mì chính cho thấm (khoảng 10 phút), đem xay hai lần.
- Trộn đều thịt với cốm, dùng thìa miết thật kỹ cho chả dai. Viên thành những viên vừa ăn hoặc dàn thành miếng lớn dày khoảng 1 cm. Bắc nồi chõ lên bếp, lá sen đã được quét dầu lên mặt. 
- Lót xuống đáy nồi hấp, xếp chả lên và hấp khoảng 10 phút (chả rất nhanh chín). Đem chiên chả trong chảo dầu đến khi vàng đều hai mặt. Ăn nóng và chấm tương ớt hoặc sốt chua ngọt.

Cách 2:
- Cốm cũng chuẩn bị như cách 3.
- Thịt nạc băm nhỏ xay sơ một lần.
- Ướp thịt xay với nước mắm, bột nở, mì chính, bột đao, dầu ăn. Đậy kín cho vào ngăn đá khoảng 30-60 phút. 
- Mỡ phần rửa sạch luộc chín tới, để ráo, thái hạt lựu.
- Đem xay thịt thật nhuyễn cùng thìa nước lạnh. Rồi lại cho ngăn đá khoảng 15 phút. Xay khoảng hai lần như vậy thì thịt đã nhuyễn mịn như giò sống.
- Đem trộn thịt với mỡ phần thái hạt lựu và cốm, dùng thìa quết đều, hoặc cầm cả hỗn hợp đập lên đập xuống trong bát vài lần cho dai.
- Các bước còn lại làm giống cách trên.
- Nếu muốn chả có màu đẹp thì có thể bôi màu lên sau khi hấp và trước khi chiên. 
- Món này ăn nóng rất ngon.
- Có một cách để chả xốp và mịn thì có thể trộn thêm một lòng trắng trứng vào hỗn hợp thịt - cốm.

13. Cá chiên cốm
Nguyên liệu:
400 g cá thác lác
200 g cốm
5 g thì là
20 g hành lá
Gia vị: hạt nêm, bột ngọt, tiêu, dầu ăn, tương ớt

Cách làm:
- Kỹ thuật quết cá
Mỗi lần làm từng ít một khoảng từ 100 – 200g nạc cá thác thác.
Pha ½ chén nước với ½ muỗng café tiêu, ½ muỗng café bột ngọt để gia giảm vị mặn của mắm.
Cho cá vào một tô nhỏ, cho thì là, hành lá vào chung, nhúng muỗng vào trong chén nước mắm đã pha gia vị, sau đó quết lên cá và tán nhẹ tay. Thực hiện tán khoảng 10 lần thì lại cho muỗng vào chén nước mắm, thực hiện tán đến khi nào thấy phần cá nhuyễn mịn, nặng tay thì dừng.
- Viên cá
Cho cốm xanh ra bát.
Sử dụng loại muỗng café lớn để múc cá cho đều nhau, sau đó vo tròn và nắn thành hình gọn gàng đẹp. Chúng ta không nên vo viên cá quá lớn sẽ khiến cá lâu chín và phần cốm sẽ bị cháy khi chiên. Cho viên cá vào trong chén cốm, miết phần cốm để chúng dính sâu vào trong viên cá. Cẩn thận vo đều để tránh cốm rơi ra khỏi viên cá.
- Chiên cá
Sử dụng chảo sâu, cho nhiều dầu để khi chiên viên cá ngập trong dầu.
Khi thấy chảo dầu vừa nóng sẽ cho viên cá vào, chiên khi nào thấy phần cốm nở bung thì vớt ra để cho ráo dầu.
Dọn món lên đĩa cùng với tương ớt.

14. Gà tẩm cốm chiên
Nguyên liệu:
- Thịt lườn gà: 500 gr
- Trứng gà: 1 quả
- Bột xù: 50 gr
- Cốm: 100 gr
- Bột chiên giòn: 50 gr
- Dầu ăn
- Gia vị: mì chính, muối, tiêu

Cách làm:
- Lườn gà rửa sạch để ráo, cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn, dầy khoảng 0,5 cm.
- Trứng đập ra bát, thêm chút mì chính, tiêu, muối, đánh bông.
- Trộn chung bột xù và cốm, cho ra đĩa.
- Rắc bột chiên giòn vào thịt gà, sao cho bột bám đều quanh miếng thịt gà.
-  Nhúng từng miếng thịt gà tẩm bột giòn vào bát trứng gà đã đánh bông. Sau đó tiếp tục lăn qua bột chiên xù + cốm.
- Bắc chảo lên bếp, cho nhiều dầu ăn
- Cho gà vào chiên vàng, đến khi gà chín vàng + giòn, các hạt cốm nở như bỏng thì vớt ra, để ráo dầu.
- Xếp Thịt gà chiên cốm ra đĩa, khi ăn chấm với tương ớt.

15. Đậu phụ tẩm cốm chiên giòn
Nguyên liệu:
- 4 bìa đậu phụ
- 60gr cốm (cốm tươi hay cốm khô đều được)
- 2 thìa bột mì
- 1 quả trứng 
- Muối, đường

Cách làm: 
Bước 1: Đánh tan trứng cùng với bột mì và một chút muối, đường thành hỗn hợp sền sệt.
Bước 2: Các bạn cắt đậu thành từng miếng vuông nhỏ, vừa ăn nhé! Nếu đậu bị quá mềm, dễ nát thì các bạn luộc qua đậu với một chút muối để miếng đậu được rắn hơn nghen.
Bước 3: Dùng khăn hoặc giấy, thấm cho đậu khô. Công đoạn này sẽ giúp đậu bám bột hơn ở bước sau các bạn ạ.
Bước 4: Nhẹ nhàng nhúng miếng đậu vào bột này. Ở bước này, các bạn nên dùng tay không hoặc dĩa (nĩa) để đậu không bị vỡ, nát nghen.
Bước 5: Giờ thì cho đậu "mặc áo cốm" nào! Sau khi bao cốm xong, chúng mình để yên đậu khoảng 3' thì cốm sẽ bám chắc hơn đấy!
Bước 6: Đun dầu sôi rồi thả đậu vào chiên vàng các bạn nhé!
Bước 7: Khi đậu được chiên xong, các bạn gắp ra giấy để đậu ráo dầu nha!

16. Tôm bọc cốm chiên xù
Nguyên liệu:
- 145 g cốm
- 10-12 con tôm to
- 1 bát con bột mì đa dụng
- Bột tỏi, tiêu trắng, hạt nêm, dầu ăn
- Nước sốt ăn kèm: sốt mayonnaise, tương cà chua (ketchup), tương ớt, muối, đường.

Cách làm:
- Tôm lột vỏ nhưng trừ phần đuôi, lấy chỉ đen, rửa sạch và để ráo.
- Cho tôm ra đĩa, rắc hạt nêm và bột tỏi lên trên khắp mặt tôm
- Đập trứng vào bát và đánh cho tan.
- Đổ bột mì ra đĩa lớn, thêm chút hạt nêm và muối cho đậm đà.
- Bỏ cốm ra một cái đĩa lớn khác.
- Cho dầu ăn vào chảo, đợi dầu nóng già. Lấy một con tôm nhúng vào bát trứng, rồi nhúng tiếp qua đĩa bột mì. Nhớ lắc cho bột rơi bớt ra và nhúng lại một lần nữa vào bát trứng. Sau đó lăn qua cốm cho đều khắp con tôm thì mới thả vào chảo dầu.
- Chiên tới khi thấy tôm đã chín đỏ hồng thì vớt ra đĩa lót giấy thấm dầu. Làm lần lượt cho tới hết.
- Xếp tôm ra đĩa và ăn kèm với sốt mayonnaise.

17. Chả cốm tôm thịt nhân trứng chim cút
Nguyên liệu:
- 200g thịt nạc xay
- 150g tôm đất
- 10 quả trứng cút
- 1/2 bát con cốm khô
- Muối, dầu ăn, hạt nêm, hạt tiêu, hành khô

Cách làm:
Bước 1: Tôm bóc nõn, rút chỉ đen trên thân tôm cho sạch, rửa sạch, lau khô, băm nhuyễn tôm.
Bước 2: Thịt nạc xay đổ ra âu lớn, thêm hành khô thái nhỏ, hai thìa nhỏ muối, nửa thìa nhỏ hạt nêm, một ít hạt tiêu, một thìa nhỏ dầu ăn và tôm, trộn đều, ướp trong vòng 30 phút.
Bước 3: Cốm khô đổ ra bát, rưới một ít nước lạnh lên bề mặt cốm. Tiếp theo trộn đều cốm vào âu tôm thịt.
Bước 4: Trứng cút luộc chín, bóc bỏ vỏ.
Bước 5: Tiếp theo tay đeo găng tay nilon hoặc có thể thoa một ít dầu ăn vào lòng bàn tay sạch, dùng thìa múc một ít hỗn hợp chả cốm cho vào, ấn dẹp ra, cho trứng cút vào giữa, bọc kín lại.
Bước 6: Làm cho hết phần trứng và chả cốm.
Bước 7: Đun nóng nồi nhỏ (dùng nồi nhỏ để tiết kiệm dầu ăn), cho dầu ăn vào nồi, thả từng viên chả cốm tôm thịt vào rán vàng.
Bước 8: Rán đến khi chả cốm vàng đều, vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu ăn, dùng nóng với tương ớt, làm món khai vị hoặc dùng với cơm trắng.

18. Chim bồ câu hầm cốm hạt sen
Nguyên liệu:
- Chim bồ câu: 3 con.
- Hạt sen: 150g.
- Nấm hương: 50g.
- Mộc nhĩ: 30g.
- Thịt nạc vai băm: 150g.
- Giò sống: 100g.
- Cốm già: 70g.
- Gừng: 70g.
- Táo đỏ: 10 quả.
- Hành khô: 50g.
- Rau mùi: 1 mớ.
- Hành hoa: 50g.
- Gia vị: bột nêm, hạt tiêu, nước mắm, dầu ăn.
- Tăm nhọn

Cách làm: 
- Gừng chia nửa, 1/2 thái lát mỏng, 1/2 giã nhỏ vắt lấy nước.
- Chim bồ câu sơ chế sạch, mổ moi, ướp gia vị, hạt tiêu, bột nêm, nước gừng để riêng.
- Hạt sen ninh bở.
- Cốm già ngâm rửa qua. Nếu là cốm khô ngâm nước 5 phút.
- Hành khô băm nhỏ.
- Nấm hương ngâm nở, cắt bỏ chân, bớt lại một ít để nguyên, số còn lại băm nhỏ
- Mộc nhĩ ngâm nở, cắt bỏ chân, băm nhỏ.
- Rau mùi sơ chế sạch để ráo.
- Hành hoa cắt phần củ trắng 10cm, dọc hành thái nhỏ.
- Trộn 1/2 phần hạt sen với thịt băm, giò sống, cốm già, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô băm, gia vị, bột nêm, hạt tiêu. Sau đó miết thật dẻo rồi chia làm 3 phần bằng nhau.
- Cho chim ra đĩa, nhồi nhân vào bụng chim cho đầy, lấy tăm nhọn xiên kín.
- Đun dầu nóng cho chim vào rán vàng, để ráo dầu.
- Cho chim vào nồi, chế nước dùng xăm xắp, sau đó nêm gia vị, bột nêm, nước mắm cho vừa, cho tiếp mấy cánh nấm hương, gừng thái lát, đun nhỏ lửa đến khi chim mềm rồi cho tiếp hạt sen vào, táo đỏ vào.
- Bày chim vào bát to, nhúng củ hành vào nước chần tái để lên trên, chan nước dùng, rắc hành hoa thái nhỏ, rau mùi ăn nóng.
- Khi ăn rút bỏ tăm, cắt chim làm 4 phần.

Lưu ý:
- Tùy vào trọng lượng chim khác nhau, tốt nhất bạn nên chuẩn bị phần nhân dư một chút. Nhồi thật căng. Chỉ nên hầm chín mềm mà không quá nhừ.
- Trong y học cổ truyền, chim bồ câu được dùng như một vị thuốc, nhiều chất dinh dưỡng nhất là loại chim dưới 1 tháng tuổi.

19. Cốm hấp thịt
Nguyên liệu:
150g thịt nạc vai
1 quả trứng
½ bìa đậu tươi
70g cốm

Cách làm: 
- Thịt lợn rửa sạch, băm thật nhuyễn.
- Cho thịt, trứng, đậu phụ, gia vị vào tô, đậu nghiền mịn. Trộn đều hỗn hợp.
- Tiếp theo cho cốm vào trộn đều.
- Chuẩn bị lá sen, rửa sạch, lau khô. Trút phần thịt ở trên vào trong lòng lá sen.
- Đặt nồi hấp lên bếp, đun sôi nước, đặt chả cốm vào hấp. Thời gian hấp chừng 15 phút là chả chín. Lấy ra dùng nóng.

20. Trứng tráng cốm
Nguyên liệu:
40g cốm tươi
100g thịt vai
2 quả trứng
Gia vị, hạt tiêu, dầu ăn

Cách làm:
- Thịt vai rửa sạch, băm nhỏ.
- Trong một tô, cho thịt, trứng vào. Nêm chút gia vị và hạt tiêu.
- Khi hỗn hợp đã đều thêm cốm vào trộn tiếp sau đó để khoảng 3 phút cho cốm nở.
- Đặt chảo lên bếp, đổ dầu ăn vào, khi dầu sôi đổ hỗn hợp trứng cốm ở trên vào. Chiên vàng.
- Lật lại mặt khi thấy mặt kia đã vàng.
- Lấy trứng tráng cốm ra đĩa, dùng nóng.

21. Nem cốm
Nguyên liệu:
200g thịt nạc vai xay nhuyễn
100g cốm
½ củ cà rốt, ½ củ hành tây
3-4 tai mộc nhĩ, 1 lạng miến dong
Hành lá, hạt tiêu
2 lòng đỏ trứng gà
Bánh đa nem

Cách làm:
- Cà rốt thái nhỏ.
- Mộc nhĩ ngâm nở thái sợi.
- Hành tây, hành lá thái nhỏ.
- Miến dong ngâm nước lạnh 3-5 phút, bạn chỉ nên ngâm miến đến khi mềm có thể cắt được, không nên ngâm quá lâu miến sẽ bị ngấm nước, nem sẽ kém giòn nhé!
- Trộn miến, thịt nạc, mộc nhĩ, cà rốt, hành tây, cốm với 2 lòng đỏ trứng gà, 1 chút hạt tiêu. Khi làm nhân nem chỉ dùng lòng đỏ mà không dùng lòng trắng khiến nem của bạn không bị ướt và ỉu, ngoài ra khi rán cũng không bị nổi bọt nữa.
- Cuốn nem thành các cuộn tròn.
- Cho dầu vào chảo, chờ dầu sôi thả nem vào rán vàng rồi vớt ra giấy cho ráo dầu.


Girlandlittlething
(Tổng hợp)

0 comments :