Thursday, September 13, 2018

Cách làm 22 món ngon và đẹp lung linh với hoa đậu biếc

Bổ sung ngay những món tuyệt vời với hoa đậu biếc này vào sổ tay nấu ăn của bạn nhé! 
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu một chút về cây và hoa đậu biếc nào...
Cây bông biếc còn gọi là cây đậu tím, cây đậu biếc. Người ta dùng rễ của loại cây này làm thuốc chữa bệnh. Rễ cây có vị chát, đắng, chứa các chất có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, gây xổ, làm dịu và săn da.
- Công dụng của hoa bông biếc thể hiện ở việc nó có chứa blue-proanthocyanidin là một chất chống oxy hóa mạnh tốt cho mắt, da và tóc... Các chất chống oxy hóa proanthocyanidin có trong hoa bông biếc giúp cải thiện dòng chảy của máu qua các mao mạch của mắt. Điều này giúp mắt thích nghi nhanh hơn với những thay đổi trong ánh sáng và cải thiện độ sắc nét của thị lực.
- Trà hoa bông biếc sẽ giúp cải thiện sức khỏe tế bào bằng cách ngăn chặn các tác động có hại của các gốc tự do gây ra. Đặc biệt, loại trà này còn giúp giảm nguy cơ ung thư và tình trạng lão hóa sớm. Khi bạn sử dụng trà bông biếc trong nhiều năm có thể giúp cải thiện lưu thông máu đến đầu, tránh rụng và bạc tóc.

1. Bánh crepe hoa đậu biếc
Nguyên liệu (cho 25-30 lớp bánh): 
Phần bánh: 
650g sữa (ở nhiệt độ thường)
240g bột mì đa dụng
90g đường
4 quả trứng (ở nhiệt độ thường) 
50g bơ (đun chảy)
15g hoa đậu biếc khô 

Phần nhân kem: 
500ml kem tươi
5 tbsp đường 
Trái cây tươi (nếu muốn) 

Cách làm: 
- Trước khi bắt đầu làm bánh khoảng 20-30 phút, cho hoa đậu biếc và sữa vào nồi, hâm nóng sữa rồi tắt bếp, đậy vung. 
- Rây bột vào âu to. Thêm đường rồi trộn đều bằng phới lồng.
- Đập trứng vào âu, trộn kỹ. 
- Rây hỗn hợp trứng bột đường để tránh vón cục. 
- Tiếp tục rót sữa hoa đậu biếc đã chuẩn bị vào hỗn hợp vừa rây. 
- Thêm bơ vào, khuấy kỹ. 
- Đậy kín hỗn hợp, để vào ngăn mát 30 phút hoặc lâu hơn càng tốt. 
- Sau khi bột đã mát lạnh. Bắc chảo lên bếp, bật lửa trung bình thấp. Thêm một chút bơ và múc một muôi nhỏ bột. 
- Khi viền bánh bắt đầu khô lại sau khoảng 1 phút, bạn lật mặt bánh và đợi thêm một chút là bánh đạt. Làm tương tự cho đến khi hết số bột. 
- Xếp các lớp bánh crepe ra đĩa, dùng một âu tròn hoặc bát úp xuống và cắt mép bánh thừa để được những lớp bánh đều nhau. Đợi bánh nguội hẳn. 
- Đánh bông kem tươi, từ từ thêm đường trong quá trình đánh. Đánh kem đến khi kem bông cứng là được. Bạn có thể trộn "fold" thêm trái cây tươi thái nhỏ nếu thích. 
- Khi bánh nguội, xếp một lớp bánh rồi phết kem đánh bông lên trên đều mặt bánh, tiếp tục xếp lớp bánh thứ 2 và làm tương tự đến hết số lớp bánh đã chuẩn bị. 
- Trang trí với trái cây hoặc đường bột hoặc hoa đậu biếc tươi tuỳ thích.

2. Bánh bông lan hoa đậu biếc

3. Bánh Flan hoa đậu biếc

4. Rau câu hoa đậu biếc 2 tầng
Nguyên liệu: 
Nước cốt hoa đậu biếc:
50 bông hoa đậu biếc khô
100ml nước

Hỗn hợp rau câu: 
400ml nước
6g bột rau câu 
100g đường
200ml nước cốt dừa
1/4 tsp muối
Lá dứa (không bắt buộc) 
Tinh chất vani (không bắt buộc) 

Cách làm: 
Nước cốt hoa đậu biếc: 
- Rửa sạch hoa đậu biếc rồi đun sôi cùng nước. Đến khi hỗn hợp chuyển màu xanh đen thì tắt bếp. 
- Lọc hoa đậu biếc lấy nước cốt. 

Hỗn hợp rau câu: 
- Cho nước, bột rau câu và đường vào nồi. Khuấy đều và đun sôi hỗn hợp, lưu ý khuấy kỹ để đảm bảo bột rau câu đã tan hoàn toàn. 
- Thêm lá dứa cho thơm (nếu muốn) rồi tắt bếp. Gắp lá dứa ra. 
- Từ từ rót nước cốt hoa đậu biếc vào nồi (màu rau câu đậm hoặc nhạt tuỳ lượng nước cốt mà bạn muốn dùng), khuấy đều và đun sôi, có thể thêm tinh chất vani nếu thích. 
- Tiếp tục thêm nước cốt dừa và muối vào, khuấy một lần nữa cho đều, đun sôi trong vài phút rồi tắt bếp. 
- Múc hỗn hợp ra khuôn. Lưu ý tránh nổi bỏng bỏng trên bề mặt rau câu khi múc. 
- Để nguội hoàn toàn cho rau câu đông lại, lúc này rau câu sẽ từ từ chuyển thành 2 tầng rất đẹp. 
- Đặt rau câu vào ngăn mát vài tiếng trước khi thưởng thức. 

5. Bánh trôi hoa đậu biếc

6. Bánh Trung Thu hoa đậu biếc
Cách 1: 
Nguyên liệu: 
Hoa đậu biếc: 10 bông
Bột dành dành: 3g
Nước đường bánh dẻo: 480g
Bột bánh dẻo: 300g
Nhân sên sẵn: đậu xanh, sữa dừa ….
Dầu dừa hoặc dầu ăn: 45g
Nước hoa bưởi: 15ml

Cách làm:
Bước 1: Ngâm hoa đậu biếc và bột dành dành với 30g nước sôi vào 2 bát riêng biệt. Lọc bỏ bã hoa đậu biếc và bột dành dành, giữ lấy mỗi loại 30g nước cốt.
Bước 2: Cho 150g nước đường bánh dẻo, 15ml nước hoa bưởi, 15g dầu dừa/ dầu ăn vào âu số 1 trộn đều.
Bước 3: Đổ nước hoa đậu biếc vào âu nước đường ở trên khuấy đều. Cho bột bánh dẻo vào âu số 1 trộn trước bằng phới, rồi sau đó bạn nhào bột thật đều và nhanh bằng tay. Lưu ý nếu nhồi lâu, bánh dẻo sẽ bị chai và khô. Khi bột đạt, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại để bột bánh không bị khô.
Bước 4: Làm tương tự với màu dành dành, riêng màu trắng thì tăng lượng nước đường thành 180g do không có nước cốt tạo màu.
Bước 5: Nặn nhân thành từng viên tròn nhỏ. Mình sử dụng khuôn 50g nên mình chia nhân thành từng viên nặng 20g.
Bước 6: Chia vỏ bánh thành từng viên nặng 30g. Cán mỏng vỏ bánh, đặt nhân vào giữa rồi vo tròn để vỏ bánh bao kín phần nhân.
Bước 7: Áo một lớp bột bánh dẻo bên ngoài vỏ bánh để chống dính rồi bạn cho bánh vào khuôn nhấn tạo hình. 
Bước 8: Làm lần lượt như vậy với các loại bột màu còn lại.

Cách 2:
Nguyên liệu:
Vỏ bánh:
– Nước cốt hoa đậu biếc: 30g
– Nước đường bánh dẻo: 150g
– Dầu dừa: 15g
– Bột bánh dẻo: 100g
– Nước hoa bưởi: 5ml

Nhân sữa dừa:
– Dừa tươi nạo sợi: 200g
– Sữa đặc: 90g
– Nước cốt dừa: 100g
– Bột bánh dẻo: 25 – 30g
– Vừng trắng: 30 – 40g
– Vani: 5ml

Cách làm: 
Nhân sữa dừa: 
Bước 1: Vì vỏ bánh dẻo Trung thu nhanh khô và chai khi để lâu ngoài trời nên bạn cần làm hoặc chuẩn bị nhân bánh dẻo Trung thu trước.
Bước 2: Dừa tươi nạo sợi nhỏ rồi trộn với sữa đặc. Lượng sữa có thể điều chỉnh tùy theo khẩu vị thích ăn nhạt hay ngọt của bạn. Để khoảng 30 – 45 phút cho dừa ngấm sữa.
Bước 3: Cho nước cốt dừa vào chảo chống dính, đun lửa gần to đến khi nước cốt dừa sôi, có hơi nước bay lên thì cho dừa trộn sữa đặc vào. Đảo đều và hạ lửa vừa nếu không hỗn hợp sẽ cháy. Sên nhân đến khi nước bay hơi gần hết, sợi dừa hơi se lại thì bắc ra khỏi bếp.
Bước 4: Cho bột bánh dẻo, vừng trắng và vani vào trộn đều. Một công thức sẽ làm được khoảng 320 – 330g nhân. Nếu muốn nhân béo ngậy và thơm mùi sữa hơn, bạn có thể cho thêm 20 – 25g sữa bột vào trộn cùng với sữa đặc và dừa.

Lưu ý:
– Bạn không nên sên nhân quá khô sẽ khó nặn, nhưng cũng không nên sên quá ướt vì nếu nhiều nước nhân sẽ dễ bị hỏng và mốc hơn, làm bánh bị ngấm nước.
– Lượng bột bánh dẻo có thể thay đổi tùy vào độ ướt/ khô của nhân. Nên cho từng chút một và trộn thử, khi nào nhân bánh dẻo vừa đủ độ dính, có thể nắm lại thành viên thì dừng lại.
– Nhân sữa dừa thường không để được lâu ở nhiệt độ phòng, đặc biệt cho làm bánh dẻo Trung thu nên bạn làm bánh và dùng bánh càng sớm càng tốt.
– Với cách làm bánh dẻo Trung thu trên, nếu bạn thích nhân sữa dừa cũng màu xanh giống vỏ bánh dẻo Trung thu thì có thể cho thêm màu hoa đậu biếc vào. 

Vỏ bánh: 
Bước 1: Cho nước đường bánh dẻo, nước hoa bưởi, dầu dừa vào âu trộn đều. Sau đó cho từ từ nước hoa đậu biếc vào.
Bước 2: Cho bột bánh dẻo vào trộn trước bằng phới (spatula) rồi sau đó bạn đi găng tay và nhào bột thật đều và nhanh tay. Nếu nhồi lâu, bánh dẻo Trung thu sẽ bị chai và khô.
Bước 3: Khi bột đạt, bạn dùng màng bọc thực phẩm gói kín lại để bột bánh Trung thu dẻo không bị khô.

Đóng bánh:
– Bước 1: Khác với bánh nướng là vỏ và nhân tỉ lệ 1:2 thì với cách làm bánh dẻo Trung thu, cứ 100g vỏ thì 50g nhân (tỉ lệ 2:1).
– Bước 2: Áo một lớp bột nếp bên ngoài vỏ để chống dính rồi bạn nhấn bánh tạo hình. Bánh dẻo Trung thu nên ăn luôn sau khi làm hoặc bảo quản được từ 2 – 3 ngày sẽ ngon hơn.
Thay vì làm bánh dẻo truyền thống đã quá quen thuộc với chỉ một màu trắng tinh, bạn hãy thử cách làm bánh dẻo đầy màu sắc và rực rỡ như những bông hoa này nhé! 

7. Mứt dừa hoa đậu biếc
Nguyên liệu:
500g cùi dừa non( hơi bánh tẻ, đã gọt vỏ vàng nâu bên ngoài)
5g hoa đậu biếc khô
200g đường trắng
50g sữa đặc

Cách làm: 
- Hoa đậu biếc khô đem hãm cùng 350ml nước sôi, để từ 5 - 7 phút cho hoa thôi hết màu
- Cùi dừa non rửa sạch, thái sợi khoảng 1 - 2 cm. Dừa sợi ngâm cùng nước hoa đậu biếc chừng 2 tiếng cho dừa ngấm màu xanh dương rồi đem vớt dừa ra. Phần nước ngâm dừa hòa thêm cùng sữa đặc, khuấy đều cho tan sữa
- Dừa đã ngâm nước hoa đậu biếc để ráo nước, cho đường trắng vào đảo đều, đem ướp dừa với đường khoảng 1 tiếng
- Sau 1 tiếng cho dừa ngâm đường và nước đường ngâm dừa vào chảo chống dính để sên. Lúc đầu đun to lửa để nước sên dừa mau sôi, Nước đường sôi hạ nhỏ lửa, đảo liên tục và đều tay. Thấy nước sên dừa hơi sệt lại thì cho hỗn hợp nước hoa đậu biếc và sữa vào.
- Bật to lửa đun nước sôi rồi hạ lửa vừa, liên tục đảo dừa đều tay, không để cho dừa bị cháy khét. Đến khi thấy nước cạn, đảo thấy nặng tay thì bật lửa ở mức nhỏ nhất, đảo mứt dừa cho đến khi thấy lớp đường trắng cô lại, dừa hơi khô ráo thì tắt bếp. Tiếp tục trộn và làm tơi mứt dừa trong chảo cho đến khi mứt dừa khô hoàn toàn.
- Mứt dừa khô ráo có lớp áo đường bán quanh mứt, miếng dừa có màu xanh dương là đã được. Để mứt dừa nguội hẳn, rồi rũ nhẹ cho lớp đường bám quanh mứt rơi bớt, cho mứt dừa vào lọ thủy tinh có nắp đạy kín để bảo quản và dùng dần. Không sử dụng hết có thể để bảo quản trong tủ lạnh
- Khi thưởng thức bạn sẽ thấy mứt có màu xanh bắt mắt, dừa ăn không quá ngọt và có mùi thơm của sữa dừa. Màu xanh được làm hoàn toàn từ thiên nhiên, lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nữa.

8. Kem hoa đậu biếc
Nguyên liệu: 
2g đậu biếc khô
320ml nước nóng
30g mật ong
80g hạt chia

Cách làm: 
- Thả đậu biếc khô vào nước nóng, hãm trong vòng 15-20 phút để hoa ra màu. Vớt bỏ xác hoa.
- Cho mật ong vào nước cốt đậu biếc, quấy đều cho mật ong tan. Thêm hạt chia vào hòa đều. Ngâm hạt chia với nước đậu biếc khoảng 10-15 phút cho hạt chia nở ra. Rót vào khuôn kem, cắm que.
- Muốn có kem màu tím, vắt thêm một chút nước cốt chanh vào.

9. Thạch củ năng hoa đậu biếc
Nguyên liệu:
Thạch củ năng hoa đậu biếc:
200g củ năng (đã gọt vỏ và cắt hạt lựu)
200g đường
8g hoa đậu biếc khô
5 muỗng canh bột năng
1 muỗng cà phê tinh chất vani
400ml nước.

Thạch rau câu:
3 g rau câu giòn (agar agar)
3g rau câu dẻo (jelly)
300g đường
300ml nước
5 muỗng canh siro đậu biếc

Nước cốt dừa sữa tươi bột báng:
300ml nước cốt dừa
100ml sữa tươi không đường
100g đường
15g bột báng
1,5 muỗng canh bột bắp
5 lá dứa, 1 ít muối

200g dừa nước
1 quả xoài
300g Cơm dừa nạo
1 hũ kem dừa

Cách làm:
Thạch củ năng và dừa nước hoa đậu biếc:
- Đun sôi 400ml nước và 200gr đường rồi cho 8gr hoa đậu biếc khô vào nấu chung 5 phút cho ra màu tím. Tắt bếp, múc để riêng 5 muỗng canh siro ra chén.
- Củ năng cắt hạt lựu nhỏ, đem ngâm vào siro hoa đậu biếc cùng với 1 muỗng cà phê vani 2 tiếng để ngấm vị ngọt và màu sắc.
- Sau đó đổ hỗn hợp vào nồi đem đun sôi liu riu 20 phút để màu đậu biếc hoàn toàn ngấm vào củ năng. (Có thể bỏ qua bước này nếu bạn có nhiều thời gian ngâm củ năng hơn.)
- Trong thời gian luộc củ năng bạn có thể cho dừa nước vào luộc chung để lấy màu hoặc đợi luộc xong củ năng cũng được. Vớt dừa nước và củ năng ra để ráo.
- Cho củ năng ra tô, đầu tiên múc vào đây 3 muỗng canh bột năng rồi trộn đều cho bột năng áo một lớp mỏng quanh củ năng. Sau đó bạn múc thêm 2 muỗng canh bột năng nữa, tiếp tục trộn đều. Rây củ năng để bột vụn rớt ra bớt.
- Đun sôi siro đường lúc nãy cùng 300ml nước rồi hạ lửa nhỏ, cho củ năng vào luộc chín rồi vớt ra cho vào tô nước đá lạnh. Khi củ năng nguội hẳn thì múc ra để ráo (có thể trộn với siro đường để tránh thạch dính vào nhau nếu cất vào tủ lạnh chưa ăn ngay).

Thạch rau câu hoa đậu biếc: 
- Ngâm bột rau câu giòn cùng với nước lọc 30 phút. Pha bột rau câu dẻo cùng với đường.
- Sau 30p đun sôi hỗn hợp rau câu giòn, khuấy đều nước rồi từ từ đổ rau câu dẻo và đường vào, khuấy đều cho hòa tan. Đun hỗn hợp trên bếp cho đến khi sôi bùng lên thì nhắc xuống.
- Chế siro hoa đậu biếc vào, khuấy đều rồi đổ rau câu ra khay hoặc dĩa hơi trũng chờ rau câu đông.
- Cắt rau câu ra thành những sợi mỏng dài hoặc cắt hạt lựu tùy ý thích.

Nước cốt dừa sữa tươi bột báng:
- Bột báng rửa sạch, ngâm với nước ấm cho nở.
- Cho nước cốt dừa, sữa tươi không đường, đường, bột năng, bột báng vào nồi. Đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều tay đến khi thấy nước cốt dừa đạt độ sệt vừa ý thì nhắc xuống.

10. Trân châu hoa đậu biếc
Nguyên liệu: 
Bột rau câu giòn 3 gr
Bột rau câu dẻo 10 gr
Đường trắng 145 gr
Dầu ăn 150 ml
Nước cốt chanh dây 15 ml
Hoa đậu biếc 15 gr

Cách làm: 
Bước 1: Trộn 10gr rau câu dẻo vào 130gr đường cát cho hòa quyện. Nấu 500ml nước rồi cho 3gr rau câu giòn vào khuấy tan, tiếp theo cho hỗn hợp đường rau câu dẻo vào, khuấy liên tục cho tan hết rau câu.
Bước 2: Hãm 15gr hoa đậu biếc với 100ml nước sôi là ta đã có trà hoa đậu biếc. Đổ 100ml trà đậu biếc vào nồi rau câu trộn đều, đến khi sôi rồi tắt bếp và rót vào chai nhựa sạch có đầu nhọn (như chai tương ăn phở, hoặc bạn có thể dùng chai tương ớt rửa sạch cũng được).
Bước 3: Chuẩn bị 1 tô lớn nước lạnh, sau đó đổ 150ml dầu ăn vào. Nhỏ từng giọt rau câu vào tô, giọt rau câu qua lớp dầu sẽ tạo thành hình viên tròn đều, sau đó sẽ chìm xuống phần nước đá để đông cứng lại, thành viên trân châu đậu biếc. Bạn nhớ rửa trân châu lại bằng nước cho sạch lớp dầu ăn nhé.
Bước 4: Pha 1 muỗng canh đường vào 100ml nước trà đậu biếc. Khuấy tan và cho thêm 15ml chanh vào, vậy là ta đã có trà đậu biếc chua chua ngọt ngọt.
Bước 5: Vậy là trà trân châu đậu biếc đã hoàn thành với vị chua chua ngọt ngọt, uống kèm trân châu dai dai với màu sắc đẹp mắt. Bạn cũng có thể biến tấu thành trà sữa trân châu đậu biếc với lớp milkfoam.

11.Trà sữa hoa đậu biếc

12. Trà hoa đậu biếc Macchiato 

13. Siro hoa đậu biếc
Nguyên liệu:
Hoa đậu biếc: 30 bông
Nước lọc: 1 lít
Đường: 200g

Cách làm:
Bước 1: Hoa đậu biếc rửa sạch, bỏ vào nồi ngâm với nước khoảng 30 phút
Bước 2: Bắc nồi ngâm hoa đậu biếc lên bếp, đun sôi
Lưu ý: khi đun phải mở nắp nồi, không được đóng nắp
Bước 3: Khi thấy hoa đã nhả hết màu, vớt hoa ra. Sau đó thêm đường, đun đến khi đường tan hết thì tắt bếp, để nguội. Cho vào tủ lạnh dùng dần. Khi dùng lấy ra 1 ít pha cùng nước ấm, thêm 1 ít đá bào
Chỉ với những bước đơn giản, các bạn đã có ngay siro hoa đậu biếc để uống giải nhiệt mỗi khi mua hè đến rồi. Vừa mát lại vừa đảm bảo sức khỏe. Chúc các bạn thành công!

14. Sữa chua vải hoa đậu biếc
Nguyên liệu:
500g vải
500ml sữa chua ít đường
100g bột báng
10g hoa đậu biếc khô
200ml nước (đun vải) 
100g đường

Cách làm:
- Bột báng bột báng ngâm nước 15p, rồi rửa lại. Bắc một nồi nước lên bếp, cho bột báng vào. Thêm chút đường và một nửa số hoa đậu biếc khô.
- Khi nấu bột báng bạn nên quấy đều tay liên tục để bột báng chín đều, không bị bám vào đáy nồi gây cháy khét. Khi bột báng chuyển trong suốt là bột đã chín, vớt bột báng ra ngâm vào 1 bát nước lạnh.
- Vải bóc vỏ, bỏ hạt. Chuẩn bị 1 nồi nước để thả vải vào, thêm đường và chỗ hoa đậu biếc còn lại. Đảo đều tay liên tục, rim đến khi vải thấm đường và có màu xanh đẹp mắt.
- Xếp vải ra đĩa, dùng thìa nhỏ múc bột báng nhồi vào trong quả vải.
- Lấy sữa chua trộn đều với phần nước vải đậu biếc vừa rim vải vào trộn đều, thu được phần sữa chua vị vải màu xanh.
- Lần lượt cho bột báng, sữa chua vải và vải vào bát rồi thưởng thức. Ngon hơn khi để lạnh.

15. Chè khúc bạch hoa đậu biếc
Nguyên liệu:
- 250ml kem tươi heavy cream (fat >35%)
- 220ml sữa tươi không đường
- 8 lá gelatin cắt nhỏ
- 1kg nhãn
- 60gr đường cát trắng, 60gr đường phèn
- 3gr hoa đậu biếc khô
- Hạnh nhân thái lát, chiết xuất vani, muối

Cách làm:
Bước 1: Bóc vỏ, tách hạt và rửa sạch nhãn. Ướp thịt nhãn với 15gr đường cát trong 20 phút.
Bước 2: Nấu sôi 1l nước, cho đường phèn và chút xíu muối vào khuấy tan thì cho nhãn đã ướp vào. Nấu tới khi thịt nhãn đổi màu đục và nổi lên mặt nước thì tắt bếp.
Bước 3: Ngâm lá gelatin trong 100ml sữa tươi đến khi gelatin thấm đều sữa và nở mềm.
Bước 4: Ngâm hoa đậu biếc khô vào 30ml nước nóng trong 15 phút cho hoa ra màu.
Bước 5: Nấu cách thủy phần gelatin đã ngâm sữa, khuấy đều từ đáy tô lên đến khi gelatin tan hoàn toàn thì từ từ cho tiếp sữa tươi và kem tươi vào cùng ½ muỗng cà phê vani. Tiếp tục nấu cách thủy, cho 45gr đường cát vào nấu đến khi đường tan thì tắt bếp.
Bước 6: Từ từ cho từng muỗng nhỏ màu hoa vào tô kem sữa, khuấy nhẹ nhàng tới khi màu hòa quyện hoàn toàn thì tiếp tục cho thêm.
Bước 7: Rót hỗn hợp kem sữa vào khuôn sao cho kem sữa dày khoảng 1cm. Để vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4-5 giờ cho đông lại và cắt thành từng khối vuông.

16. Chè thạch bi hoa đậu biếc
Nguyên liệu:
- 2 chén nước cốt hoa đậu biếc
- 1/2 muỗng canh bột thạch rau câu con cá dẻo
- 3 chén nước cốt dừa
- 2 chiếc lá dứa
- 1 chén đường
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 100gram thịt dừa bào sợi mỏng
- 1/2 chén đường
- Khuôn thạch viên bi

Cách làm:
Bước 1: Đun nước cốt hoa đậu biếc trên lửa vừa cùng với đường và bột thạch. Khuấy đều tay cho đường và bột thạch tan hết, đun đến khi sôi thì tắt bếp.
Bước 2: Múc thạch đổ vào đầy các ô tròn của 1 nửa khuôn thạch viên bi sau đó lấy nửa khuôn còn lại đậy lên. Cho vào ngăn mát tủ lạnh đến khi thạch đông.
Bước 3: Cho nước cốt dừa và lá dứa vào nồi đun sôi.
Bước 4: Khi nước cốt dừa bắt đầu sôi thì bạn cho 1/2 chén đường và muối vào khuấy đều cho tan hết.
Bước 5: Cho từng viên thạch hoa đậu biếc ra bát sau đó rưới nước cốt dừa, rắc dừa non lên trên là xong. Chè thạch hoa đậu biếc có hương vị thơm ngon thanh mát lại rất bắt mắt.

17. Chè Thái hoa đậu biếc
Nguyên liệu (dành cho 3 người):
Nước: 1 lít
Hoa đậu biếc: 50g
Bột năng: 200g
Bột gạo: 20g
Siro đường: 30 ml
Nước cốt dừa: 50 ml
Mít: 20g
Đá lạnh: 1 cốc

Cách làm: 
Bước 1: Đun sôi nước với hoa đậu biếc. Vớt hoa ra
Bước 2: Trộn đều bột năng với bột gạo. Thêm nước luộc hoa đậu biếc vào nhào mịn.
Bước 3: Cán bột mỏng, thái sợi nhỏ rồi đem luộc chín, vớt ra ngâm nước lạnh 5 phút.
Bước 4: Cho trân châu vào cốc, thêm siro đường, đá, nước cốt dừa, mít lên trên là bạn đã hoàn thành món chè Thái hoa đậu biếc thanh mát, thơm ngon rồi đó.

18. Chè vải rau câu hoa đậu biếc
Nguyên liệu: 
Phần thạch màu xanh:
600ml nước
100g đường
1/2 gói bột thạch rau câu dẻo
1 gói nhỏ hoa đậu biếc khô 

Phần chè vải: 
Vải tươi, nước dừa tươi.

Cách làm: 
- Làm phần thạch, trước tiên bạn trộn đều đường và bột rau câu trong 1 chiếc bát.
- Cho hoa đậu biếc khô vào bát và thêm khoảng 50ml nước sôi và khuấy đều, ngâm 5 phút cho hoa ra màu rồi lọc lấy nước cốt. Phần nước dừa tươi đem cất tủ lạnh khi ăn mới lấy ra.
- Đổ nước vào nồi đun sôi sau đó vừa khuấy vừa đổ từ từ hỗn hợp đường bột thạch vào cùng, nấu vài phút cho hỗn hợp rau câu trong lại sau đó mời chắt phần nước hoa đậu biếc vào cùng, khuấy đều và nấu cho rau câu sôi trở lại là tắt bếp.
- Đổ rau câu ra khuôn để cho nguội hẳn sau đó đem cất tủ lạnh 2 tiếng, lấy rau câu ra và cắt thành những khúc vuông vừa nhỏ.
- Vải đem bóc sạch vỏ sau đó dùng dao mũi nhọn hoặc mũi kéo, lách xung quanh và nhẹ nhàng lấy hạt vải ra, bạn nên khéo léo để quả vải còn nguyên vẹn sẽ đẹp hơn.
- Tiếp theo bạn lấy viên rau câu cho vào những quả vải đã được lấy hạt, tiếp tục làm như vậy cho tới khi nguyên liệu đủ sử dụng là được.
- Sau cùng bạn xếp những quả vải bọc rau câu vào bát rồi rót nước dừa tươi vào cùng và thưởng thức, nếu thích bạn có thể cho thêm rau câu vào bát chè ăn kèm.

19. Cơm hoa đậu biếc
Nguyên liệu:
1 bát gạo thơm
5 bông hoa đậu biếc
160ml nước

Cách làm:
Bước 1: Hoa đậu biếc các bạn đem rửa sạch
Bước 2:Cho hoa đậu biếc vào nồi, thêm 160ml nước vào cùng rồi bắc lên bếp đun. Sau đó, nhặt bỏ xác hoa, lọc qua rây để nước hoa không dính cặn.
Bước 3: Gạo vo sạch, cho vào nồi cùng nước hoa đậu biếc và nấu như bình thường nhé.

20. Xôi hoa đậu biếc
Nguyên liệu:
- Hoa đậu biếc (khô hoặc tươi): 30-50 bông
- Gạo nếp: 2 bát
- Đường: 4 thìa cà phê
- Muối: 2 thìa cà phê
- Nước cốt dừa: 5 thìa
- Rượu trắng: 1 thìa
- Dừa bào: 60g

Cách làm: 
Bước 1: Nấu nước hoa đậu biếc (50 bông + 1 lít nước). Sau đó đề nguội.
Bước 2: Ngâm nếp với nước vừa nấu để qua đêm.
Bước 3: Vớt nếp cho ráo nước, sau đó trộn 1 thìa muối và đổ nước cốt dừa lên trên. 
Bước 4: Hấp cách thủy từ 30-40 phút. Khi hấp được 20 phút thì nhớ mở nấp, xới đều xôi lên để xôi được tơi và chín đều
Bước 5: Khi xôi đã chín mềm, dẻo và thơm mùi nước dừa thì lấy xôi ra cho hơi nước bay bớt ra rồi trộn đều đường.
Bước 6: Để cho đẹp mắt hơn thì ta đưa vào khuôn tạo kiểu ta thích, rồi rắc dừa bào lên trên cho hấp dẫn hơn.

21. Xôi xoài hoa đậu biếc
Nguyên liệu: 
- 500gr nếp ngon
- 2 trái xoài chín
- 300ml nước cốt dừa
- 50gr cơm dừa nạo nhuyễn
- 5gr hoa đậu biếc khô
- Bột năng, đường

Cách làm:
Bước 1: Ngâm hoa đậu biếc với 70ml nước nóng trong 30 phút để hoa ra màu.
Bước 2: Ngâm nếp 8 giờ đồng hồ. Sau đó chắt sạch nước và cho nước hoa đậu biếc vào, trộn đều và ngâm trong 5 phút. Khi nếp đã thấm đều màu thì chắt bỏ nước hoa.
Bước 3: Trộn nếp với 40ml nước cốt dừa, 10gr đường và toàn bột cơm dừa nạo nhuyễn.
Bước 4: Hấp cách thủy xôi trong 40 phút đến khi xôi chín mềm và tỏa mùi thơm.
Bước 5: Nấu chỗ nước cốt dừa còn lại với lửa nhỏ, pha 5gr bột năng với 70ml nước, hòa tan bột và cho từ từ vào nước cốt để có độ sệt vừa ý. Khi ăn, cắt xoài thành từng miếng vừa ăn. Cho xôi vào chén, thêm xoài đã cắt miếng rồi rưới nước cốt dừa lên trên là có thể thưởng thức được rồi. 

22. Miến hoa đậu biếc 
Nguyên liệu: 
Phần miến: 
100g miến khô loại chưa có màu
50ml dầu ăn
2g hoa đậu biếc khô
50g tỏi băm

Nước sốt: 
50ml nước mắm
15g ớt
10g tỏi
1 quả chanh tươi
50g đường thốt nốt
30g cà chua bi

Nguyên liệu trộn miến: 
200g tôm tươi
300g chem chép
200g mực ống
100g thịt băm
100g đậu phụ
Rau gia vị: Húng lũi, dưa chuột, cà rốt, giá đỗ
Gia vị: nước mắm, hạt nêm, đường trắng, dầu ăn
Hành tím băm nhỏ, hành phi vàng

Cách làm: 
- Cho 1 lít nước lọc vào nồi đun nóng già rồi thả hoa đậu biếc khô vào đun đến khi nước sôi thì tắt bếp, để ngâm hoa đậu biếc trong nồi từ 7 - 10 phút cho hoa thôi hết màu thì vớt lấy xác hoa đem bỏ. - Cho miến khô vào nồi nước hoa đậu biếc, bật bếp đem luộc khoảng 3 phút thì tắt bếp, ngâm miến thêm 2 phút nữa trong nồi cho sợi miến ngấm màu xanh
- Trong khi chờ chuẩn bị tô nước đá lạnh, miến ngâm đủ thời gian đem vớt miến ra tô ngâm nước lạnh đến khi sợi miến nguội hẳn thì đem vớt ra để ráo nước.
- Cho chút dầu ăn vào chảo đặt lên bếp làm nóng rồi cho tỏi vào phi thơm, tắt bếp, cho dầu tỏi vào trộn đều với miến.
- Làm nước sốt: cho đường thột nốt tỏi ớt vào cối giã nhuyễn, thêm nước mắm khuấy đều, tiếp đến vắt nước cốt chanh và vỏ chanh vào thêm cà chua bi và húng lũi vào rồi giã nhẹ.
- Đậu phụ cắt miếng vuông nhỏ chiên vàng giòn rồi vớt ra đĩa có giấy thấm dầu. Tôm, chem chép, mực sơ chế sạch đem luộc hoặc hấp chín.
- Cho dầu ăn vào chảo làm nóng, cho hành băm nhỏ vào phi thơm rồi tiếp đến cho thịt băm vào xào sơ, nêm nếm gia vị vừa ăn đảo đều tay cho thịt ngấm gia vị và chín tới thì đem tắt bếp
- Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào cùng 1 đĩa, khi ăn chan nước sốt lên miến, trộn đều các nguyên liệu rồi cùng thưởng thức. Đặc biệt khi bạn thêm nước cốt chanh vào miến làm sợi miến đổi màu từ xanh qua tím đấy nhé.


Girlandlittlething
(Dịch & Sưu tầm)

0 comments :