Thursday, September 27, 2018

Cách làm 22 món RUỐC đơn giản mà ngon vô cùng (cập nhật)

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ công thức 22 món Ruốc (chà bông) thơm ngon và bổ dưỡng. Bạn có thể làm để cả nhà thưởng thức và ăn dần nhé! 
1. Ruốc thịt lợn
Nguyên liệu:
- 400gr thịt heo nạc lựa miến thịt có sớ dài các bạn nhé
- 3 muỗng cà phê muối
- 3 muỗng canh nước mắm
- 1 muỗng cà phê bột nêm
- 3 lá chanh
- 1 khúc sả đập dập
- 2 củ hành khô.

Cách làm:
Bước 1: Thịt heo bạn rửa với nước muối, sau đó xả qua nước lạnh.
Bước 2: Cho khoảng 1,5 lít nước lạnh cùng với các gia vị phía trên vào nồi nấu sôi. Sau đó cho miếng thịt heo vào luộc với lửa vừa. Luộc cho đến khi thịt chín thì vớt ra để nguội, rồi xé sợi.
Bước 3: Cho từng ít thịt xé sợi vào cối giã tơi. Nhớ cho ít thôi nhé. khi giã tơi thì cho ra tô.
Bước 4: Cho thịt giả tơi vào chảo không dính, bắt lên bếp sấy khô với lửa thật nhỏ. Khi thịt khô thì sẽ tơi và bông lên như bông. Món ruốc thịt lợn này bạn phải bảo quản trong hủ sạch, để nơi thoáng mát.

2. Ruốc thịt heo ngũ vị 
Nguyên liệu: 
500g thịt nạc heo
20ml nước tương
10ml nước mắm
35ml dầu ăn
5g ngũ vị hương
20g đường
50g ớt bột
6g muối
10ml rượu vang trắng.
30g hạt mè trắng rang
2g hạt tiêu
2 hoa hồi
1 lá bay

Cách làm:
Bước 1: Thịt nạc heo mua về rửa sạch, sau đó cho vào nồi áp suất luộc cùng với lá nguyệt quế, hạt tiêu và hoa hồi trong vòng 15 phút.
Bước 2: Thịt lúc này đã chín mềm, bạn vớt ra và dùng chày giã thịt cho tơi ra.
Bước 3: Dùng tay xé tơi thịt hơn nữa rồi cho vào chảo cùng với nước mắm, ngũ vị hương, đường, ớt bột, muối, rượu vang trắng vào đảo trên lửa nhỏ.
Bước 4: Khi gia vị dần thấm đều thì bạn cho dầu ăn vào đảo nhanh tay và lưu ý là giữ mức lửa thật nhỏ.
Bước 5: Đảo đến khi thịt bông mềm như hình thì thêm mè trắng rang vào, trộn cho đều rồi tắt lửa, cho chà bông ra mặt phẳng, để nguội hoàn toàn rồi cho vào lọ thủy tinh kín để bảo quản.

3. Ruốc heo kiểu Đài Loan 
Nguyên liệu: 
300gr thịt nạc heo
Hành lá, gừng
1 thìa canh rượu gạo
2 hoa hồi
6 đinh hương
2 thìa canh nước tương
2-3 thìa canh đường
Mè trắng rang

Cách làm: 
Bước 1: Cho thịt heo luộc chín với hành lá, gừng cắt lát, hoa hồi, đinh hương và rượu gạo cho thơm. Khi sôi nhớ hớt bọt trên mặt.
Bước 2: Vớt thịt ra tô nước lạnh cho nguội rồi để ráo. Nước luộc thịt có thể lược qua dùng để nấu các món canh, súp.
Bước 3: Cho thịt vào bao giã nát.
Bước 4: Cho thịt ra chảo, rang trên chảo nóng. Nêm gia vị nước tương và đường vào, đảo đều cho thịt thấm và lên màu.
Lưu ý: bạn có thể nêm mặn hay ngọt hơn tuỳ vào khẩu vị.
Bước 5: Khi thịt khô khoảng 70% thì cho vào máy xay cho sợi thịt tơi nhỏ ra. Cho lại vào chảo, rang thêm cho khô nữa. Cuối cùng cho hạt mè vào và đảo đều, bắc xuống. Để ruốc nguội hẳn rồi cho vào lọ đậy kín để nơi khô thoáng.
Cũng là làm ruốc từ thịt heo nhưng người Đài Loan có cách làm độc đáo và thơm ngon không kém gì người Việt. Gia vị nêm rất ít nên món ruốc thịt này có vị vừa ăn không quá mặn, dù ăn nhiều cũng không bị gắt cổ. Chủ yếu tập trung vào vị ngọt có sẵn của thịt và cách khử mùi cho món thịt có độ thơm đặc biệt. Ruốc có thể ăn cùng cơm trắng, xôi nóng hoặc làm bánh mì chà bông đều rất ngon đấy!

4. Ruốc heo bông kiểu mới 
Nguyên liệu: 
500g thịt heo nạc (thịt thăn)
3 muỗng nước mắm
2 muỗng đường
1 muỗng hạt tiêu
Hành khô
Quế
Dầu ăn

Cách làm: 
- Thịt rửa sạch, bỏ hết gân, cắt miếng dọc thớ thịt.
- Cho thịt vào nồi nước đun sôi khoảng 3-5 phút. Vớt hết bọt nổi trên mặt nước bỏ đi.
- Đổ thịt ra rửa sạch, để ráo nước.
- Hành khô bóc vỏ, băm nhỏ.
- Ướp thịt cùng nước mắm, đường, hạt tiêu, hành khô cho ngấm gia vị.
- Đổ thịt vào nồi cùng với khoảng hai bát con nước đun sôi, thêm vài miếng quế vào đun cùng để tạo mùi thơm.
- Đun đến khi lượng nước trong nồi còn khoảng ½ bát con thì bạn tắt bếp, giữ lại phần nước cốt và gắp thịt ra đĩa cho ráo nước.
- Xé thịt dọc thớ thành những miếng nhỏ để khi xay thịt không bị vụn.
- Nếu không có thời gian dùng cối giã, thì bạn cho thịt vào máy xay sinh tố, bật máy khoảng 3 giây rồi tắt. Dùng đũa đảo đều để ruốc không bám chặt vào lưỡi xay rồi lại bật máy khoảng 3 giây. Bạn làm nhiều lần lặp lại như vậy đến khi ruốc nhỏ nhé!
- Đổ dầu ăn vào chảo, sau đó cho ruốc vào chảo đảo đều để ruốc khô.
- Khi ruốc hơi săn lại, bạn đổ nước cốt thịt dần dần vào đảo để ruốc đậm vị mà không bị khô.
- Bạn đảo ruốc đến khi ruốc hơi vàng là được nhé!
- Chờ ruốc nguội bớt, lấy một ít ruốc, cho vào rổ lưới (rổ dùng để rây bột), chà qua chà lại cho thật bông. Làm lần lượt như vậy cho đến hết ruốc bạn nhé!

5. Ruốc cà ri 
Nguyên liệu:
300g thịt nạc thăn
2 thìa súp nước tương
1 thìa cafe muối
1 thìa cafe đường
1/2 thìa cafe ngũ vị hương
1-2 thìa cafe bột carry

Cách làm:
Bước 1: Thịt heo thái miếng to bản sau đó đặt lên bếp đun khi thấy thịt bắt đầu sôi thì giảm nhỏ lửa ninh chừng 30 phút cho tới khi thịt mềm thì tắt bếp.
Bước 2: Dùng nĩa hoặc dùng tay xé sợi thịt, tùy vào việc bạn muốn giữ sợi ruốc ở kích thước nào để xé thớ thịt cho phù hợp nhé. Nhưng không nên xé to quá vì như vậy khi rang ruốc sẽ không khô được hoàn toàn.
Bước 3: Cho phần thịt vừa xé vào chảo, đảo đều ở lửa nhỏ trong 15 phút.
Bước 4: Phần gia vị cho vào 1 tô hòa tan hoàn toàn sau đó rưới vào ruốc rồi tiếp tục đảo thêm 15 phút nữa, hoặc khi nhìn thấy sợi thịt bắt đầu khô và bông lên là được. Đổ ruốc ra khay để nguội hoàn toàn rồi cất vào hũ kín ăn dần. Với cách làm này chẳng tốn nhiều thời gian mà bạn vẫn có mẻ ruốc thơm ngon. Ruốc thịt heo ăn với cơm nóng hoặc xôi đều ngon lắm đấy.

6. Ruốc mỡ 
Nguyên liệu:
- Thịt nạc thăn 500 g
- Mỡ phần 100 g
- Nước mắm, hạt nêm, bột ngọt.

Cách làm: 
Bước 1: Mỡ phần cho vào nồi ngập nước luộc chín, sau đó thái nhỏ và cho vào máy xay thật nhuyễn. Thịt thăn luộc qua cho hết hôi, rửa lại thật sạch, thái miếng to, dọc thớ.
Bước 2: Cho thịt thăn vào nồi cùng với 3 thìa canh nước lọc, 2 thìa canh nước mắm, 1 thìa hạt nêm bắc lên bếp đun sôi, sau đó hạ lửa vừa kho đến khi cạn nước. Bạn có thể gia giảm độ mặn cho phù hợp với khẩu vị của gia đình. Lấy thịt lấy ra đĩa cho nguội. Cho thịt vào máy xay hoặc cối giã nhỏ thành sợi. Lưu ý chỉ xay vừa phải chứ không cần tơi quá.
Bước 3: Đổ phần ruốc heo đã xay lại chảo, đảo lại cho đến khi thịt săn khô tương đối, cho phần mỡ xay nhuyễn vào trộn thật đều. Rang lại cho xém thơm. Chỉ nên rang săn để ruốc giữ đc độ mềm ngọt, không nên rang kỹ quá, ruốc sẽ bị khô. Lấy ruốc ra đĩa, để nguội rồi cất vào lọ kín để dùng dần.

7. Ruốc thịt gà
Nguyên liệu:
- Thịt gà: 300g, nên chọn phần lườn, thịt đùi cũng được nhưng sẽ bị dính gân, ruốc sẽ cứng hơn.
- Muối: 2 thìa súp.
- Mì chính: 1 thìa súp.
- Nước mắm: 1 thìa súp.

Cách làm:
- Thịt gà thái miếng to, đem ướp với muối + mì chính + nước mắm.
- Sau đó cho thịt gà vào luộc. Cho nước vào ngập mặt thịt gà rồi đun đến khi thịt gà vừa chín tới là được.
- Chờ gà nguội 1 chút, cho vào cối giã giập, không nên giã quá mạnh tay vì thịt gà dễ nát. Sau đó, bạn lấy tay xé tơi miếng thịt ra. Không cần xé quá nhỏ.
- Thịt gà đã được xé + 1 muỗng canh nước luộc gà, cho vào chảo to đế dày lên bếp, đảo thật đều tay, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Đun lửa vừa, đến khi cạn nước thì đun lửa nhỏ cho thịt đạt đến độ ẩm yêu cầu là được.
- Nếu bạn rang ở chảo chống dính thì không sao, nhưng nếu là chào gang thì khi rang ruốc đến lúc nào đó sẽ có một ít thịt bị vụn ra dính ở phía đáy của chảo. Lúc đó không nên rang tiếp mà hãy đặt chảo ra một mặt phẳng nào đó mà nó hút nhiệt: ví dụ như sàn nhà hay cái bàn…Để ra ngoài như vậy một lúc thì lớp thịt vụn ấy sẽ tróc ra dễ dàng và bạn lại rang tiếp nhé.
- Nếu bạn nào thích ăn khô thì rang khô. Nhưng riêng ruốc làm cho trẻ em thì bắt buộc phải rang ruốc hơi ẩm và mềm.

8. Ruốc thịt gà kiểu Hoa 
Nguyên liệu:
500g thịt lườn gà
2 cái hoa hồi
1 thìa súp rượu gạo
10g nước tương
10g đường
1 chút dầu ăn
Muối vừa đủ
Vừng rang

Cách làm:
Bước 1: Thịt gà rửa sạch, thái miếng to cho vào nồi với rượu gạo, chút muối. hoa hồi và nước. Nấu thịt khoảng 15 phút.
Bước 2: Sau đó vớt thịt ra, để cho nguội hoàn toàn.
Bước 3: Sau đó xé sợi thịt rồi cho vào máy xay, xay nhỏ.
Bước 4: Đặt chảo chống dính lên bếp, thêm dầu ăn vào rồi cho thịt và nước tương vào đảo đều.
Bước 5: Tiếp theo thêm đường vào, vặn nhỏ lửa. Hong cho ruốc khô hoàn toàn.
Sau khi ruốc gà khô thì rắc vừng rang vào, trộn đều lên, để nguội hoàn toàn rồi cho vào hũ đậy kín. Món ruốc gà thơm lừng cực hợp để ăn kèm với cơm nóng hoặc xôi trắng đấy nhé! 

9. Ruốc gà kiểu mới 
Nguyên liệu: 
- 1 cái ức gà
- 150g tép khô hoặc tươi
- 50g nấm hương
- Tiêu, muối

Cách làm: 
- Ức gà luộc chín rồi vớt ra để ráo. Tép rửa sạch, để ráo rồi cho lên chảo rang khô. Nấm ngâm nở, rửa sạch, để ráo rồi thái sợi.
- Ức gà xé sợi, cho vào nồi rim với nước mắm và nấm, và tép đảo đến khi ngấm và khô ráo.
- Cho hỗn hợp ức gà và tép cùng nấm vào cối xay khô của máy xay sinh tố thêm chút hạt tiêu rôi xay mịn hoặc rối tùy ý bạn. Với công thức làm ruốc này, bạn sẽ có được món ruốc thơm phức rất dễ ăn cho bé và cả nhà, ăn cùng cơm hay xôi trắng đều ngon tuyệt!

10. Ruốc thịt bò
Nguyên liệu:
- Thịt bò: 0,5 kg (nên chọn phần thịt nạc vai hoặc thịt nạc thăn nhé)
- Tỏi: 1 củ
- Nước mắm: 3 thìa súp.
- Muối: 1 thìa súp
- Mì chính: 1 thìa café.
- Nước: 1 bát con.

Cách làm:
- Thịt bò rửa sạch, lọc bỏ gân, thái miếng to vừa.
- Cho thịt + nước mắm + 1 bát con nước vào nồi áp suất hầm khoảng 30 – 35 phút cho chín mềm nhé.
- Sau đó, bạn vớt thịt ra, chia thành từng phần nhỏ, cho vào cối giã nát, đến khi thịt nhuyễn ra, nhìn mịn rồi thì đem xé tơi ra một chút.
- Tỏi: bóc vỏ, băm nhỏ.
- Đun nóng dầu, cho tỏi vào phi thơm.
- Sau đó, bạn cho thịt bò + muối + mì chính vào xào qua, nhớ cho chỗ nước hầm bò còn lại vào chảo ruốc đun cùng (không bỏ đi vì nước hầm bò rất ngọt và nhiều chất), đun lửa vừa, đảo đều tay đến khi nước trong chảo cạn thì đun nhỏ lửa cho đến khi nào thấy ruốc khô và bông bông xốp lên là được.
- Ruốc chín bạn để nguội, rồi cất vào hộp, để tủ lạnh ăn dần. Ruốc thịt bò vẫn giữ nguyên được các thành phần dinh dưỡng, lại vô cùng tiện lợi, chế biến dễ dàng, thích hợp cho trẻ nhỏ.

11. Ruốc thịt vịt
Nguyên liệu:
500g thịt lườn vịt
1 muỗng cà phê muối
1 muỗng cà phê bột ngọt
2 muỗng canh nước mắm ngon
2 muỗng cà phê đường
1 nhánh gừng
1 chén rượu trắng
1 muỗng cà phê hành băm
1/2 muỗng cà phê sả băm

Cách làm:
Bước 1: Bạn đập dập gừng 1/2 nhánh gừng và trộn với rượu. Dùng hỗn hợp này để rửa thịt vịt nhằm khử bớt mùi hôi. Khi vịt đã sạch, bạn cắt từng miếng dài và lớn.
Bước 2: Đem thịt vịt ướp với các gia vị đã chuẩn bị trong khoảng 6 tiếng.
Bước 3: Sau khi thịt ngấm gia vị, bạn cho thịt vào nồi với 1 chén nước lọc và đun đến khi phần nước trong nồi sắp cạn thì vớt hết thịt ra ngoài để nguội.
Bước 4: Trong lúc đợi nồi thịt cạn nước, bạn đem số gừng còn lại cắt sợi chỉ thật nhuyễn. Sau đó đem gừng sao đều với ít đường và muối. 
Bước 5: Xé thịt vịt thành sợi thật tơi và đem giã hoặc xay để có phần thịt tơi bông. 
Bước 6: Cho thịt vịt vào chảo và sao đều tay. Trong lúc xào, cho thêm gừng vào sao cùng đến khi chà bông lên màu.
Lưu ý, nếu không ăn được gừng, bạn có thể bỏ qua phần sao gừng. Nhưng nếu có vị gừng sẽ giúp món chà bông của bạn thêm thơm ngon hơn. 

12. Ruốc tôm
Cách 1
Nguyên liệu:
Với món ruốc tôm nay chắc chắn thực đơn cho bữa cơm nhà bạn sẽ phong phú hơn đấy nhé.
- 150g tôm khô
- 50g ớt đỏ
- 8 củ hành tím
- 3 tép tỏi
- 4 muỗng canh đường
- ½ quả chanh
- 1/2 chén dầu ăn
- 1 muỗng canh nước tương

Cách làm:
- Nếu làm ruốc tôm cho người lớn: bạn cho hành, ớt, tỏi, đường, nước cốt chanh, ¼ chén nước vào máy xay sinh tố xay mịn.
- Nếu làm ruốc tôm cho bé: bạn cho hành, đường, nước cốt chanh và ¼ chén nước vào máy xay sinh tố xay mịn.
- Tiếp đến, bạn rửa sạch tôm khô bằng nước nóng rồi cho tôm khô vào cối giã nhuyễn. Nếu không có thời gian các bạn có thể cho vào máy xay nhưng sẽ không ngon bằng giã cối.
- Bắc chảo lên bếp cùng với một chút dầu ăn. Cho hỗn hợp hành ớt xay nhuyễn vào đảo trên lửa nhỏ liu riu khoảng 5-10 phút.
- Làm ruốc tôm cho bé, bạn cũng cho hỗn hợp không có ớt tỏi vào chảo đảo như vậy nhé!
- Giờ bạn cho tôm giã nhuyễn vào đảo đều.
- Khi tôm khô săn lại, ngấm gia vị thì bạn cho 1 muỗng canh nước tương vào, tiếp tục đảo đều cho đến khi tôm khô hẳn là xong.

Cách 2
Nguyên liệu:
- 400g tôm còn nguyên vỏ
- Muối, hạt tiêu, chút xíu đường hoặc bột nêm.

Cách làm:
- Tôm mua về rửa sạch, đổ tôm vào nồi nhỏ (không đổ nước) đun trên bếp, đậy nắp kín. Thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều để tôm được chín. Tôm sẽ ra nước, đun tôm như vậy sẽ không bị mất chất ngọt của tôm.
- Đun từ 5 đến 8 phút, tôm chín hồng, vớt ra bát.
- Bóc bỏ vỏ tôm, thịt tôm, giữ lại gạch tôm để xào chung.
- Dùng cối giã thịt tôm cho mịn.
- Đun nóng 3 thìa cà phê dầu ăn, phi tỏi thơm, đổ thịt tôm đã xay vào, dùng muỗng gỗ lớn đảo đều. Nêm vào chút muối, bột nêm hoặc đường tùy ý bạn. Cho gạch tôm (nếu có) vào xào chung.
- Xào đến lúc nào nhìn thịt tôm khô là được.
- Tắt bếp, rắc chút tiêu lên bề mặt tôm.

13. Ruốc cá quả
Nguyên liệu:
1 kg cá quả tươi (cá lóc)
3 thìa cà phê nước mắm
1 thìa cà phê hạt tiêu
1 củ gừng nhỏ

Sơ chế: 
Cá quả mổ bụng, bỏ ruột, mật (lưu ý cẩn thận khi bóc mật nếu không sẽ làm vỡ mật, gây đắng cho thịt cá), bóc mang rồi rửa sạch với nước.
Dùng dao cắt phần đầu, đuôi của cá quả để dành nấu canh chua, chỉ lấy phần thân cá thôi. Phần thân cá bạn cắt thành các khúc dài cỡ 5 cm.
Gừng gọt vỏ, rửa sạch rồi đập dập

Cách làm: 
Bước 1: Kho cá
Ướp cá quả cùng với nước mắm, hạt tiêu, gừng trong khoảng 15 phút. Cho cá quả đã ướp vào trong nồi và kho. Khi nồi cá kho sôi thì hạ nhỏ lửa và đun thêm khoảng 10 phút với lửa nhỏ cho cá chín.
Bước 2: Lọc thịt cá
Khi cá quả đã kho chín, bắc nồi xuống và để nguội rồi bắt đầu lọc bỏ da, gỡ xương chỉ lấy phần thịt cá.
Bước 3: Rang khô thịt cá
Bắc chảo lên bếp rồi bỏ phần thịt cá quả đã lọc da, xương vào rang khô. Khi rang, bạn dùng thìa to bản chà mạnh để thịt cá tơi và bông lên. Vừa chà vừa đảo đều tay để cá không bị cháy. Đến khi thấy ruốc cá khô hoàn toàn và chuyển màu vàng là được. Khi ruốc đã khô, tắt bếp, để nguội rồi cất vào lọ đậy nắp kín và ăn dần.
Lưu ý: Ruốc càng khô thì sẽ càng bảo quản được lâu.

14. Ruốc cá hồi
Nguyên liệu:
- 2 miếng cá hồi tươi, không da
- 1 khúc sả; 2 củ hành tím thái miếng vài miếng gừng thái nhỏ; 1 muỗng cà phê muối; 2 muỗng canh rượu trắng; 100 ml sữa tươi không đường

Cách làm:
Bước 1: Cá hồi rửa với nước có pha muối. Sau đó ngâm cá vào sữa tươi 40 phút.
Bước 2: Qua 40 phút, vớt cá ra, dùng khăn lau khô, xếp cá vào dĩa có gừng, rượu, muối, sả đập dập, trộn đều và cho lên xửng hấp chín.
Bước 3: Đợi cá hơi nguội, bỏ gừng, sả rồi dùng chày giã nát.
Bước 4: Cho cá đã giả tơi vào chảo không dính, bắc lên bếp xào với lửa vừa. Cứ xào, đảo cho đến khi cá tơi và khô ráo là được. Cá sau khi xào tơi - khô sẽ có màu rất đẹp. Chờ ruốc cá hồi nguội cho vào hũ, đậy kín và bảo quản nơi thoáng mát.

15. Ruốc cá rô phi
 Nguyên liệu:
– Cá rô phi (1 kg)
– Dầu ăn
– Nước mắm
– Rau thì là (nếu thích)

Cách làm:
Bước 1: Cá rô phi làm sạch, loại bỏ nội tạng và đánh bỏ vẩy, phi lê cá bỏ phần xương và đầu rồi cho vào nồi hấp.
Bước 2: Chỉ hấp vừa chín tới, không hấp cá chín quá vì như vậy cá sẽ bị mất chất dinh dưỡng. Đợi cá nguội bớt, gỡ thịt cá, bỏ xương dăm, tách lấy thịt cá.
Bước 3: Đặt chảo lên bếp đợi khô. Nêm ít nước mắm vào cá rồi cho chảo cá lên bếp đảo đều tay khoảng 3 phút thì thêm 1 chút dầu ăn vào đảo đều đến khi cá vàng đều là được. 

16. Ruốc cá nục
Nguyên liệu:
500g cá nục tươi
1 củ gừng
1 muỗng cà phê hạt nêm
1 muỗng cà phê đường
2 muỗng canh nước mắm ngon

Cách làm:
Bước 1: Làm sạch cá và đem ướp với các gia vị đã chuẩn bị khoảng 1 tiếng.
Bước 2: Đem cá nục đi hấp với vài lát gừng để có mùi thơm thật hấp dẫn. 
Bước 3: Khi cá chín, gắp cá ra ngoài để nguội. 
Bước 4: Gỡ thịt cá, lọc bỏ hết phần xương.
Bước 5: Dùng cối giã nhẹ để phần thịt cá nục tơi ra.
Bước 6: Đem cá đã giã sao khô với lửa nhỏ. Trong lúc sao luôn nhớ đảo đều tay để cá không bị cháy phần dưới đáy chảo. Khi thấy chà bông khô và đổi màu vàng đẹp, bạn có thể tắt bếp. Bảo quản chà bông cá nục trong hũ kín và để nơi thoáng mát. 

17. Ruốc cá thu 
Nguyên liệu:
1 kg cá thu
1 trái dừa
3 muỗng canh nước mắm ngon
1 muỗng cà phê đường
3 củ hành băm
1 muỗng cà phê các gia vị: hạt nêm, bột ngọt và muối

Cách làm:
Bước 1: Rửa sạch cá và lóc bỏ xương, da. Sau đó cắt miếng lớn và ướp với các gia vị đã chuẩn bị.
Bước 2: Cho ít dầu vào nồi và phi thơm hành. Sau đó cho cá vào kho với nước lọc và nước dừa theo tỷ lệ 2 nước lọc: 1 nước dừa. 
Bước 3: Khi cá sắp cạn nước, bạn lấy cá ra ngoài để nguội và đem giã nhẹ để cá tơi ra. 
Bước 4: Để cá ráo khô một lúc, bạn cho lên chảo và sao đến khi chà bông khô.
Đợi chà bông cá thu thật nguội, bạn cho vào hũ và đậy kín. 

18. Ruốc cá chép 
Nguyên liệu:
- Cá chép: 1 con (khoảng 0,5-1kg, nếu bạn chọn cá quá nhỏ thì sẽ khó gỡ xương)
- Nước mắm: 3 thìa súp
- Hạt tiêu: 1 thìa cafe
- Gừng: 1 nhánh

Cách làm:
- Cá chép đem rửa sach, đánh vẩy. Sau đó rửa lại rồi bóc mang, mổ bụng, bỏ hết phần nội tạng bên trong, chú ý kẻo vỡ mật cá mà không biết khi làm ruốc sẽ có vị đắng. Nên chọn cá có trứng là ngon nhất, vì khi rang thịt cá với trứng cá sẽ tạo nên màu rất đẹp.
- Gừng gọt vỏ, giã giập.
- Cho cá + nước mắm + hạt tiêu + gừng vào tô, ướp sao cho các mặt của cá đều thấm gia vị nhé, để trong 15 phút. Gừng có tác dụng khử bớt mùi tanh của cá các bạn nhé.
- Sau đó, cho cá vào nồi hấp cách thủy cho chín.
- Cá chín vớt ra, đợi cá nguội bớt thì lọc da và gỡ xương, cho phần thịt cá vào chảo nóng, rang khô.
- Trong khi rang, dùng thìa to chà mạnh lên miếng thịt cá để cho thịt cá tơi ra và bông lên, càng chà, thịt càng bông. Lưu ý là vừa chà, các bạn phải vừa đảo đều tay, rang cho đến khi ruốc khô lại, ngả màu vàng là được. Không nên rang quá khô vì ruốc không ngon, còn nếu ruốc ẩm quá thì dễ bị mốc, không để lâu được.
- Ruốc khô, tắt bếp, để nguội rồi cho vào lọ, bảo quản trong tủ lạnh ăn dần nhé.

19. Ruốc cua 
Nguyên liệu:
4-5 kg cua sống (cho được 1kg chà bông cua)
2 củ hành tím
2 muỗng cà phê muối
1 muỗng cà phê đường
1 muỗng cà phê bột ngọt
1 muỗng canh nước mắm ngon

Cách làm:
Bước 1: Đem cua đi hấp với ít muối cho chín sau đó để nguội và gỡ lấy thịt. Công đoạn này sẽ ngốn của bạn không ít thời gian nhưng thành quả sau cùng sẽ bù đắp công sức của bạn. 
Bước 2: Phi thơm hành tím trên chảo nóng và cho cua vào đảo đều.
Bước 3: Cho thịt cua vào thố và dùng muỗng tán đều để làm tơi thịt cua. 
Bước 4: Cho thịt cua vào chảo và sao đến thịt cua tơi bông và khô ráo. Đợi đến khi chà bông cua nguội hẳn, bạn hãy cho tất cả vào hũ, đậy kín và dùng dần.
Lưu ý: Muốn chà bông cua để được lâu, tốt nhất bạn không nên cho thêm nguyên liệu và phẩm màu vào nhé!

20. Ruốc ếch 
Nguyên liệu:
2kg ếch
2 củ hành tím
1 muỗng cà phê sả băm
1 muỗng cà phê ớt băm
2 muỗng cà phê muối
1 muỗng cà phê đường
1 muỗng cà phê bột ngọt
1 muỗng canh nước mắm ngon

Cách làm:
Bước 1: Nếu bạn không thể lột da ếch, hãy nhờ người bán làm sẵn. Cách khác, bạn có thể mua thịt ếch làm sẵn và bỏ đông trong siêu thị. Khi đã có phần thịt ếch, bạn đem ướp với các gia vị đã chuẩn bị trong khoảng 2 tiếng.
Bước 2: Sau khi thịt ếch thấm gia vị, bạn cho vào nồi kho chung với phần nước ướp và chút nước lọc. Đến khi nồi thịt gần cạn nước thì vớt thịt ra ngoài và để nguội.
Bước 3: Gỡ thịt ếch, lọc bỏ xương.
Bước 4: Dùng cối giã thịt để làm tơi bông.
Bước 5: Đem thịt sao trên chảo nóng cho đến khi chà bông thật khô. Khi chà bông nguội, bạn cho vào hũ, đậy kín nắp và dùng dần.

21. Ruốc nấm
Nguyên liệu: 
- Chân nấm khô
- Dầu ăn
- Gia vị, mì chính, nước mắm/xì dầu

Cách làm: 
Bước 1: Đem chân nấm ra rửa sạch với nước.
Bước 2: Ngâm nước khoảng 3-4h cho chân nấm nở mềm.
Bước 3: Cắt bỏ phần vỏ đen, cứng ở chân nấm.
Bước 4: Rửa sạch nấm lại với nước rồi cho vào nồi đun trong khoảng 10’.
Bước 5: Vớt ra cho ráo nước, chờ nguội rồi xé nhỏ.
Mách nhỏ: nếu ngại xé thì các bạn có thể cho vào xay nhanh trong máy xay sinh tố nhưng làm vậy thì ruốc sẽ bị vụn đấy nhé!
Bước 6: Cho từng phần vào cối giã tơi.
Bước 7: Xào nấm với các loại gia vị đến khi khô sợi. Với người ăn chay thì mình nên thay nước mắm bằng xì dầu nhé! Vậy là ruốc nấm siêu hấp dẫn đã hoàn thành rồi!

22. Ruốc nấm hương
Nguyên liệu:
- Chân nấm hương: 200g
- Muối: 1 thìa súp.
- Mì chính: 1 thìa cafe.
- Dầu ăn từ thực vật: 1 muỗng canh.

Cách làm:
- Ruốc nấm được làm từ chân nấm hương nên khi mua, các bạn chỉ cần mua chân nấm hương khô thôi, không cần mua cả cây. Chân nấm hương nhặt sạch, cắt bỏ phần chân đen (chỗ tiếp xúc với gỗ), đem rửa lại với nước lạnh.
- Ngâm chân nấm hương bằng nước nóng trong 20 phút. Sau đó các bạn vớt chân nấm ra, để ráo. Phần nước ngâm các bạn giữ lại.
- Dùng tay/dao xé chân nấm ra thành những sợi nhỏ, khi giã sẽ dễ dàng và nhanh hơn.
- Chia chân nấm đã xé thành từng phần và cho vào cối giã nát.
- Bắc chảo lên bếp, cho chân nấm đã giã vào chảo, đảo qua, sau đó cho phần nước ngâm vào đun cùng vì sẽ làm cho ruốc ngọt hơn, để lửa to. Khi nước cạn, bạn cho dầu ăn + mì chính + muối vào, để lửa nhỏ vừa, đảo đều tay vào liên tục cho đến khi ruốc khô lại là được. Vì là món chay nên các bạn phải dùng dầu ăn làm từ thực vật và không được dùng nước mắm. Không nên rang ruốc quá khô vì sợi ruốc sẽ rất dai, cũng không nên để ẩm quá vì ruốc không để lâu được.
- Ruốc chay khô, để nguội, trữ trong lọ có nắp đậy, bảo quản trong tủ lạnh được một tuần.
- Ruốc nấm hương chay có hương vị hấp dẫn, lại giàu dinh dưỡng, rất tốt đối với nhữn người ăn chay.


*Girlandlittlething tìm kiếm, tổng hợp và chọn lọc từ rất nhiều nguồn để mang đến bộ công thức làm Chà bông các loại chất lượng nhất, dễ làm nhất. 

0 comments :