Monday, March 27, 2017

12 công thức làm bánh trôi bánh chay chuẩn, đẹp cho Tết Hàn Thực

Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và bí quyết cực hay để làm món bánh trôi bánh chay thành công cùng 12 công thức để bạn tham khảo đấy!

A. Kinh nghiệm làm bánh trôi, bánh chay






Tham khảo cách tạo màu bánh từ nguyên liệu thiên nhiên trong link sau:

B. Công thức
1. Bánh trôi truyền thống:
Nguyên liệu:
+ 1 gói đường làm bánh trôi (có thể dễ dàng mua ở ngoài chợ)
+ Vừng rang
+ Bột gạọ nếp
+ Bột gạo tẻ (lấy tỉ lệ bột tẻ là 1/10 bột nếp)

Cách làm: 
- Cho bột gạo nếp và bột gạo tẻ vào cái âu lớn, sau đó cho thêm nước từ từ, để bột ngấm nước. Sau đó nhào bột. Bạn nhào cho bột ngấm đủ nước, không quá nhão là được. Sao cho bạn có thể viên lại các viên bột dẻo mịn. Phần bột này dùng cho cả bánh chay và bánh trôi.
- Lấy những cục bột viên trong lại, nhỏ vừa ăn, sau đó làm dẹt ra lấy viên đường cho vào trong, vê tròn lại.
- Cho nồi nước lên bếp, bật lửa lớn cho nhanh sôi, khi nước sôi cho lửa vừa bắt đầu thả những viên bột vào. Chuẩn bị bát nước lạnh bên cạnh.
- Khi thấy bánh bắt đầu nổi lên và phần bột chuyển sang màu trắng đục thì bánh đã chín. Chúng ta vớt bánh ra để vào bát nước lạnh khoảng 3 phút.
- Cho bánh ra đĩa. Chúng ta cứ làm như vậy cho hết mẻ bánh, lấy một ít vừng rắc lên cho thơm và đẹp mắt hơn. 

2. Bánh trôi ngũ sắc
Cách 1: 


Cách 2:
Nguyên liệu:
+ Bột bánh trôi xay nước: 1kg
+ Đường viên: 200g
+ Vừng rang: 50g
+ Nước lá dứa, nước củ dền đỏ, nước lá cẩm tím, nước hoa dành dành: mỗi thứ 20ml
(Nếu không có các thứ nước rau củ này, các bạn có thể thay bằng 1 giọt màu thực phẩm loại chuyên dùng và an toàn)

Cách làm:
- Chia phần bột bánh trôi thành 5 phần đều nhau, 1 phần để nguyên bột màu trắng. Dùng 1 phần bột khác cho nước củ dền đỏ vào trộn đều. Nhào thật kỹ phần nước củ dền với bột để tạo thành phần bột bánh màu hồng.
- Làm lần lượt từng màu như màu xanh làm từ nước ép lá dứa, màu vàng từ hoa dành dành, màu tím từ lá cẩm kết hợp với màu hồng từ củ dền và màu trắng nguyên sơ của bột là chúng ta đã có đĩa bột với 5 màu khác nhau để nặn bánh trôi rồi.
- Dùng tay lấy khoảng 10g bột, dàn mỏng, cho viên đường bánh trôi vào giữa và vê tròn lại thành bánh rất nhanh. Làm cho hết các loại bột và đường, để lên đĩa tránh bị dính vào nhau sẽ vỡ bánh.
- Đun sôi 1 nồi nước, thả bánh trôi ngũ sắc vào luộc nhỏ lửa cho đến khi bánh nổi lên mặt nước là chín.
- Chuẩn bị sẵn 1 âu nước đun sôi để nguội, bánh trôi ngũ sắc chín, vớt bánh ra và thả ngay vào âu nước nguội để bánh săn vào.
- Sau khoảng 2 phút ngâm trong nước lạnh cho bánh săn, các bạn vớt bánh lên đĩa, để thật nguội và rắc thêm chút vừng rang vàng là thưởng thức được rồi.

3. Bánh trôi trà xanh nhân vừng đen
Nguyên liệu:
- Bột nếp + bột gạo theo tỉ lệ 9:1
- Đường phên
- 50g đậu xanh không vỏ
- Vừng trắng, vừng đen
- Bột trà xanh
- Đường cát trắng
- Dừa bào sợi

Cách làm: 
Bánh chay: 
- Vừng đen và vừng trắng rang chín.
- Lấy 3 thìa súp vừng đen giã nát rồi trộn đều với 3 thìa súp dừa bào sợi, 2 thìa súp đường trắng.
- Đậu xanh ngâm với nước cho nở từ 2-3h rồi nấu chín.
- Nghiền nhuyễn đậu rồi trộn với 2 thìa súp dừa bào sợi và 2 thìa súp đường.
- Phần vỏ bánh: Đối với phần vỏ màu trắng chỉ cần nhồi bột với nước ấm, thêm nước vào từng chút một đến khi bột không dính tay thì dừng lại. Còn đối với phần vỏ trà xanh thì trộn thêm theo tỉ lệ 3 thìa bột trà xanh với 250g bột. Để 2 loại bột vỏ nghỉ trong 15 phút.
- Chia bột vỏ thành những phần bằng nhau, ấn dẹt và cho nhân vào giữa.
- Gói kín bánh lại, không hở mép bánh.
- Nấu nước đường tuỳ theo khẩu vị ngọt mà gia giảm cho phù hợp. Pha một thìa súp bột năng với nước. Khi nước sôi thì cho từ từ bát bột năng vào và quậy đều thấy nước hơi sánh lại thì dừng. Nếu có tinh dầu hoa bưởi thì cho vào để nước thơm và có mùi vị đặc trưng.
- Phần bánh đem luộc chín rồi cho vào nồi nước dùng, nấu nhỏ lửa trong 5 phút thì tắt bếp.
- Cho bánh và nước dùng ra bát, rải dừa bào sợi và vừng lên trên.

Bánh trôi:
- Đường phên cắt miếng nhỏ bằng đầu ngón tay.
- Phần vỏ bánh làm tương tự bánh chay.
- Chia bột thành những phần nhỏ vừa đủ để bọc viên đường. Ấn dẹt bột rồi cho viên đường nằm giữa và vo tròn lại.
- Nấu nồi nước sôi rồi thả từng viên bánh vào, không thả cùng một lúc để tránh bánh dính vào nhau. Chuẩn bị một âu nước lạnh,khi thấy bánh nổi lên thì vớt bánh ra và cho ngay vào âu nước.
- Vớt bánh ra và xếp vào đĩa, rải vừng lên trên mặt bánh để trang trí

4. Bánh trôi nhân vừng đen
Nguyên liệu:
- 100gr vừng đen rang giã nhỏ
- 2 muỗng canh mật ong
- 2 muỗng canh đường
- 50ml nước
- Cho phần bột: 100gr bột nếp; 20gr bột năng; 130ml nước nóng hay nước cốt dừa hâm nóng.
- Nước đường.

Cách làm: 
Bước 1: 150gr đường vàng,  500ml nước, gừng thái chỉ, 1 chút xíu muối cho hết vào nồi đun liu riu.
Bước 2: Làm phần nhân: Đường, mật ong, nước cho vào nồi hòa tan, bắt lên bếp nấu lửa nhỏ cho đến khi nước đường hơi sánh thì cho vừng đen vào trộn đều là tắt bếp. Chờ nhân hơi nguội thì bạn hãy viên nhân to nhỏ tùy thích.
Bước 3: Phần bột: Bột năng, bột nếp cho vào âu trộn đều, sau đó cho nước cốt dừa hâm nóng vào, mang bao tay nhồi cho bột mịn không dính tay là được.
Bước 4: Chia bột từng phần nhỏ (nhớ phần bột nhiều hơn phần nhân nhé 6:4). Viên tròn viên bột sau đó ấn dẹp, rồi cho nhân vào viên tròn lại. Làm như thế đến khi hết nguyên liệu.
Bước 5: Nấu 1 nồi nước, khi nước sôi thì cho từng viên bột vào luộc, viên bột nổi lên bạn luộc thêm vài phút nữa, rồi vớt ra cho vào âu nước lạnh.
Bước 6: Nồi nước đường đang sôi bạn vớt viên bột từ âu nước lạnh cho vào nấu thêm 10 phút nữa là xong. Muốn có viên trôi nước màu nâu thì cần nấu lâu hơn.
Trình bày: Cho chè trôi nước nhân vừng đen ra bát, rắc chút lạc, vừng rang và ít dừa non bào sợi cho hấp dẫn hơn.

5. Bánh trôi bí đỏ nhân vừng đen
Nguyên liệu: 
- 100g bột gạo nếp
- 115g bí đỏ
- 40g vừng đen (có thể thay thế bằng lạc, đậu đỏ tùy khẩu vị)
- 40g đường
- 25g mỡ lợn (bạn có thể thay thế bằng dầu trộn salad hoặc bơ tan chảy)

Cách làm: 
- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch nhựa rồi thái miếng nhỏ để hấp cho mau chín.
- Cho bát bí vào nồi hấp chín.
- Làm nóng chảo, đổ hạt vừng đen vào rang thơm trên lửa nhỏ. Khi đã được rang chín, chờ cho vừng nguội bớt rồi đổ vào máy xay để xay nhuyễn. Vì vừng khá nhiều dầu nên sau khi xay nhuyễn bột sẽ hơi dính ướt.
- Đổ vừng xay ra bát, trộn đều với mỡ hoặc bơ tan chảy, thêm đường vào đánh đều thành hỗn hợp dẻo dính. Sau khi trộn xong, đặt bát vừng vào tủ lạnh 20 phút (mỡ lợn/ bơ sẽ đông lại khi gặp lạnh giúp bạn gói nhân dễ dàng hơn).
- Bí đỏ hấp chín, tranh thủ lúc còn nóng dùng thìa tán nhuyễn. Đổ bột vào, trộn đều với bí xay nhuyễn, lúc này tùy theo độ đặc của bột thì bạn mới từ từ thêm nước, nhồi hỗn hợp thành khối bột dẻo mịn, hơi dính tay.
- Cho bột nghỉ chừng 10 phút rồi chia thành từng phần đều nhau (chừng 20g/viên). Viên tròn từng phần bột rồi ấn dẹt, múc một thìa nhân vừng đen vào giữa
- Bao kín và viên tròn bánh lại. Làm tương tự cho đến khi hết bột. Đun sôi nồi nước. Khi nước sôi, thả từng viên bột vào luộc chín. 
- Canh thấy những viên bột nổi lên thì vớt ra bát nước mát cho khỏi dính và định hình bánh. Để một lát cho bánh nguội và khỏi dính thì mới vớt ra bát để riêng. Đun sôi một nồi nước đường khác có thả vài miếng gừng đập dập cho thơm, sau đó mới thả bánh trôi vào, chờ sôi lại rồi tắt bếp. Múc bánh ra bát, rắc vừng rang hoặc dừa nạo tùy thích.

6. Bánh trôi bí đỏ nhân đậu đỏ
Nguyên liệu:
+ Bột bánh trôi
+ Bí ngô
+ Nhân đậu đỏ

Cách làm:
+ Chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu.
+ Bí ngô gọt vỏ, rửa sạch đem hấp cách thủy.
+ Nghiền nát bí ngô, trộn đều với bột. Nếu cảm thấy khô có thể cho thêm nước.
+ Nhào bí ngô và bột đến khi quyện vào với nhau và mịn đều.
+ Chia bí ngô thành nhiều miếng dài, cắt thành hình vuông bằng nhau và dùng tay vo tròn.
+ Thêm nhân đậu đỏ chuẩn bị sẵn vào từng miếng bột bí ngô, nặn thành hình tròn sao cho phần nhân không bị nứt.
+ Đun nước đến khi sôi thì thả bánh trôi bí ngô vào, đợi bánh nổi lên để thêm 5 phút có thể vớt ra. Món bánh trôi bí đỏ đầy dinh dưỡng đã hoàn thành và chờ bạn thưởng thức. Để món ăn thêm hấp dẫn, có thể rắc thêm vừng và gừng lên trên.

7. Bánh chay vị gấc
Nguyên liệu: 
+ 400g bột nếp
+ 100g bột gạo tẻ
+ 200g đậu xanh
+ 100g - 150g đường
+ 70g thịt gấc tươi
+ Vừng rang
+ 50g bột sắn dây
+ 100g đường
+ 1,5lít  nước
+ 1 thìa nước hoa bưởi

Cách làm: 
- Trong một âu lớn, trộn bột nếp và bột tẻ vào nhau. Hòa bột với nước cho tan hoàn toàn. Khi ngậm đủ nước, bột sẽ lắng xuống, tách thành hai phần bột và phần nước ở trên. Thường quá trình sẽ mất 2-3 tiếng.
- Đổ bột ra một chiếc khăn lớn, buộc túm lại các đầu để bột róc nước hoàn toàn.
- Sau khoảng 1-2 tiếng, khi bột róc nước hoàn toàn thì mở khăn ra. Lúc này bột mịn, ráo và không dính tay.
- Đậu xanh rửa sạch, ngâm qua đêm, sau đó cho vào nồi, đổ nước xâm xấp mặt và đun đến khi mềm nhừ (chừng 15-20 phút). 
- Cho đậu ra máy xay, xay nhuyễn mịn. Nếu khô quá có thể thêm một chút nước cho đậu mềm.
- Sau đó xào đậu với một chút dầu ăn và đường đến khi đậu chuyển thành một khối đặc, dẻo, có thể vo thành nhân là được.
- Để làm vỏ bánh gấc, bạn lấy một nửa chỗ bột đã chuẩn bị ra, nhào với khoảng 50g thịt gấc đến khi các nguyên liệu quyện đều.
- Với nhân đậu xanh bạn cũng có thể làm tương tự, trộn nhân với 20g thịt gấc để tạo ra nhân bánh có màu đỏ.
- Chia vỏ thành các viên chừng 20g, và nhân 10g. Ấn dẹt vỏ, cho nhân vào và vo viên lại. Hãy đảm bảo là vỏ bánh bao kín nhân để tránh việc khi cho bánh vào luộc, nhân bị bục ra.
- Bắc nồi nước lên bếp, đun cho đến khi nước sôi già thì thả các viên bánh vào. Đun đến khi nước sôi trở lại và bánh bắt đầu nổi lên trên mặt nước. Luộc bánh thêm 5-6 phút để bánh chín đều, sau đó lấy bánh ra và cho luôn vào âu nước lạnh.
- Hòa tan bột sắn dây với đường và nước, đặt lên bếp đun sôi cho đến khi bột sánh lại, có độ lỏng vừa phải thì tắt bếp, thêm nước hoa bưởi vào trộn đều.
- Cho bánh ra bát, đổ chè sắn dây lên, rắc thêm vừng và dừa nạo.

8. Bánh chay trà xanh
Nguyên liệu:
Vỏ bánh: 
Bột nếp 900g
Bột tẻ 100g
Bột trà xanh 50g
Nhân bánh:
Dừa nạo
Đậu xanh 200g
Đường
Bột sắn dây

Cách làm:
- Trộn bột nếp với bột tẻ và bột trà xanh (tỉ lệ khoảng 10 phần bột nếp thì 1 phần bột tẻ, pha như vậy để bánh có độ cứng không bị chảy)
- Cho nước ấm từ từ, nhồi cho bột dẻo quánh. Nên nhồi kỹ cho bột quánh mịn, có độ dính.
- Lấy 1 nhúm bột khoảng 50g, ép mỏng ra rồi cho vào nồi nước sôi chần chín, sau đó cho phần bột chín này trở lại chỗ bột sống, nhồi lại lần nữa cho quyện vào nhau.
- Nhồi bột sống và chín như vậy vỏ bánh sẽ dai và dẻo hơn.    
- Đậu xanh cho vào nồi hấp chín rồi nghiền nhuyễn. Cho đậu vào chảo, thêm 1 – 2 thìa dầu ăn, cho dừa nạo và đường vào xào. Đậu ngấm đường quyện với dừa có độ dẻo và beo béo là được. Cho đậu ra bát, chờ nguội rồi vo nhẹ thành những viên nhỏ làm nhân.
- Bột vỏ bánh đã nhồi mịn đem chia thành nhiều phần nhỏ.
- Mỗi phần bột nhỏ ép mỏng rồi đặt viên nhân đậu xanh vào giữa, gói lại, vo tròn. 
- Đun nước sôi, thả lần lượt từng viên bánh vào nồi, tránh thả tất cả cùng lúc bánh sẽ dính vào nhau.
Đun đến khi nào bánh nổi lên là chín.
- Vớt bánh ra cho ngay vào thau nước lạnh trong vài phút. 
- Chè đường:  Cho khoảng 2 thìa bột sắn và 5 thìa đường vào 1 lít nước, độ ngọt tùy sở thích của bạn. Khuấy cho bột hòa ra rồi đặt lên bếp đun, vừa đun vừa khuấy liên tục đến khi hỗn hợp sôi trở nên trong suốt và sánh lại là được 
- Chia bánh ra các bát con, mỗi bát 3 chiếc, ấn cho hơi dẹt. Chan chè đường vào, rắc chút dừa nạo lên trên. 
- Vậy là bạn có món bánh chay hương vị trà xanh dịu nhẹ, màu sắc là lạ cuốn hút. Về cơ bản chiếc bánh vẫn giữ nét truyền thống, chỉ thêm chút hương trà thoang thoảng và màu xanh mát mắt. Bạn cũng có thể làm bánh trôi theo cách này, chỉ thay nhân đậu xanh bằng nhân đường đỏ thôi.

9. Bánh nhót

Nguyên liệu: 
- Khoảng 150g bột nếp loại ngon
- 10g bột gạo tẻ
- 1 ít vừng rang sẵn hoặc lạc giã dập
- 1 bát con mật mía
- Gừng 1 củ vừa phải

Cách làm: 
- Trộn đều bột nếp với bột tẻ, sau đó gom bột thành hình giếng, từ từ đổ nước ấm vào giữa. Nhào bột thật kỹ cho hỗn hợp bột mịn mượt, thời gian nhào bột càng lâu thì bột càng dai. Sau đó để bột nghỉ chừng 15 – 20 phút. 
- Chia bột và vê thành những viên tròn nhỏ. Sau đó dùng đầu ngón tay vuốt từng viên bột sao cho thành hình quả nhót với các cạnh hình thoi. Bạn lần lượt thực hiện cho đến khi hết phần bột đã chia viên.
- Đặt nồi nước lên bếp, đun cho sôi già, sau đó thả từng phần bánh nhót vào và luộc.
- Canh cho tới khi nồi luộc bánh nhót sôi trở lại thì bạn cho lửa nhỏ bớt lại. Khi bạn thấy từng chiếc bánh nhót nổi lên trên mặt nước thì bạn tắt bếp. Vớt bánh ra và cho vào tô nước lạnh để bạnh có độ săn và dai.
- Bước tiếp theo bạn cho phần mật mía, gừng đập dập vào nồi và đun sôi. Nếu mật mía quá đặc sánh thì bạn có thể cho thêm một chút nước để vừa khẩu vị hơn.
- Khi mật mía đã sôi thì cho bánh nhót vào và xào. Bạn lưu ý để mức nước vừa xâm xấp mặt bánh để mật thấm đều vào từng chiếc bánh nhót.
- Đun nhỏ lửa khoảng 10 -15 phút thì bạn tắt bếp.
- Xếp bánh ra bát, chan thêm chút nước mật mía và rắc một chút vừng hoặc lạc rang giã dập lên bề mặt rồi thưởng thức.

10. Bánh trôi chân mèo
Nguyên liệu:
- 130g bột nếp
- 40g mè đen và 10g lạc
- 45g đường
- 40g mỡ lợn
- 100ml nước sôi
- 1 chút màu thực phẩm màu hồng

Cách làm: 
Bước 1: Mè và lạc rang chín, để riêng một nửa lượng mè nguyên hạt, còn lại cho vào máy xay mịn thành bột. Trộn lẫn mè nguyên hạt và bột mè, bột lạc cùng với đường, đun trên bếp nóng cho chúng quyện vào nhau. Sau đó cho thêm 25g mỡ vào trộn cùng. Bạn để hỗn hợp này nguội thì đi găng tay nylon để nặn thành 16 viên tròn nhỏ làm nhân. Cho các nhân bánh vào khay và để trong tủ lạnh chừng 10 phút.
Bước 2: Bạn nhồi bột bằng nước nóng già, khi bột mịn và thấm đều nước, bạn lấy riêng ra một chút bột, nhỏ vài giọt màu thực phẩm vào nhồi đều, phần bột màu hồng này sẽ được dùng trang trí bánh.
Bước 3: Vê bột nếp thành thanh dài và cắt thành 16 phần bằng nhau. Mỗi phần lại được cắt riêng 1/4 bột để nặn các ngón chân mèo, còn 3/4 bột sẽ được nặn lòng bàn chân mèo với nguyên hình chiếc bánh trôi tròn. Vê tròn, ấn bẹt và lõm bột trên lòng bàn tay khum để có được một vỏ bánh mỏng đều, cho viên nhân bánh vào giữa rồi chúm các mép bột vỏ bánh lại, vê tròn lại lần nữa. Làm như thế cho tới hết 16 nhân bánh.
Bước 4: Mỗi phần bột để dành nặn ngón chân mèo sẽ chia làm 3 phần đều nhau, một phần được chia đôi tiếp để vê hai ngón chân nhỏ của mèo hình tròn, mỗi phần còn lại vê thành ngón chân to. Ghép 4 ngón chân lại với nhau (hai ngón to ở giữa) rồi ghép phần lòng bàn chân mèo (chính là những chiếc bánh trôi tròn đã nặn) vào cùng ngón chân. Bạn chỉ cần nhấp đầu ngón tay vào nước và bôi vào chỗ tiếp giáp các phần bột là chúng sẽ dính với nhau rất chặt. Làm tương tự với 15 chiếc bánh còn lại.
Bước 5: Nặn các mẩu bột màu hồng thành những viên bột tròn nhỏ và ấn bẹt để dính trang trí vào bàn chân mèo (gồm cả lòng bàn chân và các ngón chân), trông như phần đệm chân hồng hào của chú mèo con vậy. Nếu chưa muốn luộc hết chỗ bánh đã nặn thì bạn có thể cất bánh vào khay và bọc trong túi kín để vào tủ lạnh để dùng dần, tất nhiên đừng để quá lâu khiến bột nếp lại gạo cứng nhắc đấy.
Bước 6: Cuối cùng bạn cho bánh vào nồi ngập nước sôi và luộc chín với lửa vừa. Khi thấy bánh nổi hết lên mặt nước bạn đun nhỏ lửa thêm 1 - 2 phút nữa thì vớt bánh ra một bát nước lọc để làm nguội bánh nhanh, tạo dáng tốt và không bị dính các bánh với nhau. 
- Thông thường với món bánh trôi của ngày Tết Hàn Thực, bạn chỉ vớt ra đĩa rồi rắc vừng; tuy nhiên nếu làm vậy khi ăn bạn dùng dĩa lấy bánh sẽ dễ làm bánh bị méo hình. Để nhìn thấy rõ chiếc bánh hình chân mèo đáng yêu và khi ăn dễ dàng hơn; bạn có thể biến tấu với món bánh trôi này bằng cách đun nước bột sắn dây loãng đập thêm chút gừng (tùy thích) để ăn cùng bánh nhé!

11. Bánh trôi trái đào tiên
Nguyên liệu: 
Nhân đậu xanh:
200gr đậu xanh bỏ vỏ
1 thìa canh nước cốt dừa
60gr đường
1 thìa canh dầu ăn
½ thìa café muối

Vỏ bánh trôi:
150gr bột nếp
50gr bột bắp
15gr đường
120gr nước sôi
Với vỏ màu hồng và màu xanh lá: thay nước bằng nước ép củ dền, nước ép lá nếp (lá dứa) nhưng vẫn phải đun sôi.

Nước đường:
1 lít nước
300gr đường phèn
½ thìa cafe muối
20gr gừng tươi

Cách làm: 
Bước 1: Đậu xanh ngâm với nước trước 2 giờ. Cho nước vào xâm xấp, nấu lửa nhỏ chín mềm. Xay nhuyễn với nước cốt dừa.
Bước 2: Cho ra chảo, thêm đường, muối, dầu ăn sên nhân đến khi khô dẻo.
Bước 3: Nhân tới thì bắc xuống, để nguội vo thành viên nhỏ bằng quả quất.
Bước 4: Cho bột nếp, bột bắp, đường vào âu, đổ nước sôi vào dùng vá trộn đều. Sau đó dùng tay nhồi mịn thành khối.
Bước 5: Bọc kín chờ tạo hình. Đối với bột màu hồng và xanh lá cách nhồi như vậy.
Lưu ý: có thể cho nước vào từ từ để tránh bột nhão do mỗi loại bột hấp thụ nước khác nhau. Nếu bột khô cho thêm nước, còn khi nhão thì thêm bột nếp.
Bước 6: Thoa ít dầu ăn ra tay để không dính tay. Vo bột màu trắng thành viên lớn, sau đó lấy ít bột màu hồng vò thành viên nhỏ, ép hơi dẹp và đặt lên bột trắng. Ve lại cho mặt bột mịn.
Bước 7: Làm dẹp và đặt nhân vào, vo tròn lại. Dùng tay nắn lại tạo chóp nhọn như đầu quả đào. Dùng sống dao ép vào tạo một đường rãnh trên thân.
Bước 8: Cắt 2 miếng bột nhỏ màu xanh như hình tam giác, sau dó dùng tay nắn lại thành hình chiếc lá và đính lên quả đào.
Bước 9: Thả viên trôi nước vào nồi nước sôi, đun lửa vừa đến khi trôi nước nổi lên mặt thì vớt ra. Đun nước với đường phèn, muối và gừng, đến khi đường tan thì thả viên trôi nước vào. Đun thêm 10 phút trên lửa nhỏ là được. Múc chè trôi nước ra dùng nóng.

12. Chè trôi hoa xuân
Nguyên liệu vỏ trôi nước:
Bột màu trắng
150gr bột nếp
15gr đường
100gr nước ấm
Bột màu xanh lá: 1/4 công thức bột màu trắng và 5gr bột Matcha
Bột màu nâu: 1/4 công thức bột màu trắng và 5gr bột Cacao
Bột màu hồng: : 1/4 công thức bột màu trắng, thay nước bằng nước ép dâu
Bột màu vàng: 1/4 công thức bột màu trắng, thay nước bằng nước ép cà rốt

Nước đường:
1 lít nước
300gr đường phèn
20gr gừng tươi

Nguyên liệu nhân đậu xanh:
200gr đậu xanh bỏ vỏ
1 thìa canh nước cốt dừa
60gr đường
1 thìa canh dầu ăn
½ thìa café muối

Cách làm:
Bước 1: Đậu xanh ngâm với nước trước 2 giờ. Cho nước vào xâm xấp, nấu lửa nhỏ chín mềm. Xay nhuyễn với nước cốt dừa.
Bước 2: Cho ra chảo, thêm đường, muối, dầu ăn sên nhân đến khi khô dẻo. Nhân tới thì bắc xuống, để nguội vo thành viên nhỏ bằng quả quất.
Bước 3: Cho bột nếp, đường vào âu, đổ nước ấm vào dùng vá trộn đều. Sau đó dùng tay nhồi mịn thành khối. Bọc kín chờ tạo hình.
Bước 4: Đối với bột màu hồng và vàng cách nhồi như vậy.
Đối với bột màu xanh và màu nâu: hoà tan bột matcha, bột cacao vào nước ấm trước khi cho vào nhồi cùng bột nếp.
Lưu ý: có thể cho nước vào từ từ để tránh bột nhão do mỗi loại bột hấp thụ nước khác nhau. Nếu bột khô cho thêm nước, còn khi nhão thì thêm bột nếp.
Bước 5: Ấn hơi dẹp bột màu trắng, đặt nhân vào, vo tròn lại. Cán mỏng bột màu và dùng khuôn cắt hình hoa lá. Phết ít nước để dán hoa và lá lên viên trôi nước.
Bước 6: Thả viên trôi nước vào nồi nước sôi, đun lửa vừa đến khi trôi nước nổi lên mặt thì vớt ra tô nước lạnh. Đun nước với đường phèn và gừng, đến khi đường tan thì thả viên trôi nước vào. Đun thêm 10 phút trên lửa nhỏ là được.
Những ngày lễ tết là dịp để chị em trổ tài khéo tay. Món chè trôi nước hoa lá này vừa dễ lại vừa xinh xắn sẽ giúp các chị em ghi điểm với người thân bạn bè.

13. Bánh trôi kiểu Nhật 
Nguyên liệu: 
125g bột gạo nếp
15ml nước tương
50g đậu đỏ
20g đậu nành (đậu tương)
5g bột ngô
70g đường

Cách làm: 
Bước 1: Đậu đỏ vo sạch, cho vào nồi đổ ngập nước đun đến khi đậu đỏ chín mềm.
Bước 2: Khi đậu đỏ chín mềm, bạn nghiền nhỏ đậu đỏ, đổ thêm 60g đường vào sên nhân.
Bước 3: Đậu nành đổ vào chảo rang vàng. Cho vào máy xay xay nhỏ mịn. Dùng rây lọc để bột được mịn.
Bước 4: Đổ khoảng 100ml nước sôi vào âu bột gạo nếp, nhào bột. Bạn có thể gia giảm lượng nước để có được khối bột dẻo mịn nhé!
Bước 5: Nặn bánh trôi thành từng viên tròn với nhân đậu đỏ bên trong.
Bước 6: Đun sôi nồi nước, thả từng viên bánh trôi vào luộc. Khi bánh trôi nổi lên trên mặt nước thì bạn vớt bánh trôi ra âu nước lọc để bánh không bị dính.
Bước 7: Xiên từng viên bánh vào que tre.
Bước 8: Cho 10g đường và 15ml nước tương vào chảo khuấy đều cho đường tan hết. Hòa tan bột ngô với chút nước, đổ vào chảo nước tương khuấy đều, khi hỗn hợp sôi và sánh lại là được.
Bước 9: Xếp những xiên bánh trôi ra đĩa, đổ nước sốt lên trên rồi rắc bột đậu nành và thưởng thức.


Girlandlittlething
(Sưu tầm)

0 comments :