Friday, April 20, 2018

Tổng hợp công thức pha chế 50 loại trà ngon (cập nhật)

Bạn là tín đồ của món trà? Đừng bỏ qua "bộ sưu tập siêu khủng" với 50 công thức pha trà cực kỳ hấp dẫn, tuyệt ngon và bổ dưỡng này nhé!
1. Trà đào lạnh
Nguyên liệu:
- 5-7 gói trà túi lọc
- 1 lít nước sôi nóng già
- 2-3 quả đào chín
- 80g đường cát trắng, bạn có thể điều chỉnh lượng đường tùy thuộc vào độ chua ngọt của đào
- 1/2 quả đào chín, bỏ hạt, cắt lát mỏng (để trang trí tùy ý thích)
- Đá viên.

Cách làm:
- Cho túi trà vào nồi, đổ nước sôi nóng, để khoảng 8-10 phút.
- Đào gọt vỏ, cắt lát mỏng, bỏ hột. Trộn lẫn đường vào bát quả đào, để khoảng 10 phút.
- Cho hỗn hợp đào vào máy sinh tố, xay thật nhuyễn.
- Đổ hỗn hợp đào xay vào nồi trà ở bước 1, lọc bỏ túi trà, khuấy đều.
- Cho hỗn hợp nước trà đào vào bình, để vào tủ lạnh khi cần lấy ra dùng có thể thêm đá viên, trang trí với vài lát đào cắt mỏng, dùng lạnh.


2. Trà mật ong cam 
Nguyên liệu:
Nước
200gr đường
2 thìa mật ong
2 túi trà
1 quả cam

Cách làm:
- Khuấy đều nước, đường và mật ong trong bình thủy tinh đến khi hòa tan. Thêm túi trà và ngâm trong 3-4 phút. Lấy túi trà ra.
- Thái cam thành từng lát mỏng, bỏ hạt. Cho những lát cam và đá vào bình thủy tinh.
- Uống lạnh. Thưởng thức với cuốn sách yêu thích vào ngày cuối tuần, trong tiếng nhạc êm dịu.

3. Trà quất mật ong
Nguyên liệu:
4 quả quất
50 - 60ml nước đường (pha 50g đường với 50ml nước lọc, đun sôi rồi để nguội)
2g trà xanh
15ml mật ong
500ml nước nóng, đá viên.

Cách làm:
Bước 1: Cho trà xanh vào cốc chịu nhiệt, đổ nước sôi vào. Ngâm trà đến khi nguội rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh.
Bước 2: Quất rửa sạch rồi cắt đôi. Để pha được một bình trà quất 500ml bạn chỉ cần dùng 3 - 4 trái quất là đủ. Lấy một nửa chỗ quất vắt lấy nước và cho vào bình, nửa còn lại bạn cho luôn vào bình mà không cần vắt. 
Bước 3: Cho nước đường và mật ong vào bình. Đổ nước trà xanh đã được ướp lạnh vào chung với ly quất. Trước khi uống bạn thêm đá viên vào tùy thích nhé!

4. Trà ô mai cam quế



5. Trà sữa Thái 
Nguyên liệu: 
- Bột trà thái (làm từ các thành phần sau: trà đen, me, quế, nước hoa cam, sao hồi và vani, mua hỗn hợp đóng gói sẵn sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian mà vị cũng tương tự)
- Lưới lọc trà (giúp trà nở đều và mẻ trà sẽ ngon hơn)
- 45ml sữa đặc
- Đường

Cách làm:
- Để thực hiện cách làm trà sữa Thái, đầu tiên bạn đun sôi 800ml nước lọc.
- Khi nước sôi, bạn cho bột trà vào. Đun tiếp cho đến khi nước trà sôi lên.
- Bạn thêm đường vào cùng. Nấu thêm 5 phút nữa.
- Sau đó, bạn nhấc nồi ra khỏi bếp và để trà nguội đi trong vòng 10 phút.
- Đặt rây lọc vào một chiếc cốc, bạn rót trà qua rây này để lọc bỏ phần bã trà nhé. Đặt trà vào tủ lạnh trong 30 phút hoặc đến khi nước trà Thái lạnh nha.
- Lấy một chiếc cốc sạch, bạn cho đá viên vào trước rồi đổ nước trà Thái vào. Tiếp tục, đổ thêm phần sữa đặc vào. Khuấy đều lên là bạn đã hoàn thành xong cách làm trà sữa Thái rồi đó. Món trà sữa Thái mà được nhâm nhi ăn kèm cùng những viên trân châu dai dai, ngon ngon cũng thú vị lắm đấy.

6.  Latte trà xanh đá
Nguyên liệu:
180ml sữa ít béo
1 thìa bột trà xanh
1 thìa nước
2 thìa sữa cafe
Đá viên

Cách làm:
- Cho một trà xanh và nước vào bình lắc. Quấy đến khi bột tan.
- Thêm đá viên vào bình lắc cho đầy nửa bình
- Đổ sữa và sữa cafe vào bình.
- Đậy nắp bình lắc. Lắc đều như làm cocktail cho đến khi bọt nổi đầy bình.
- Đổ ra cốc, cho đá vào và thưởng thức.



7. Trà hoa đậu biếc Macchiato 



8. Trà vải bạc hà
Nguyên liệu:
- 2 gói trà túi lọc; 500ml nước nóng 80 độ
- 600ml nước; 300g đường; 60g lá bạc hà tươi
- 9 – 10 quả vải thiều, 100g quả mâm xôi hoặc dâu tây, 1 quả chanh

Cách làm:
- Để thực hiện cách pha trà vải bạc hà, đầu tiên bạn lấy 1 chiếc bình thủy tinh sạch. Cho trà túi lọc vào rồi đổ một ít nước sôi để làm nóng bình và trà.
- Tiếp đó, bạn đổ hết phần nước này đi nha. Bạn cho thêm phần nước sôi còn lại vào trong bình, đợi khoảng 5 phút thì bạn nhấc bỏ túi trà ra, để trà vừa pha ở nơi mát để trà nhanh chóng nguội đi nhé.
- Bạn cho 600ml nước vào chiếc nồi nhỏ, bỏ thêm đường vào hòa tan rồi đặt lên bếp để nấu sôi lên. Đến khi thấy nước sôi thì bạn thả lá bạc hà đã rửa sạch vẩy ráo vào (chú ý giữa lại một vài lá bạc hà tươi để trang trí sau nha). Đợi nước sôi lại thì bạn vặn nhỏ lửa đun liu riu khoảng từ 1 đến 2 phút thì tắt bếp đi. Bạn cho nước bạc hà vào một chiếc bình thủy tinh khác, để cho mát. Khi này, bạn sẽ có được phần siro bạc hà nguyên chất.
- Rửa sạch chanh, lấy một ít muối hạt để chà vỏ khử đi vị đắng thì bạn mới dùng dao thái chanh thành các lát mỏng. Bóc vỏ vải, bỏ hạt đi. Vải là thành phần quan trọng nhất để tạo nên hương vị thơm ngon của món trà này, nên bạn cần biết thêm những bí quyết chọn vải ngon để mua được những quả vải tươi ngon nhất. Mâm xôi (hoặc dâu tây) bạn rửa nhẹ dưới vòi nước cho sạch rồi để ráo nước.
- Bạn cho 100ml siro bạc hà vào bình trà, cho thêm hoa quả gồm mâm xôi, chanh và vải vào, quấy đều lên rồi mang trữ ở trong ngăn mát tủ lạnh và dùng dần. Nếu bạn muốn dùng ngày thì hãy cho thêm đá viên hoặc đá bào vào để trà có độ lạnh vừa ý là có thể thưởng thức ngay.
- Mách nhỏ: bạn có thể cho hỗn hợp này vào bình shaker và lắc để tạo bọt nha. Vậy là chỉ với những bước đơn giản, bạn đã hoàn thành xong cách làm trà vải bạc hà này rồi đó.
- Thành phẩm: Ly trà vải bạc hà mát lịm, ngọt thơm với vị chua nhẹ của chanh sẽ giúp bạn xua tan cái nóng bức ngày hè đồng thời mang đến cho bạn cảm giác sảng khoái và dễ chịu. Vị chát nhẹ của trà hòa quyện với phần thịt vải ngòn ngọt tạo nên vị cân bằng và vừa miệng.

9. Trà trái cây 
Nguyên liệu:
- 5 quả dâu tay tươi
- 1 quả táo
- 30g dứa
- 1 gói trà túi lọc
- 2 quả chanh vàng
- 30ml mật ong
- 1,2l nước

Cách làm:
- Rửa sạch dâu tây, dứa, táo và chanh. Các bạn nên sử dụng chanh vàng để nước trà trái cây đỡ bị đắng. Chanh vàng có thể tìm mua ở các siêu thị đều có nhé! Sau đó thái tất cả thành miếng nhỏ hình quân cờ vừa ăn.
- Sau đó, trút hoa quả vào bình đun nước, thêm nước và đun cho đến khi sôi thì ngắt điện.
- Thả vào bình nước hoa quả một túi trà lọc. Các bạn chọn loại trà túi lọc nào cũng được.
- Khi trà đã tan hết ra nước, trà nguội thì cho thêm lát chanh và mật ong vào khuấy đều, nêm nếm cho ngọt mát.
- Khi uống, các bạn đổ trà ra ly/cốc, thêm hoa quả và đá viên vào rồi thưởng thức. Hương vị dâu tây kết hợp hài hòa với táo, vị chua của dứa, vị ngọt của mật ong... sẽ khiến cho ly trà thêm độc đáo.

10. Trà vú sữa



11. Trà chanh gừng mật ong



12. Trà vải lạnh 
Nguyên liệu cho 3 ly:
- 2 gói trà lipton bạn chọn loại trà có mùi nhẹ
- 300ml nước sôi
- 2 muỗng canh đường vàng
- 1 lon trái vải (loại đóng hộp)
- 1 chén đá lạnh

Cách làm:
- Để thực hiện cách làm trà vải, đầu tiên bạn dùng một chiếc ly to cho đường, trà và nước sôi vào rồi tiến hành ủ thời gian 10 phút để trà ra nước nhé. Tiếp theo, bạn bỏ gói trà ra và hòa tan đường.
- Bây giờ, bạn đổ lon vải đóng hộp ra một cái tô.
- Bạn cho 3 muỗng canh nước vải, 5 trái vải, đá lạnh và ½ ly trà vào một chiếc bình, đậy nắp lại rồi tiến hành lắc mạnh để nước lên bọt nhé.
- Đổ trà vải ra ly và trang trí theo ý thích. Vậy là bạn đã hoàn thành cách làm trà vải cực ngon này rồi đó!

13. Trà bưởi mật ong
Nguyên liệu:
- 1 quả bưởi
- 150ml mật ong
- Muối, 200g đường (đường phèn thì càng tốt vì vị ngọt sẽ thanh hơn)

Cách làm:
- Rửa sạch bưởi bằng nước, dùng khăn sạch lau sạch lớp vỏ bên ngoài cho khô ráo. Dùng một ít muối ăn chà xát khắp bề mặt quả bưởi. Lặp đi lặp lại thao tác này nhiều lần sau đó lại dùng khăn lau sạch lớp vỏ bên ngoài, mục đích để vỏ bưởi không bị đắng.
- Dùng dao cắt một khoanh tròn phía trên quả bưởi, để lộ ra lớp cùi trắng bên trong.
- Dùng mũi dao khía nhẹ lớp vỏ, chia lớp vỏ bưởi thành 6 phần đều nhau. Sau đó dùng tay bóc lớp vỏ dọc theo từng múi đã khía. Cách cắt này nhằm mục đích giữ cho phần vỏ bưởi được dài, khi bạn cắt sợi trông từng sợi bưởi cũng sẽ dài và đẹp hơn.
- Bóc múi bưởi, lấy tép. Ép bưởi lấy nước, lọc bỏ hạt và bã, để riêng.
- Với phần vỏ bưởi vừa bóc, dùng dao sắc lọc bỏ phần cùi trắng bên trong, chỉ để lại phần vỏ bưởi cứng màu vàng bên ngoài. Thái vỏ bưởi thành dạng sợi càng mỏng càng tốt rồi ngâm vỏ bưởi trong nước muối 1 tiếng.
- Trút phần vỏ bưởi vừa cắt vào một nồi nhỏ, đổ nước xâm xấp bề mặt rồi đun sôi, dùng đũa đảo nhẹ cho vỏ bưởi chín đều rồi hạ nhỏ lửa.
- Lượng nước trong nồi lúc này cũng đã cạn bớt. Giờ là lúc bạn đổ nước ép bưởi vào tiếp tục đun đến khi nước trong nồi bắt đầu sánh lại thì thêm đường, khuấy đều.
- Tiếp tục đun cho đến khi cả nồi nước có màu vàng nhạt, hỗn hợp nước đường, bưởi bắt đầu keo lại thì tắt lửa. Chờ nhiệt độ trong nồi giảm xuống khoảng 50 độ C thì đổ mật ong vào, đảo đều. Đợi nguội rồi đổ ra bình hoặc lọ chứa, cất trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
- Mỗi lần dùng, bạn chỉ cần cho 1 - 2 thìa nước bưởi vào cốc, thêm chút nước và mật ong, khuấy đều và thêm đá là cả nhà đã có thức uống cực thơm ngon trong những ngày nóng nực. Vị của trà bưởi mật ong cũng rất ngon, ngọt nhẹ, vị nước bưởi và mùi thơm vỏ bưởi mang đến cảm giác thư giãn rất dễ chịu.

14. Trà gừng xoài 
Nguyên liệu:
- 4 quả xoài, gọt vỏ, thái nhỏ
- 6 chén nước
- 6 trà gừng dạng túi lọc
- ½ chén đường
- Lá bạc hà để trang trí

Cách làm:
- Xay nhuyễn xoài với ¼ chén đường rồi đặt sang một bên. Cho nước vào trong một ấm lớn và đun sôi. Khi nước bắt đầu sôi, cho trà túi lọc vào, đậy nắp lại và tắt bếp.
- Để các túi trà ngâm trong nước nóng khoảng 10 phút. Sau đó bỏ các túi trà ra, cho xoài xay nhuyễn vào nước trà. Cho nốt số đường còn lại và khuấy đều.
- Chuẩn bị sẵn các ly có đá, rót trà gừng xoài lên đá, trang trí lá bạc hà rồi thưởng thức ngay nhé!

15. Trà táo đỏ
Nguyên liệu:
25 quả táo đỏ khô, 1 quả lê ta (mắc cọp), 1 củ gừng nhỏ, 2-3 thanh quế.
3l nước, đường hoặc mật ong.

Cách làm:
- Bạn bổ tư quả lê, bỏ hạt, không cần gọt vỏ.
- Gừng rửa sạch, thái lát.
- Táo thái lát.
- Cho tất cả các nguyên liệu và nồi (trừ đường). Đun sôi nước, sau đó hạ nhiệt hầm ít nhất 1 tiếng.
- Bạn chắt lấy nước uống ngay hoặc rót vào chai để trong tủ lạnh dùng dần. Khi uống trà táo đỏ bạn có thể cho thêm đường hoặc mật ong tùy thích.
- Món trà táo đỏ dù không dùng trà nhưng bạn vẫn có thể coi như một loại trà giải nhiệt vô cùng tốt. Nước ngọt thanh và rất mát sẽ nhanh chóng xua tan cơn khát và cả sự mệt mỏi của bạn. Cùng một công làm, bạn có thể chuẩn bị nhiều hơn để có thể thưởng thức bất kì lúc nào nhé!

16. Trà táo mật ong
Nguyên liệu: 
1 quả táo
2 túi trà túi lọc
80ml mật ong

Cách làm:
- Để thực hiện cách làm trà táo mật ong, đầu tiên bạn rửa sạch táo rồi thái ra thành dạng hạt lựu.
- Tiếp đó, bạn hòa mật ong cùng 400ml nước rồi cho lên bếp nấu đến khi sôi.
- Bạn cho trà nhúng vào một ít nước ấm để tráng qua rồi nhúng gói trà này vào nồi nước mật ong đã đun sôi nhé.
- Sau đó, bạn bỏ táo vào, tiến hành khuấy đều rồi đợi cho đến khi nước trà táo mật ong nguội hẳn.
- Cuối cùng, bạn bỏ thêm đá vào và thưởng thức. Dùng thêm vài lá húng bạc hà để trang trí cho món trà táo mật ong thêm phần hấp dẫn nhé. Vậy là chỉ sau vài thao tác đơn giản, bạn đã hoàn thành xong cách làm trà táo mật ong rồi.

17. Trà bí đao

18. Trà chanh leo
Nguyên liệu:
- 4 thìa trà đen ( hoặc 2 túi lọc)
- 2 quả chanh leo
- 30gr đường

Cách làm:
Bước 1: Đun đường với 60ml nước để làm thành syrup này.
Bước 2: Tiếp theo là pha trà. Chúng mình dùng khoảng 360ml nước sôi để pha trà nhé! Nếu không thích trà đen, các bạn cứ thử chuyển sang dùng trà xanh nghen.
Bước 3: Trong lúc chờ trà nguội, mình chuyển sang xử lí chanh leo: rây bỏ hạt.
Bước 4: Hòa syrup vào nước chanh leo.
Bước 5: Giờ thì lấy một ly đá đầy và đổ trà vào nửa cốc nè. Sau đó thì rót tiếp nước chanh leo vào đầy cốc là xong!

19. Trà trái tắc
Nguyên liệu:
- Một nhúm trà mạn
- 3 trái tắc (quất)
- 3 thìa mật ong

Cách làm: 
Bước 1: Chuẩn bị 1 cái bát lớn để đựng trà.
Bước 2: Đun nước nóng, pha trà rồi để cho trà nguội.
Bước 3: Giờ thì vắt tắc vào ly này. Các bạn chú ý bỏ hạt đi nhé!
Bước 4: Sau đó, bạn thêm mật ong vào. Lượng mật ong cho được sử dụng tùy thuộc vào khẩu vị của bạn đó!
Bước 5: Cuối cùng, bạn lọc lấy nước trà rồi đổ vào ly và thêm đá nữa là xong!

20. Trà sữa trân châu
Nguyên liệu cho 1 ly to:
- 1 muỗng canh bột gạo
- 1 muỗng canh bột năng
- 1 muỗng cà phê bột cacao đắng
- Nước lạnh để nhào bột
- 1 túi trà lipton
- Sữa đặc hay sữa tươi tùy thích.

Cách làm:
Sơ chế nguyên liệu để làm trà sữa trân châu socola:
- Làm trân châu:
+ Cho bột năng, bột gạo, bột cacao vào tô rồi từ từ cho nước vào tô và trộn đều lên. trộn hỗn hợp bột với nước làm trân châu socola.
+ Chia bột thành nhiều phần nhỏ, sau đó vo tròn kích thước nhỏ bằng đầu ngón tay.
+ Đun sôi nước thì thả viên trân châu vào, đợi tới khi bột nổi lên là chín. nấu hạt trân châu làm sữa chua trân châu.
+ Vớt ra, rửa qua bằng nước sôi để nguội rồi để cho ráo nước. làm trà sữa trân châu socola.
– Làm trà sữa:
+ Pha trà lipton với 1/2 cốc nước sôi, sau đó bỏ túi trà và hòa thêm sữa tươi hay sữa đặc tùy theo sở thích.
+ Trộn trân châu vào trà sữa là các bạn đã có một tách trà sữa thơm ngon rồi. Cho thêm đá và đường rồi thưởng thức thôi.

Lưu ý:
- Khi cho hỗn hợp bột nhào trộn với nước nên nhào bột thật lâu cho dẻo và mịn hơn để trà sữa trân châu socola trở nên ngon và hấp dẫn.
- Các bạn muốn viên trân châu mềm, dai thì tăng lượng bột năng lên.
- Ngoài mùi vị trà lipton, các bạn có thể pha trà xanh hoặc pha thêm nước dâu tươi để có vị dâu.

21. Trà sữa thạch phômai
Nguyên liệu:
- 1 gói bột jelly 10gr
- 450gr đường
- 900ml nước trái cây
- Phô mai con bò cười

Cách làm: 
- Bạn cắt phô mai thành từng khối vuông nhỏ hoặc bạn dùng loại phô mai khối vuông nhỏ có bán sẵn. Đặt từng viên phô mai vào từng ô trong khay đá. Trộn bột jelly với đường.
- Để tạo ra những viên thạch đủ màu bạn sẽ phải chuẩn bị các loại nước trái cây: ví dụ nước nho ép có màu đỏ, nước cam có màu vàng, nước dừa tươi cho màu trong, nước màu xanh của lá dứa. Căn cứ vào tỉ lệ bột jelly: ml chất lỏng được hướng dẫn trên bao bì túi bột, bạn sẽ chia phần bột jelly với chất lỏng cho hợp lý. Hoà tan bột jelly với nước trái cây, nấu sôi với lửa nhỏ, quậy đều tay.
- Sau đó, bạn rót nước rau câu vào từng khuôn. Để nguội rồi cho vào tủ lạnh.
- Pha trà túi lọc với nước sôi, thêm sữa đặc tùy khẩu vị của mỗi người đến khi có độ ngọt vừa đủ thì bỏ túi trà đi, để trà nguội rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh.
- Khi dùng bạn rót trà sữa ra ly, thêm thạch phô mai và đá viên tùy ý thích của bạn.


22. Trà chanh xí muội
Nguyên liệu:
- 1 ly nước trà
- 1/2 trái chanh
- 3 trái xí muội
- 4 thìa đường kính

Cách làm: 
- Dùng thìa dầm xí muối cùng với đường. Cho nước trà và vắt chanh vào.
- Quấy lại cho đến khi đường tan hết. Thêm đá lạnh và thưởng thức luôn.

23. Trà chanh bạc hà
Nguyên liệu:
- 130g đường
- 160ml nước
- 20g lá bạc hà
- 6 gói trà trắng túi lọc (có thể tham khảo trà dưa leo)
- 3 quả chanh
- 500ml nước khoáng

Cách làm: 
- Đầu tiên, hòa nước và đường vào nồi.
- Đun lửa vừa cho đến khi đường tan hết, sau đó thêm lá húng lủi vào rồi dùng đũa hoặc thìa dằm lá. Bắc khỏi bếp và để nguội.
- Đun 500ml nước sôi. Cho trà túi lọc vào nước sôi vừa đun. Sau 3 phút, nước trà sẽ có màu nâu trong, lấy các túi trà ra.
- Để trà nguội hẳn. Lọc phần nước đường và húng lủi qua rây để lấy nước.
- Vắt 1 quả chanh lấy nước, 2 quả còn lại thì cắt lát mỏng để trang trí.
- Trộn nước đường, trà và nước chanh vào lọ, thêm vài lát chanh và lá húng lủi. Cuối cùng, đổ thêm nước khoáng hoặc đá lạnh là đã hoàn thành rồi đấy!

24. Trà dứa
Nguyên liệu:
Làm trà
- 1,5g baking soda
- 8 chén nước
- 4 gói trà túi lọc
- Vài lát dứa

Làm si rô
- 1 chén nước (237ml)
- 150g đường

Cách làm:
- Bạn sử dụng một loại trà túi lọc có bán sẵn trên thị trường. Bóc trà túi lọc ra này.
- Thả trà vào bình thủy tinh lớn, thêm baking soda, rồi rót nước sôi vào. Để túi trà ngâm như vậy trong 5 phút.  Đến khi trà chuyển màu vàng nâu, thơm lừng thì bạn có thể bỏ túi trà ra ngoài.
- Giờ đun tiếp siro để làm trà thơm hơn. Làm si rô đường bằng cách cho đường vào trong một chảo nhỏ, cho nước vào đun sôi.
- Bạn rót trà vào từng cốc thủy tinh đã để sẵn các miếng dứa đã xắt lát sẵn, rót thêm chút siro đường vào trà để thêm vị ngọt nhẹ nhàng.

25. Trà trái cây nhiệt đới
Nguyên liệu: 
- 1/4 quả dứa
- 1/2 quả táo
- 1/2 quả cam
- Mật ong
- 1 gói trà túi lọc

Cách làm:
- Ngâm rửa sạch dứa và táo rồi cắt nhỏ.
Chú ý: nếu cảm giác táo không được đảm bảo thì tốt nhất là bạn ngâm rửa thật sạch rồi gọt bỏ vỏ đi.
- Đun một nồi nước khoảng 500ml.
- Sau khi nước sôi, bạn cho táo và dứa cắt nhỏ vào, đun đến khi nào nước sôi lần nữa thì tắt bếp.
- Dùng muối để rửa sạch vỏ cam, sau đó cắt làm đôi rồi tiếp tục cắt thành nhiều miếng mỏng. Kế đến bạn cho vỏ cam vào ấm rồi thêm 1 túi trà vào.
- Đổ phần nước táo và dứa đã được đun sôi vào ấm, đợi một lúc cho túi trà tan thì bạn lấy ra. Khi uống, bạn có thể cho thêm mật ong và đá vào.

26. Trà xoài
Nguyên liệu:
- 1 quả xoài chín
- 1 gói trà túi lọc
- Đường, chanh, lá bạc hà.

Cách làm:
- Xoài gọt bỏ vỏ lấy phần thịt.
- Cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
- Trà túi lọc cho vào ly và thêm 50 ml nước sôi sau đó dùng nắp đậy lại để hãm trà. Sau 5 phút cho phần nước cốt xoài, thêm 1 muỗng đường vào khuấy đều, lá bạc hà và vắt thêm lát chanh, đá viên khi uống.

27. Trà ô mai quế
Nguyên liệu:
- Quế
- Ô mai mơ
- Sữa tươi

Cách làm:
- Cho quế vào nồi nước đun sôi khoảng 5-10 phút cho quế thôi ra hết
- Đổ nước quế qua lọc trà để nước không bị lợn cợn vụn quế
- Lọc xong bạn chỉ cần thả ô mai vào và chờ cho ô mai nở ra là có thể dùng được. Dùng bạn có thể thêm sữa tươi hoặc sữa đặc, mật ong tùy sở thích

28. Trà sữa đào 
Nguyên liệu:
- 3 túi trà lọc
- 30 g sữa bột (có thể thay thế bằng whipping cream)
- 4 muỗng sữa đặc
- 6 miếng đào hộp.

Cách làm:
Bước 1: Lấy 3 miếng đào cho vào máy xay, xay nhuyễn.
Bước 2: Lấy 20 ml nước khuấy đều cùng sữa bột (để không bị vón cục khi nấu).
Bước 3: Đặt 1 lít nước lên bếp đun sôi và cho 3 túi trà lọc vào để 5 phút cho ra trà.
Bước 4: Cho sữa bột vào nấu trên lửa nhỏ, khuấy đều đến khi sôi tắt bếp. Cho tiếp 4 muỗng sữa đặc và phần đào xay khuấy đều để nguội. Khi trà sữa nguội cho ra ly uống cùng với đá.

29. Trà táo quế
Nguyên liệu:
- Trà lọc lipton
- Nửa quả táo
- Thanh quế
- Mật ong

Cách làm:
- Đun quế với nước sôi để được nước cốt quế. Nước này bạn có thể để vào tủ lạnh dùng dần cho các lần trà sau. Thả trà lipton vào nồi nhỏ, cho nước sôi và hai thìa cà phê cốt nước quế đun sôi cho đến khi trà thôi hết ra nước. Đến khi gần được thả vài lát táo vào rồi cho ra cốc. 
- Nếu cầu kì hơn, bạn cho vào lọ lắc đều hoặc cho vào máy xay sinh tố! Trà sẽ có một lớp bọt trông rất đẹp mắt.

30. Trà táo mèo bông cúc
Nguyên liệu:
Bông cúc: 20g
Táo mèo: 10g
Trà mạn
Đường phèn

Cách làm:
- Bông cúc rửa sạch vắt khô.
- Nấu sôi khoảng 0.5L nước, sau đó cho trà, táo mèo, bông cúc và đường phèn vô nấu khoảng 5 phút là dùng được.

31. Trà dâu tây táo đỏ
Nguyên liệu:
Dâu tây,
táo tàu đỏ,
đường,
đá

Cách làm:
- Dâu tây ngâm với nước muối, để ráo, bỏ cuống và bổ đôi.
- Táo tàu đỏ cắt nhỏ
- Cho táo tàu vào ấm nước (lượng nước ước đủ cho số cốc trà bạn pha) rồi đặt lên bếp đun sôi.
- Đợi sôi khoảng 5 phút hãy cho đường, vị ngọt tùy khẩu vị.
- Xếp dâu tây vào cốc, rót nước đường táo tàu đã đun vào, đợi khoảng 2-3 phút là có thể thưởng thức. Nếu thích uống mạt bạn có thể cho đá bào.

32. Hồng trà dâu
Nguyên liệu:
- 2 muỗng cà phê hồng trà, nếu không có thì dùng hồng trà túi lọc
- Mật ong
- Chanh tươi
- Vài trái dâu tây, cắt đôi
- Quả mâm xôi

Cách làm:
- Cho hồng trà vào một cái ấm, chế nước sôi vào (chừng 500ml, hay hơn một chút cũng được).
- Đậy nắp đợi khoảng 2-3 phút cho trà ra mùi, sau đó rót trà ra bỏ xác trà, cho mật ong và nước chanh vắt vô quậy đều, rồi cho 2 loại dâu vào là dùng được.
- Mách nhỏ: Dùng nóng rất dễ chịu. Nếu thích uống lạnh thì cho vào tủ lạnh đợi lạnh rót ra uống càng ngon, mùi trà thơm thơm mùi dâu, ngọt ngọt của mật ong, chua chua của chanh rất ngon.

33. Trà sả giải độc
Nguyên liệu:
- 1 chén mật ong
- 2 cây sả
- 1 củ gừng
- 2 túi trà lọc.

Cách làm:
- Bắc nồi lên bếp, cho mật ong vào thêm gừng thái nhuyễn xào nhanh tay.
- Đổ 500 ml nước, sả đập dập nấu trên lửa trung bình khoảng 10 phút.
- Tiếp đến cho trà túi lọc vào, tắt bếp dùng nắp đậy lại để hãm trà.
- Sau đó, cho trà vào bình để nguội thì cho vào tủ lạnh uống thay cho nước lọc hoặc khi uống bạn có thể thêm lát chanh để tăng thêm công dụng giúp cơ thể thải độc tốt hơn.

34. Trà táo bạc hà
Nguyên liệu:
- 1-2 túi trà lọc táo
- Vài lá bạc hà
- Đường, đá lạnh, vài lát chanh tươi (tuỳ thích)

Cách làm:
- Cho túi trà vào cốc nước nóng, để yên khoảng 5 phút rồi bỏ túi trà đi.
- Nếu không dùng trà táo bạn có thể lấy túi trà thường, thêm 1/2 quả táo rửa sạch vỏ, xắt miếng nhỏ.
- Thêm đường, đá lạnh, trên rắc lá bạc hà và trang trí bằng lát chanh tươi.

35. Trà bí đao lạnh
Nguyên liệu: 
- 500g bí đao: Nên chọn bí già, vỏ xanh đen, ruột nhiều hạt và đặc biệt phải chọn mua "bí sạch" vì bạn sẽ dùng cả vỏ bí để nấu.- 50g đường nâu- 50g đường phèn (bạn có thể giảm lượng đường nếu không dùng trà với đá)- 1 nắm long nhãn (ruột nhãn khô).

Cách làm:
- Rửa sạch bí và để nguyên cả vỏ như thế. Nếu bạn không yên tâm về nguồn gốc bí có an toàn hay không thì có thể gọt bỏ vỏ, hạt. Tuy nhiên, điều này sẽ làm mất đi hương vị và tác dụng thanh nhiệt của trà bí đao rất nhiều đấy.
- Bổ bí và thái quân cờ, cho nguyên bí còn vỏ và ruột lẫn hạt vào nồi, đổ đường nâu và long nhãn vào, đảo đều, ướp trong 30 phút.
- Đun bí trên bếp lửa nhỏ, không cho thêm chút nước nào, tự bí sẽ chảy ra nước. Khi nồi bí sôi thì bạn cho lửa nhỏ nhất có thể, hầm bí trong khoảng 2 tiếng, cho tới khi dùng muôi ấn thấy bí nát nhừ, nước bí nâu và sánh. Bạn múc bí vào rây mắt nhỏ và ép lọc lấy nước cốt, bỏ phần bã đi.
- Chỉ đơn giản vậy thôi, bạn đã có trà bí đao tự làm an toàn và thanh mát rồi đấy. Với công thức này trà hơi ngọt nên bạn cần dùng với đá, nếu ít dùng đá thì bạn bớt lượng đường đi nhé!
- Nếu bạn muốn nấu trà nhiều một lúc thì chỉ cần tăng gấp đôi, gấp ba lượng nguyên liệu lên cùng nhau. Cất trà vào bình thủy tinh đã đun tiệt trùng qua nồi nước sôi và đậy kín để ngăn mát tủ lạnh dùng dần.

36. Trà hoa cúc – Thần dược của sắc đẹp
Từ lâu, hoa cúc đã được xem như một loài thảo dược có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người Hoa cúc tính hàn nhẹ, có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, hạ hỏa mát phổi, thanh lọc gan, an thần, đặc biệt hiệu quả với những triệu chứng khô miệng, nhiệt, khô mắt do thời tiết hanh khô của mùa đông gây ra. Việc uống trà hoa cúc mỗi ngày đã trở thành thói quen từ thời xa xưa của người Ai Cập, Hi Lạp và La Mã… giúp thư giãn, chống cảm lạnh và điều hoà kinh nguyệt, thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch, làm giảm đau và chống viêm sưng.
Nguyên liệu: 10g hoa cúc trắng khô, 2 thìa cà phê mật ong, 1 cái ấm.
Cách làm: Cho hoa cúc vào ấm, rót nước sôi vào tráng sơ rồi đổ phần nước đầu này đi. Đổ vào ấm 200ml nước sôi, hãm trà trong khoảng 15 phút rồi rót ra ly, thêm cà phê khuấy đều và thưởng thức.
Trà hoa cúc mật ong uống vào buổi tối trước khi ngủ 30 phút sẽ giúp làm ấm cơ thể , xua tan căng thẳng , giúp bạn dễ ngủ và có một giác ngủ sâu.

37. Trà quế 
Quế không những là loại gia vị mang đến sự hấp dẫn cho những món ăn mà còn rất nhiều lợi ích cho sức khỏe: giảm cholesterol, đường máu, chống ung thư, ngừa sâu răng và sạch miệng, điều trị các vấn đề về hô hấp, làm đẹp da… Việc sử dụng quế vào món ăn cũng như chế biến thành thức uống thơm ngon đã không còn xa lạ ở các nước lạnh từ lâu.
Nguyên liệu: 5g bột quế ( hoặc 1 thanh quế nhỏ ), 15g đường phèn, 300ml nước lọc, 5g táo đỏ hoặc 1 quả lê.
Cách làm: Cho nước lọc, quế thanh hoặc bột quế, táo đỏ ( dùng lê thì gọt vỏ, cắt miếng nhỏ ) vào một nồi nhỏ. Đun lửa trung bình cho đến khi sôi lăn tăn, thêm đường phèn, vặn lửa nhỏ đun tiếp trong khoảng 10-12 phút cho đến khi đường phèn tan hết thì tắt bếp.

38. Trà gừng
Nguyên liệu: 200ml nước lọc, 2 thìa cà phê mật ong, 2 thìa cà phê bột gừng ( hoặc 1 củ gừng tươi nạo nhỏ), 1 thìa cà phê sữa đặc, 1 túi trà gói.
Cách làm: Cho 200ml nước vào một cái nồi rồi đun sôi sau đó cho mật ong, bột gừng ( hoặc gừng tươi) vào nấu cùng, lúc này có thể giảm nhỏ lửa trong 10 phút rồi tắt bếp. Đổ nước gừng, mật ong vào một chiếc tách cho túi trà vào ngâm trong 5-7 phút. Có thể đậy nắp lại cho kín. Sau đó bỏ túi trà ra và cho thêm ít sữa đặc vào rồi thưởng thức khi còn nóng.

39. Trà thanh nhiệt, giảm cân 

40. Trà sữa đậu xanh
Nguyên liệu:
- 50g đậu xanh nguyên vỏ
- 1 gói chè túi lọc hoặc 5g chè xanh
- 200ml sữa tươi không đường
- 100g đường phèn (lượng ngọt tùy khẩu vị)

Cách làm: 
- Đậu xanh ngâm nước vài tiếng cho nở, vo kỹ, để nguyên vỏ, vo đãi thật sạch trong chậu nước vài lần cho sạch cát bẩn, nhặt bỏ những hạt xấu rồi để ráo.
- Đun sôi nồi nước đủ sâm sấp mặt đậu. Đổ đậu xanh vào đun sôi lại với nhiệt độ cao.
- Khi nước sôi, bạn vẫn duy trì lửa lớn và đun tiếp trong vòng hai phút, cho đến khi nước luộc đậu có màu xanh đậm thì tắt lửa. Không cần dùng muôi hay vá đảo hoặc sên để tránh làm đậu nát.
- Lấy một bát hoặc ca nước có miệng rộng, phủ tấm khăn xô hoặc khăn mỏng sạch lên trên. Kế đó múc đậu xanh lên tấm khăn, vắt đậu xanh đã hầm chín để lấy nước cốt. Vì đậu vẫn còn nóng nên bạn phải lót khăn vào hoặc đeo bao tay cho dễ vắt đậu mà không bị nóng bỏng tay.
- Hãm trà túi lọc với ít nước sôi, thêm chút đường phèn (lượng tùy ý), khuấy tan rồi đổ vào nước cốt đậu xanh bạn vừa vắt.
- Đun sôi nồi nước khác, trút phần đậu còn lại sau khi lọc vào hầm chín. Lặp lại thao tác vắt đậu thêm khoảng 3 -4 lần để có một hỗn hợp sữa đậu xanh đặc và đậm đà hơn.
- Với phần đậu còn lại, đem tẩm với 1 muỗng canh đường (gia giảm độ ngọt tùy khẩu vị) và ½ muỗng mật ong vào trộn kỹ.
- Khi nước đậu xanh nguội bớt một chút thì thêm sữa vào khuấy đều. Đổ sữa đậu xanh ra ly cao, trang trí bằng lát trái cây phía trên và thêm 1 muỗng cà phê đậu xanh vào khuấy đều. Dùng nóng hay lạnh tùy thích.

41. Trà sữa sương sáo thập cẩm
Nguyên liệu:
- 500g sữa tươi
- 1-2 gói trà đen
- 1 gói sương sáo đen
- Mật ong, nho khô, dừa khô, đậu đã nấu chín, trân châu (tùy thích)
- Sữa đặc

Cách làm: 
- Sữa tươi cho vào nồi đun đến khi gần sôi thì tắt bếp, cho túi trà vào ngâm trong khoảng 30 phút.
- Thêm mật ong tùy thích.
- Sương sáo làm theo hướng dẫn trên bao bì: pha bột sương sáo với 80ml nước.
- Trong một nồi khác, đun sôi 1 lít nước rồi rót chỗ bột sương sáo vào, khuấy đều khoảng 5 phút thì tắt bếp.
- Rót vào khay, để nguội rồi cất trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tiếng cho sương sáo đông lại.
- Lấy sương sáo ra, xắt thành miếng vuông nhỏ.
- Nếu dùng nho khô bạn ngâm rửa sạch rồi để ráo nước. Đậu sau khi đun chín mềm cũng vớt ra để ráo nước. Tùy vào sở thích bạn có thể thêm các loại trái cây khô khác hoặc dừa khô, trân châu cũng rất ngon.
- Khi ăn bạn lấy trà sữa ra tô, thêm sương sáo, nho khô và đậu vào, thêm sữa đặc tùy theo khẩu vị là món trà sữa sương sáo thập cẩm đã sẵn sàng để bạn thưởng thức rồi đấy!

42. Trà hoa hồng
Nguyên liệu:
Trà túi lọc 1 gói
Gừng 10 gr
Mật ong 15 ml
6 nụ hoa hồng

Cách làm:
Bước 1: Rửa sạch nụ hoa hồng rồi để sang một bên. Gừng rửa sạch thái thành lát.
Bước 2: Ngâm gói trà túi lọc với 300-500ml nước nóng trong khoảng 2 phút.
Bước 3: Sau đó thêm nụ hoa hồng vào để yên trong khoảng 8-10 phút.
Bước 4: Cuối cùng cho 15ml mật ong vào, khuấy đều lên là được.
Bước 5: Nước trà hoa hồng có tác dụng phòng tránh bệnh cúm rất hiệu quả đấy nhé!

43. Trà sữa kiểu Ấn
Nguyên liệu:
- 1 hộp sữa tươi (180ml)
- 5g bột nghệ vàng (hoặc 1 nhánh nghệ tươi)
- 3g bột quế
- 7ml mật ong.

Các làm: 
- Cho sữa tươi vào nồi đun nóng.
- Thêm bột nghệ, bột quế vào đun sôi lăn tăn khoảng 5 phút, trong lúc đun bạn nhớ đảo đều cho tinh chất từ nghệ và bột quế thôi ra. Nếu dùng nghệ tươi bạn giã nát nghệ ra nhé!
- Lọc trà sữa nghệ qua 1 cái rây, bỏ phần bã đi.
- Thêm mật ong vào ly trà sữa nghệ rồi hòa tan là xong.

44. Trà lá dứa
Nguyên liệu:
- 2 chén lá dứa xắt nhỏ
- 6 muỗng canh đường
- 4 chén nước
- Đá viên

Cách làm: 
- Cho 1 chén lá dứa, thêm chút nước vào máy xay rồi xay cho tới khi sền sệt. Lọc qua rây để lấy nước cốt. Tiếp tục nấu phần lá dứa còn lại với một ít nước lạnh khoảng 5 – 10 phút. Cho thêm đường vào và khuấy tan.
- Nhấc xuống và chắt lấy nước vào một nồi sạch khác,đổ phần nước cốt lá dứa ban đầu vào rồi bắc lên bếp nấu với lửa vừa phải. Sau khi sôi tắt lửa để nguội. Sau đó, rót vào ly uống với đá.

45. Trà xanh latte 
Nguyên liệu: 
Bình lắc
Cốc thủy tinh
Bóng inox pha chế
6g bột trà xanh matcha
80ml nước lạnh
120ml sữa đậu nành không đường
80ml mật ong

Cách làm: 
- Cho bóng inox pha chế vào bình lắc. Thêm 6g bột trà xanh matcha vào bình. Đổ tiếp 80ml nước lạnh vào. Tiếp theo, bạn cho thêm 120ml sữa đậu nành không đường vào bình lắc. Cuối cùng, rót 80ml mật ong vào.
- Dùng cốc thủy tinh úp ngược vào miệng bình lắc, lắc đều cho các nguyên liệu tan hết, hòa quyện vào nhau. Đổ ra cốc và thưởng thức thôi nào!

46. Trà sữa cà phê
Nguyên liệu:
- 5g trà đen
- 25g đường
- 8g cà phê hòa tan
- 80g kem tươi (whipping cream)
- 450ml nước sôi

Cách làm:
- Hãm trà với 170ml nước sôi trong khoảng 5 phút. Sau đó lọc trà qua rây hoặc khăn sạch, bỏ bã.
- Thêm kem tươi và sữa vào nước trà, khuấy đều rồi đổ vào ấm. Đổ cà phê vào, thêm 250ml nước sôi, tiếp tục khuấy đều cho cà phê tan hoàn toàn.
- Cuối cùng thì thêm đường vào trộn đều. Tùy theo khẩu vị, bạn có thể gia giảm lượng đường cho vừa miệng nếu ngại thức uống quá ngọt.
- Chút đắng của cà phê, chút ngọt của đường, chút béo ngậy của kem tươi quyện sánh vị trà nóng hổi, thơm phức khiến cho các giác quan nhanh chóng được đánh thức. Thức uống trà sữa cà phê ngon miệng, ấm bụng, tuy nhiên, bạn không nên uống lúc đói hay khi tâm trạng lo lắng. Nó cũng giúp cho tâm trạng bạn tỉnh táo hơn vì thế đừng thưởng trà gần thời gian ngủ kẻo làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nhé!

47. Trà sữa táo xanh
Nguyên liệu:
- 100ml sữa tươi
- 1 gói trà túi lọc
- 1 quả táo xanh
- 5 thìa cà phê đường
- Đá viên
- 3 lát chanh tươi
- 3 Lá bạc hà

Cách làm:
- Sữa tươi đem đun sôi, cho túi trà vào ngâm trong sữa khoảng 4 phút rồi lấy ra.
- Ép táo xanh lấy nước, nhỏ vài giọt chanh để nước táo không bị biến màu.
- Cho hỗn hợp trà sữa, đường và đá viên vào bình lắc, lắc đến khi nổi bọt mịn, rồi cho vào chiếc ly cao.
- Rót nước táo vào ly trà, khuấy đều.

48. Trà gừng
Nguyên liệu để làm 4 ly trà:
- 2 muỗng canh rau mùi
- 2 muỗng canh bạch đậu khấu
- 1/2 thìa nhỏ tiêu đen
- 1 muỗng gừng tươi nạo sẵn
- 8 muỗng canh mật ong
- 4 ly nước
- 8 lá húng quế tươi loại lớn
- 1 quả chanh thái lát

Công dụng: 
- Rau mùi giúp tiêu hóa tốt, giảm mức cholesterol, chống viêm
- Hạt tiêu đen là chất chống oxy hóa, giúp kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa
- Gừng chống buồn nôn, chống viêm, có đầy đủ các chất chống oxy hóa
- Mật ong làm giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa- Húng quế giảm viêm, có đầy đủ các chất chống oxy hóa- Chanh giàu vitamin C, chống ung thư.

Cách làm:
- Dùng một chiếc chảo nhỏ, cho rau mùi, bạch đậu khấu và hạt tiêu đen vào xào. Vặn lửa nhỏ, xào khoảng 5 phút cho đến khi ngửi thấy mùi thơm.
- Dùng một chiếc nồi vừa, đổ nước vào và đun sôi. Khi nước đã sôi, bạn cho thêm mật ong và khuấy tay cho đến khi mật tan chảy hết với nước. Sau đó, thêm gia vị, gừng nạo và húng quế vào.
- Mang trà đi đun sôi và đun nhỏ lửa trong 5 phút. Rồi lọc nước trà qua một chiếc rây hoặc bộ lọc cafe.
- Khi uống thái thêm một vài lát chanh mỏng và bỏ vào ly trà.

49. Trà xoài lạnh
Nguyên liệu:
+ Trà mạn
+ Xoài
+ Nước cốt dừa
+ Thạch
+ 300 ml nước
+ Đường trắng

Cách làm:
- Để thực hiện cách làm trà xoài, đầu tiên bạn rửa sạch xoài đi. Dùng dao cắt phần thịt xoài hai bên má quả xoài theo chiều hướng từ trên xuống nha. Bạn sử dụng lưỡi dao rạch nhiều ô vuông ở trên từng miếng xoài.
- Tiếp đó, bạn cho trà vào ngâm vào nước sôi 100 độ C một lúc rồi lọc bỏ bã trà ra và để cho trà nguội.
- Bạn đổ thạch, cho thêm đường, nước trà để nguội vào một chiếc nồi sạch để đun. Trong khi đun, bạn chú ý điều chỉnh nhiệt độ bếp và sử dụng thìa để khuấy đều cho đến khi sôi thì tắt bếp đi.
- Mang trà đổ ra khay rồi để 1 lúc cho nguội bớt thì mang để vào tủ lạnh.
- Trước khi ăn, bạn hãy đổ ra cốc, cho thêm chút nước dừa và xoài vào nha. Vậy là chỉ với một vài thao tác đơn giản, bạn đã hoàn thành xong cách làm trà xoài này rồi đó.

50. Trà Thái thạch đen
Nguyên liệu:
- 1-2 túi trà Thái, bạn có thể tìm mua tại siêu thị
- 1 thìa canh sữa đặc
- Sữa tươi, nước sôi
- Thạch đen (hay còn gọi là sương sáo)
- Hạt é, sirô dâu.

Cách làm:
- Túi trà Thái cho vào cốc nhỏ, đổ vào cốc một ít nước sôi, để khoảng 5 phút cho trà ra hết chất.
- Chế phần trà đã lọc lấy nước với sữa tươi và sữa đặc, hòa cho sữa tan. Phần sữa tươi bạn có thể điều chỉnh tùy theo bạn thích uống trà loãng hay đặc.
- Hạt é đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm vào âu nước lạnh đến khi hạt é nở, đổ ra rổ cho ráo nước.
- Thạch đen rửa sạch, cắt quân cờ vừa ăn. Thạch đen bạn có thể mua sẵn hay mua gói bột pha sẵn, về làm theo hướng dẫn.
- Khi dùng bạn múc vào cốc một ít thạch đen, đổ vào một ít trà Thái, thêm đá lạnh và múc vào một ít hạt é và sirô dâu, dùng lạnh. Vậy là bạn đã có cốc trà Thái thạch đen thơm ngon rồi nhé!


Girlandlittlething
(Sưu tầm)

0 comments :